Y học Việt Nam và kỳ tích ghép tạng

Từ một nước được coi là 'chậm tiến' so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, tới nay, sau 26 năm, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới bằng những bước phát triển diệu kỳ.

Ca ghép tạng hy hữu tại BV Việt Đức, rạng sáng ngày 5/9/2015.

Ca ghép tạng hy hữu tại BV Việt Đức, rạng sáng ngày 5/9/2015.

Những ca phẫu thuật hy hữu

Ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam thai nghén từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước, ước mơ đó chưa thành hiện thực. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Học viện Quân y đã ghép thận thực nghiệm. Sau khi đoàn cán bộ đầu tiên đi học tập về ghép tạng từ Cuba về nước, với sự quyết tâm cao của ngành Y tế, sự kết hợp quân dân y và những nỗ lực của các thầy thuốc BV Quân y 103, Học viện Quân y, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc), lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện ca ghép thận cho bệnh nhân Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối vào ngày 4/6/1992 ở Bệnh viện Quân y 103 từ người hiến là em trai ruột 28 tuổi. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân suy thận đang khắc khoải giành sự sống. Năm tháng sau, BV Chợ Rẫy (TPHCM) cũng tiến hành ca ghép thận đầu tiên, hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh.

Năm 2004, bé gái Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi, ở Nam Định) trở thành bệnh nhi đầu tiên được ghép gan tại BV Quân y 103, người cho một phần gan là bố đẻ em (31 tuổi). Ca đại phẫu kéo dài hơn 17 giờ với sự tham gia của 100 y - bác sĩ. 14 năm trôi qua, bệnh nhi ngày ấy nay đã là trưởng thành và đang làm việc trong ngành y, còn người bố của cô sức khỏe vẫn rất tốt. Năm 2007, BV Việt Đức thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam sau khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (từ ngày 1/7/2007).

Một bước ngoặt quan trọng khác trong lịch sử ghép tạng Việt Nam là ca ghép tim đầu tiên cũng được tiến hành thành công tại BV Quân y 103 vào ngày 17/6/2010. Bệnh nhân được ghép tim là ông Bùi Văn Nam - 48 tuổi, bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4. Người cho tim là một bệnh nhân chết não. Bệnh nhân được ghép tim đúng vị trí theo phương pháp nối 2 tâm nhĩ.

Năm 2017 là năm ngành ghép tạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và có thêm nhiều kỷ lục mới. Trong năm này, chúng ta chinh phục thành công ca ghép phổi trên người, đồng thời BV Việt Đức thực hiện ca ghép tim nhi đầy kỳ diệu từ người hiến tim chết não là người lớn. ThS Nguyễn Hoàng Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến 26/12/2017, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não là 11.653 trường hợp. Con số này gần gấp đôi so với năm 2016 (6.726 trường hợp). Ngày 21/2/2017, BV Quân y 103 đã phối hợp các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi Ly Chương B. (xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ ba, có chỉ định ghép phổi. Không chỉ là trường hợp ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam, ca ghép tạng này còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thể trạng bệnh nhi rất yếu. Bệnh nhi lại được ghép tạng từ hai người khác nhau nên để cơ thể bé thích nghi với cả hai tạng là một thách thức với đội ngũ y bác sĩ, phải cẩn thận khi dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Năm 2017 cũng chứng kiến thành tựu đầu tiên trong ngành ghép tạng Việt Nam khi ghép tim của một người trưởng thành chết não cho một bệnh nhi chỉ mới 10 tuổi với thể trạng yếu ớt, suy kiệt. Bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15/3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại BV Hữu nghị Việt Đức đã thành công. Nói về ca ghép kỳ diệu này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước-Trưởng khoa Tim, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân Đạt 10 tuổi nhưng chỉ nặng có 21kg, thể trạng yếu ớt, trong khi trái tim hiến là của một thanh niên đã trưởng thành, nên ê kíp phẫu thuật đã rất cân não để quyết định ghép tim của nam thanh niên hiến tạng cho Đạt. “Cuối cùng, cuộc phẫu thuật cũng đã rất thành công dù phải vượt qua nhiều thử thách để xử lý quả tim sao cho tương xứng với lồng ngực cháu bé khi trọng lượng người cho so với trọng lượng của cháu bé vênh nhau khoảng 300%. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép tim cho bệnh nhi”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước tự hào nói.

Khó khăn còn tồn tại

BS Dư Thị Ngọc Thu-Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người - BV Chợ Rẫy chia sẻ, quan niệm của người Việt Nam khi chết phải được nguyên vẹn. Vì vậy, khi thuyết phục người nhà bệnh nhân đồng ý cho tạng theo nguyện vọng của người đã chết, nhiều trường hợp chúng tôi gặp sự phản ứng rất gay gắt, thậm chí bị đánh. Bên cạnh đó, nhiều người lại không hiểu rõ về cách cho tạng như thế nào là đúng. Chẳng hạn, một bệnh nhân có ý nguyện hiến tạng, nhưng khi bệnh nhân có tình trạng xấu đi, người nhà không đưa lên bệnh viện, chỉ đến khi bệnh nhân qua đời vài tiếng mới gọi điện thoại thông báo. Họ không biết được rằng trước khi lấy tạng, cần phải làm các xét nghiệm cần thiết để nắm rõ tình trạng các tạng và thời điểm lấy tạng phù hợp nhất là ngay sau khi tim bệnh nhân ngưng đập.

Mặt khác, nhiều BV đã tiến hành ghép tạng nhưng chưa có một cơ quan, bộ phận nào chuyên trách riêng về ghép tạng trong BV. Mỗi lần ghép là phải huy động các khoa liên quan cùng tham gia. Vì không có một bộ phận chuyên trách về ghép, nên việc ghép không được quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, các bệnh viện có khả năng ghép tạng là các bệnh viện có khả năng thực hiện nhiều kỹ thuật công nghệ cao như BV Chợ Rẫy, Việt Đức, nên thường bị quá tải trong khám chữa bệnh, do đó cũng khó khăn cho công việc ghép tạng vì thiếu nhân lực và thời gian.

Ghép tạng là biện pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Và một người mất đi nếu hiến tạng có thể cứu được 5-6 người. Để có thêm nhiều người hiến tạng, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để người dân hiểu biết và ủng hộ, cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng đối với người hiến tạng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/y-hoc-viet-nam-va-ky-tich-ghep-tang-tintuc414404