Ý kiến đánh thuế 70% với tài sản bất minh: Có dễ thực hiện?

Liên quan đến việc thu hồi tài sản, tiền thất thoát trong các vụ án tham nhũng cũng như việc xử lý tài sản bất minh, ĐBQH cho rằng, cần làm nghiêm từ ban đầu, trước khi để xảy ra hậu quả.

Bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin lắng nghe chia sẻ của các ĐBQH xoay quanh việc thu hồi tài sản, tiền thất thoát trong các vụ án tham nhũng cũng như việc xử lý tài sản bất minh.

Đánh giá về việc thu hồi lại tài sản trong các vụ án tham nhũng thời gian qua, ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ: “Rõ ràng, việc này là rất thấp, quá nhiều ngóc ngách và không kiểm soát được. Đây là một thước đo lòng tin của người dân”.

Có ý kiến đánh thuế đến 70% với tài sản bất minh, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Có thể lúc đầu phải chấp nhận điều này, khi cảm thấy chấp nhận được thì ai cũng tư duy bài toán lợi ích cả. Tôi cho rằng, cứ kê khai tài sản lần đầu, có thể bổ sung điều chỉnh nhưng đến thời điểm kê khai xong sẽ kiểm soát chặt hơn”.

ĐBQH Dương Trung Quốc nêu ý kiến, sau thời điểm cán bộ kê khai tài sản sẽ phải kiểm soát chặt chẽ để xử lý tài sản bất minh.

Xoay quanh vấn đề làm thế nào để chứng minh tài sản tham nhũng được chuyển cho người thân, bồ nhí của cán bộ, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh bày tỏ thêm: “Tôi nghĩ rằng mình không có tham vọng phải kiểm soát mọi thứ, bởi mỗi người có một quyền nhất định và đã được Hiến pháp quy định. Vấn đề ở chỗ mình quản lý cán bộ của mình. Để phòng chống tham nhũng thì điều đầu tiên phải quản lý cán bộ.

Muốn quản lý cán bộ được tốt thì phải có cơ chế rất rõ ràng trong công tác quản lý, giáo dục cán bộ và kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa các cơ quan, để mình có được một cán bộ tốt. Tôi muốn ở góc độ phòng là chính, chứ không phải chống là chính. Nhưng rõ ràng, chúng ta chưa làm tốt vấn đề này, việc quản lý cán bộ còn nhiều kẽ hở, lỏng lẻo. Bây giờ, phải kiểm soát mối quan hệ xã hội của cán bộ, chứ không phải đi kiểm soát những người có quan hệ xã hội với cán bộ. Còn việc kiểm soát tài sản đưa cho bồ nhí… cũng khó kiểm soát vì biết ai mà kiểm soát?”.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, để phòng chống tham nhũng thì điều đầu tiên phải quản lý tốt cán bộ.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho hay: “Luật Phòng chống tham nhũng phải đặt trọng tâm là phòng và chống, sau đó mới tìm biện pháp để xử lý hậu quả. Một khi, những người đã có mưu mô, có thủ đoạn để tham nhũng, lấy được tiền của Nhà nước thì còn nhiều mưu mô thủ đoạn hơn nữa để che giấu khoản tiền đó. Nên, nếu không phòng chống tham nhũng tốt mà để đến khi xảy ra tham nhũng mới đi thu hồi tài sản tham nhũng đó thì khả năng để thu hồi hết tài sản đó là điều rất khó”.

Đại biểu Cường nhấn mạnh: “Do vậy, trong các vụ án xử lý về tham nhũng thời gian qua tỷ lệ thu hồi được tài sản đã tham nhũng thường không được cao. Rõ ràng, bên cạnh khó khăn truy thu được tài sản đó, phân tán cho nhiều đối tượng khác nhau thì ngay trong luật pháp cũng chưa có quy định làm thế nào để phát hiện được đó là tài sản tham nhũng, là tài sản sẽ phải xử lý, thu hồi.

Luật Phòng chống tham nhũng lần này cũng đưa ra các giải pháp thực hiện tốt hơn việc thu hồi đó, phương án đưa ra tòa để xác định đây đúng là tài sản bất minh. Và khi xác định được tài sản bất minh rồi đương nhiên sẽ phải thu hồi toàn bộ.

Tuy nhiên, có những tài sản rất khó xác định được là bất minh hay có nguồn gốc rõ ràng. Nên việc thu thuế tôi cho rằng cũng là một giải pháp trước mắt để thu được phần tài sản đáng ra phải được nộp cho nhà nước. Còn sau đó, nếu như phát hiện ra tài sản đó là bất minh, có những uẩn khúc thì đối tượng đó phải tiếp tục chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Hoàng Bích - Nguyễn Hường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/y-kien-danh-thue-70-voi-tai-san-bat-minh-co-de-thuc-hien-a410693.html