Ý kiến chuyên gia Về các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu thủ công

Ngày 31/8, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức tọa đàm chuyên gia về các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu thủ công quy định tại Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương; đại diện một số bộ, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có quan tâm về lĩnh vực này.

Đưa ra một số vấn đề về tình hình sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện nay có hai hình thức sản xuất rượu thủ công. Cụ thể: sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và sản xuất rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Hình thức sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là những cơ sở sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công và bán tiêu thụ ra ngoài thị trường, được quản lý bằng việc cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Cơ quan cấp giấy phép là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng các quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Còn đối với hình thức sản xuất rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, theo đại diện Bộ Công thương, về bản chất các cơ sở này cung cấp rượu để làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp đã có giấy phép để chế biến lại thành rượu thành phẩm nên không cần có giấy phép sản xuất rượu để tránh việc cấp phép 2 lần trên cùng 1 sản phẩm. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ, các cơ sở này phải tuân thủ các quy định đó là phải có hợp đồng với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và trong trường hợp không bán cho các doanh nghiệp sản xuất rượu thì phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Hình thức này phải đăng ký với chính quyền sở tại. Ngoài hai hình thức trên, đại diện Bộ Công thương cho biết trên thực tế vẫn còn hình thức rượu thủ công do các hộ dân tự sản xuất và tự tiêu dùng, hiện nay chưa quy định cụ thể với việc quản lý hình thức này.

Đại diện một số bộ, ngành trao đổi tại tọa đàm

Trao đổi về nội dung này, đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm từ năm 2013 đến năm 2017, toàn quốc đã ghi nhận xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không an toàn làm 193 người mắc bệnh và 34 người chết. Kết quả đề tài đánh giá thực trạng và một số yếu tố liên quan đến mối nguy hóa học ở nhóm sản phẩm rượu sản xuất thủ công ở hai địa bàn thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thực hiện năm 2013 cho thấy: hàm lượng cồn trung bình trong các mẫu rượu 35,5 độ, cao nhất là 52 độ và thấp nhất là 21 độ; có đến hơn 89% các mẫu rượu thủ công không đạt chỉ tiêu về methanol, có hơn 54% và khoảng 87% số mẫu không đạt chỉ tiêu lần lượt về aldehyt và furfurol.

Thường trực Ủy ban đưa ra ý kiến

Thảo luận, một số đại biểu cho rằng đề kiểm soát chất lượng rượu thủ công tại Việt Nam thì cần Ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng rượu; Ban hành hướng dẫn chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật để cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu thủ công dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá về mức độ ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu, thời gian và nhiệt, độ lên men, chưng cất…Các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng nhận định, khái niệm của người dân về chất lượng rượu không dựa theo các tiêu chí lượng hóa mà chỉ dựa trên các tiêu chí cảm tính. Rượu uống vào thấy nhẹ người được cho là chất lượng tốt. Theo họ, rượu mới nấu thường còn nhiều độc tố, nhưng cất giữu lâu ngày thì độc tố sẽ bay đi và rượu trở nên ngon hơn, chất lượng cao hơn. Người dân còn đặt niềm tin vào chất lượng của rượu tự nấu tại quê nhà vì họ cho rằng rượu tự nấu được sản xuất bằng những nguyên liệu ngon, đảm bảo. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hộ gia đình đã chạy theo lợi nhuận, dùng các loại men không rõ nguồn gốc hoặc pha thêm vào rượu tự nấu các loại cồn công nghiệp để tăng nồng độ của rượu. Do đó, theo các đại biểu, việc truyền thông nâng cao ý thức của người dân về sử dụng rượu thủ công phải được tiếp tục đẩy mạnh. Các thông tin về kiến thức uống, mức độ uống, tại hại của việc lạm dụng rượu cần được chuyển tải tới người dân. Thông điệp “uống có trách nhiệm” cần được thẩm thấu vào nhận thức của người dân thông qua nhiều kênh tuyên truyền khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu tại tọa đàm để quy định các biện pháp quản lý sản xuất rượu thủ công một cách đầy đủ và chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật luật hiện hành./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37077