Ý kiến đa chiều về việc bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh kiêm Hiệu trưởng ĐH Hạ Long

Việc ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa được giao kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng ĐH Hạ Long đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Ngày 18/5, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng hiện đang là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng ĐH Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, dư luận có không ít ý kiến trái chiều.

Trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc Chủ tịch một tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng một trường ĐH là hoàn toàn không nên, xưa nay chưa từng có.

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh giữ chức vụ Hiệu trưởng ĐH Hạ Long do Phó chủ tịch tỉnh Đặng Huy Hậu ký.

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh giữ chức vụ Hiệu trưởng ĐH Hạ Long do Phó chủ tịch tỉnh Đặng Huy Hậu ký.

“Tỉnh có thể nói họ làm đúng luật. Đúng ở chỗ Hiệu trưởng một trường có thể do Hội đồng trường đề nghị. Hội đồng trường có đề nghị lên UBND thành phố để ông Thắng được làm Hiệu trưởng. Nhưng trong Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng quy định người làm hiệu trưởng một trường đại học phải có kinh nghiệm quản lý đại học trước đó. Một trường đại học có rất nhiều công việc, từ thi cử, tuyển sinh, công tác cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học, nếu chưa có kinh nghiệm thì sẽ làm thế nào. Chưa kể, Chủ tịch tỉnh phải làm rất nhiều việc, thời gian đâu để sát sao với công tác hiệu trưởng”?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, địa phương giải thích bổ nhiệm ông Thắng làm Hiệu trưởng để xây dựng và phát triển trường. Song nếu đúng mục đích muốn trường phát triển, đáng ra Chủ tịch tỉnh nên là người đứng ra chỉ đạo tìm một người có kinh nghiệm quản lý giáo dục về đảm nhiệm.

Là người có gần 20 năm quản lý ngành giáo dục đại học, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, việc Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường ĐH ở địa phương “là do thói quen, muốn để cử người cấp trên đảm nhiệm một công việc ở cấp thấp hơn. Nhưng trong trường hợp không thể tìm được người thay thế, tình thế bắt buộc mới phải làm vậy”.

“Hiệu trưởng phải làm những công việc rất bếp núc của một trường đại học, là người miệng nói tay làm, chứ không phải chỉ đứng chỉ đạo. Nếu muốn tham gia vào trường, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chỉ nên tham gia vào Hội đồng trường như một thành viên”, TS Lê Viết Khuyến nói.

Cũng theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Luật giáo dục hiện hành quy định, Hiệu trưởng các trường đại học phải kinh qua công tác quản lý nhà trường. “Tôi có 19 năm làm Phó Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, khi nghỉ hưu, có trường ĐH dân lập muốn mời tôi về làm hiệu trưởng, nhưng tôi không dám nhận lời. Bởi dù có quản lý, nhưng quản lý ở cấp Bộ, không trực tiếp làm việc ở các trường, tính chất công việc khác nhau, làm không thể tốt bằng các thầy trực tiếp quản lý tại trường. Nên nghe việc một người chưa từng có kinh nghiệm quản lý giáo dục lên làm hiệu trưởng, không hiểu sẽ làm thế nào”, TS Khuyến băn khoăn.

Lý giải về quyết định trên, ngày 21/5, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, người ký quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Thắng là Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long - cho rằng việc này là bình thường, bởi người tiền nhiệm cũng là một lãnh đạo UBND tỉnh.

“Trước đó, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Thủy khi còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long. Nay bà Thủy nghỉ hưu thì một lãnh đạo khác của UBND tỉnh kiêm chức hiệu trưởng. Lãnh đạo tỉnh kiêm nhiệm thực tế cũng chỉ nắm bắt công tác chỉ đạo thôi, còn công việc chuyên môn của nhà trường đều do các thầy cô đảm nhiệm” ông Hậu cho biết.

Cũng theo ông Hậu, trường Đại học Hạ Long mới đi vào hoạt động không lâu, vì vậy trong giai đoạn hiện nay rất cần một lãnh đạo UBND tỉnh kiêm nhiệm chức hiệu trưởng để có những cơ chế, chính sách lớn, những quyết sách nhanh thúc đẩy phát triển.

Về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng, trường Đại học Hạ Long đã có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó, sau khi bà Vũ Thị Thu Thủy nghỉ hưu theo quy định (kể từ ngày 01/01/2020), đến ngày 17/5/2020 do chưa kiện toàn được chức danh Hiệu trưởng phần nào đã ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành của Nhà trường. Để kiện toàn chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hạ Long trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước; căn cứ vào quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của Tỉnh trong thời gian vừa qua đã chứng minh, Trường Đại học Hạ Long với cơ cấu Hiệu trưởng là một lãnh đạo tỉnh đã hoạt động rất hiệu quả, phát triển nhanh, toàn diện.

Trường Đại học Hạ Long là đơn vị trực thuộc UBND Tỉnh và đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để hướng tới mục tiêu đặt ra. Do vậy, trong quá trình công tác, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng luôn quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sâu sát mọi hoạt động của nhà trường từ xây dựng cơ chế chính sách, tập trung nguồn lực đến tìm kiếm đối tác quốc tế để liên doanh liên kết, hợp tác đào tạo...; đặc biệt là trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách thu hút giảng viên, thu hút sinh viên vào học tại Nhà trường, chính sách thỉnh giảng tại trường Đại học Hạ Long; đẩy mạnh nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong đào tạo (chỉ đạo thành lập các Trung tâm Khoa học và công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Giao lưu văn hóa Việt – Nhật)

Bản thân ông Nguyễn Văn Thắng cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo của Nhà trường. Việc quy định Hiệu trưởng trường Đại học có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học là tiêu chuẩn mang tính định tính, có thể vận dụng đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Thắng trong trường hợp rất cần thiết này, mặt khác Luật Giáo dục sửa đổi cũng không quy định bắt buộc chức danh Hiệu trưởng là cán bộ cơ hữu của trường Đại học.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thảo luận, xem xét, đánh giá tổng thể, rà soát trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh (đặc biệt là điều kiện phải có học vị Tiến sĩ) và thống nhất quyết nghị phân công ông Nguyễn Văn Thắng, Tiến sĩ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm giữ chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long.

"Căn cứ quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và Thông báo số 1756-TB/TU ngày 09/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh thông báo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ và quy định của tỉnh về công tác cán bộ, Hội đồng Trường Đại học Hạ Long đã tổ chức họp Hội đồng để bầu chức danh Hiệu trưởng. Kết quả 100% thành viên hội đồng dự họp đã nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025", văn bản của trường ĐH Hạ Long cho biết.

Căn cứ kết quả bầu, Hội đồng Trường Đại học Hạ Long đã trình UBND tỉnh; ngày 18/5/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1588/QĐ-UBND công nhận ông Nguyễn Văn Thắng, Tiến sĩ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Nguyễn Văn Thắng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật.

Cũng theo báo cáo của trường Đại học Hạ Long, ông Nguyễn Văn Thắng, với vị trí là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả mô hình lãnh đạo UBND tỉnh kiêm Hiệu trưởng, nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với Trường Đại học mới thành lập, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận và tổ chức thực hiện chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ hợp tác trong đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước, với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đổi mới trong công tác đào tạo gắn với các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát triển nguồn nhân lực để tập trung phát triển theo ba đột phá chiến lược của tỉnh, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực trong thời gian tới…

"Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi tổ chức bộ máy nhà trường ổn định, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long sẽ chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh việc kiện toàn chức danh Hiệu trưởng, phù hợp với quy định, yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn", văn bản của Đại học Hạ Long cho biết./.

Ngày 13/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở hai trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long; với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hạ Long là Trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ năng động, có uy tín trong nước và khu vực; cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục và xã hội nhân văn phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và các địa phương khác.

Sau 5 năm hoạt động, đến nay Trường Đại học Hạ Long đã đạt được những kết quả quan trọng, đúng định hướng chiến lược phát triển của tỉnh đề ra, đánh dấu sự phát triển của Nhà trường, như: Số lượng giảng viên có trình độ chuyên môn tiến sĩ 32 người (tăng 20 người so với năm 2015), có 184 thạc sĩ (tăng 44 người so với năm 2015); năm học 2019-2020 có 3.880 sinh viên (trong đó có 2.291 sinh viên bậc đại học), tăng 36% số sinh viên so với số sinh viên năm học 2015-2016 (trong đó số sinh viên bậc đại học tăng trên 10 lần). Cơ sở vật chất nhà trường được ưu tiên đầu tư với nguồn kinh phí lớn, đảm bảo điều kiện tốt phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/y-kien-da-chieu-ve-viec-bo-nhiem-chu-tich-tinh-kiem-hieu-truong-dh-ha-long-1051275.vov