Ý kiến đại biểu Quốc hội

Ngày 22-5, thảo luận tại tổ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển tích cực của kinh tế-xã hội đất nước. Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh)

Kiểm soát độ mở của nền kinh tế

Phát triển kinh tế-xã hội nước ta năm 2017 đã đạt được nhiều mục tiêu: Lạm phát được kiểm soát, cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư liên tục giúp dự trữ ngoại hối tăng, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu... Với nền tảng đó, niềm tin giá trị đồng nội tệ lên cao, hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Để bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững, có một số vấn đề cần quan tâm, điều chỉnh. Trước hết, nước ta có độ mở kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP. Những nước có độ mở của nền kinh tế cao thường dễ bị nhạy cảm với biến động thế giới, trong khi tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp. Vì vậy cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế, đồng thời, phải quan tâm đến thị trường trong nước, nội lực của đất nước.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 30 năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số vốn đăng ký hơn 318 tỷ USD và giải ngân đạt hơn 172 tỷ USD, tương đương 78% GDP. FDI đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng vốn đầu tư, chiếm tới 72% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực này có yếu tố không bền vững, chỉ cần có sự chuyển hướng đầu tư hoặc rút vốn sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo gần đây cho thấy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trên thị trường, làm ảnh hưởng đến dòng chảy tiền tệ thế giới, từ đó, ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta vẫn rất cần nguồn vốn FDI nhưng nên có sự chuyển hướng, định hướng chiến lược trong thu hút FDI. Theo tôi có 4 tiêu chí cần quan tâm: Thứ nhất là xanh, bảo đảm vấn đề môi trường; thứ hai là sạch, phải xem xét lý lịch của doanh nghiệp FDI, đừng để cấp phép rồi mới biết doanh nghiệp đó bị tai tiếng trên thị trường quốc tế, phải bảo đảm doanh nghiệp hoạt động minh bạch, đóng thuế đầy đủ, chống chuyển giá; thứ ba là yếu tố chất lượng, công nghệ cao; thứ tư là tính lan tỏa, thời gian qua FDI đầu tư ở Việt Nam nhiều nhưng sự lan tỏa, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các thành phần kinh tế trong nước còn ít.

HƯNG MẠNH (ghi)

*Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn Ninh Bình), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Từ thực tế địa phương, chúng tôi cảm nhận rõ niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân và kỳ vọng vào kết quả tích cực của kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta rất cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chuyển dịch trong đời sống nhân dân, thay đổi về chất chưa nhiều. Trong những năm tới, cần nói nhiều hơn, quan tâm hơn đến chất lượng tăng trưởng đi liền với quy mô của nền kinh tế, năng suất lao động, hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Ngoài ra, năm nào chúng ta cũng nói đến giải ngân vốn đầu tư công chậm nhưng chưa đánh giá đúng nguyên nhân và có những giải pháp để thay đổi, chuyển biến. Tôi có cảm giác càng nói nhiều đến đầu tư công thì giải ngân càng chậm. Theo tôi, đầu tư công giải ngân chậm, liên quan đến thủ tục và nhiều vấn đề khác. Theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án phải được thẩm định nguồn vốn trước khi triển khai. Nhưng bất cập là dự án lớn mà vốn lại không có hay quy mô dự án và nguồn vốn vênh nhau... là những nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm. Tôi cho rằng, cần phân loại dự án, nếu dự án cấp bách thì không nên chờ phải thẩm định; còn những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công, đã được xác định, cần thẩm định để bảo đảm dự án không kéo dài. Hiện nay, chúng ta đang phủ lên tất cả dự án, ví dụ dự án phòng chống bão lụt, trong khi thiên tai đang gần kề mà lại phải chờ thẩm định. Để bảo đảm hiệu quả dự án đòi hỏi sự công tâm, khách quan, công minh của người quyết định đầu tư. Cần giao quyền cho địa phương, ví dụ nếu chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Cần quy định thẩm quyền đi liền với trách nhiệm, kể cả vấn đề tổng mức đầu tư, chất lượng, tiến độ của dự án.

BẢO LINH (ghi)

*Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội):

Ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Nền kinh tế Việt Nam năm 2017 và đầu năm 2018 có nhiều khởi sắc, trong đó khu vực nông nghiệp là một trong những động lực chính cho tăng trưởng và lĩnh vực này có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì tăng trưởng khu vực nông nghiệp, để Việt Nam có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, người nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp thì yêu cầu cấp bách là phải đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN). Theo thống kê, 1ha trồng rau theo phương pháp truyền thống đạt sản lượng 20 tấn, chất lượng chưa được kiểm soát, song cần tới 850 tới 1.200 công lao động, còn nếu áp dụng công nghệ cao thì chỉ cần 120 công lao động đã sản xuất được 120-150 tấn rau an toàn. Như vậy, KHCN sẽ gia tăng năng suất, giá trị thặng dư cho sản phẩm nông nghiệp, từ đó gia tăng tính cạnh tranh. Trong chiến lược phát triển KHCN nông nghiệp, nông thôn 2011-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đặt ra mục tiêu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 50% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu vào năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn lực đầu tư cho vấn đề nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào nông nghiệp còn hạn chế, mỗi năm chỉ khoảng 600 tỷ đồng, trong đó 50% chi lương và 50% chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi. Nguồn lực này so với Philippines thấp hơn 7 lần, so với Thái Lan thấp hơn 10 lần. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ, hằng năm dành thêm nguồn kinh phí cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN để có thể phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp chủ động tham gia sâu hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học… Cùng với đó, Chính phủ cũng cần quan tâm đầu tư nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông sản theo sản phẩm chủ lực như quốc gia, vùng miền, địa phương…

NAM TRỰC (ghi)

*Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Hòa Bình), Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giáo dục tư thục

Nền kinh tế tăng trưởng cao, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; tình hình an ninh chính trị ổn định là những kết quả nổi bật trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Tuy nhiên, có vấn đề xã hội nổi cộm cần được quan tâm, đó là vài năm trở lại đây xuất hiện những vụ việc bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non tư thục, gây bức xúc trong dư luận. Nhu cầu gửi trẻ theo nhóm trẻ tại gia đình người dân hay tại các cơ sở giáo dục tư thục ngày càng tăng cao. Thực tế để làm được những công việc như trông trẻ, giáo dục mầm non... đều yêu cầu trình độ nhất định, phải được đào tạo chuyên môn và có phương pháp sư phạm. Để chấn chỉnh tình trạng trên, trước tiên các cơ quan chức năng, địa phương cần rà soát một cách chi tiết về điều kiện của các cơ sở giáo dục tư thục, từ cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của những người trông giữ trẻ. Đặc biệt, phải yêu cầu những người muốn hành nghề trông giữ trẻ thi tuyển để có chứng chỉ hành nghề.

MINH ĐỨC (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/y-kien-dai-bieu-quoc-hoi-539567