Y học cổ truyền Việt Nam trước xu hướng hiện đại hóa: Bài 2 - Tích hợp đông tây y

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, y học cổ truyền Việt Nam cũng bắt đầu chuyển mình bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó nổi bật là sự phối kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Điều này đã mang lại những tín hiệu lạc quan.

Đông tây y kết hợp

Năm 2017, phát hiện mình mắc bệnh ung thư máu, chị Lê Thị Hạnh (31 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) tìm đến Bệnh viện Truyền máu - Huyết học thành phố để điều trị bệnh. Chị được các bác sỹ chẩn đoán suy tủy, 3 dòng huyết cầu đều giảm mạnh. Tiến hành điều trị được một thời gian, sức khỏe của chị suy kiệt dần, thiếu máu nặng, lá lách to như trái bưởi. “Cách mấy ngày, tôi lại phải truyền máu một lần, cơ thể ngày càng suy nhược hơn, có người mách tôi nên đi theo đông y”, chị Hạnh cho hay.

Cấy chỉ cho bệnh nhân mắc bệnh cơ, xương, khớp - một phương pháp điều trị hiệu quả của y học cổ truyền tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh.

Cấy chỉ cho bệnh nhân mắc bệnh cơ, xương, khớp - một phương pháp điều trị hiệu quả của y học cổ truyền tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh.

Tìm đến Phòng khám bác sỹ Đỗ Hữu Định, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, chị Hạnh được bác sỹ kê đơn theo bài thuốc quy tỳ để bổ huyết kiện tỳ. Sau 6 tháng song hành điều trị ở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học kết hợp sử dụng thuốc đông y, sức khỏe của chị bắt đầu cải thiện. Đến nay, đã hơn 1 năm điều trị đông - tây y kết hợp, các thông số bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu của chị Hạnh đã ổn định, lá lách trở về bình thường.

Theo bác sỹ Đỗ Hữu Định, việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh lý ung thư đã được các nước có nền y học cổ truyền phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng từ 40 năm nay. Tại Việt Nam, việc phối hợp này được áp dụng muộn hơn nhưng cũng đã có những kết quả lạc quan.

“Đông y có những vị thuốc như tâm lăng, nga trục có thể làm mềm các u cứng, giải độc, vì thế có thể sử dụng để kết hợp với tây y trong việc làm tiêu trừ các u lành tính và u ác tính”, Bác sỹ Định cho hay. Song song với các phương pháp hóa trị, xạ trị của tây y, bác sỹ Định cho rằng, bệnh nhân ung thư cần được phối hợp điều trị bằng đông y để mang lại hiệu quả cao nhất.

Là một trong những đơn vị tiên phong kết hợp đông và tây y trong khám chữa bệnh những năm gần đây, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh đã điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh như ung thư, cơ xương khớp, thần kinh… Theo Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh - Tiến sỹ, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan, hầu hết tất cả các bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại Viện Y dược học cổ truyền đầu tiên sẽ được chẩn đoán theo tây y bằng các thiết bị y học hiện đại như X-quang, siêu âm, thử máu… để xác định bệnh. Sau đó, một số bệnh sẽ được điều trị đơn thuần bằng y học cổ truyền, một số bệnh sẽ được dùng phác đồ đông tây y phối hợp. Ví dụ một bệnh nhân mắc bệnh đau lưng kèm cao huyết áp, các bác sỹ sẽ kê đơn điều trị cao huyết áp bằng tây y, còn đau lưng sẽ điều trị hoàn toàn bằng y học cổ truyền.

“Cả đông y và tây y đều có sở trường riêng. Do đó kết hợp đông và tây y là sự kết hợp sở trường của từng lĩnh vực, điều này mang lại hiệu quả tích cực hơn trong điều trị bệnh”, Tiến sỹ, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan cho hay. Nhờ thế, số lượng người người bệnh tìm đến điều trị y học cổ truyền ngày một tăng thêm. Trung bình hiện nay mỗi ngày, Viện Y dược học dân tộc khám ngoại trú cho 500 - 600 lượt bệnh nhân, 350 giường bệnh nội trú của Viện luôn đạt công suất ở mức 90%.

Tuy nhiên, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan cho rằng, việc kết hợp đông - tây y vẫn chưa thật sự lớn mạnh, rất cần các chính sách tạo điều kiện để phát triển. Cùng với đó là sự thay đổi trong nhận thức của toàn ngành Y tế, đặc biệt là trong đội ngũ y bác sỹ. "Nếu như các bác sỹ tây y ủng hộ, hợp tác với chúng tôi, việc phối hợp đông và tây y sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan mong mỏi.

Chuyên môn hóa y học cổ truyền

Sau mỗi lần tiến hành xạ trị ung thư hạch tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, ông Lâm Minh Tú (58 tuổi) ngụ Quận 11 lại tìm đến Khoa Nội Ung bướu, Viện Y dược học dân tộc để tiếp tục điều trị theo đông y. Tại đây, ông được các bác sỹ thực hiện châm cứu, xoa bóp, uống thuốc và các chế độ điều dưỡng khác nhằm giảm bớt đau đớn, nâng cao sức khỏe. Mỗi lần chuyển qua đông y, ông thường nằm viện 2-4 tuần sau đó quay trở lại điều trị bằng tây y. “Sau 2-4 tuần, tôi thấy mình khỏe hơn rất nhiều và sẵn sàng cho đợt hóa trị tiếp theo ở Bệnh viện Ung bướu”, ông Tú cho hay.

Đây chỉ là một trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội Ung bướu, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh thế mạnh trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, từ năm 2005, đơn vị này đã thành lập khoa Nội Ung bướu dành riêng cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Đây cũng là cơ sở y học cổ truyền đầu tiên trong cả nước có khoa điều trị ung thư. Đến nay, hàng trăm bệnh nhân ung thư đã được điều trị, chăm sóc giảm nhẹ.

Tiến sỹ, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan cho biết, bệnh nhân đến đây chủ yếu là những bệnh nhân ung thư đang điều trị theo phác đồ tây y. Thường sau mỗi đợt hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, thiếu máu trầm trọng, sức khỏe giảm sút. Do đó, Viện Y dược học dân tộc sẽ điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc nhằm đào thải bớt các độc tố tồn dư sau hóa trị, giúp giảm các triệu chứng khó chịu, phục hồi nhanh sức khỏe để bệnh nhân đủ sức tiếp tục cho những đợt hóa, xạ trị sau đó.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh quá muộn hoặc đã rơi vào giai đoạn cuối cũng thường tìm đến y học cổ truyền để thực hiện việc chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân này được dùng các bài thuốc giảm đau, kết hợp truyền dịch, châm cứu, xoa bóp giúp giảm đi đau đớn của bệnh tật những năm tháng cuối đời.

Kết quả từ nghiên cứu của Viện Y dược học dân tộc, sau khi kết hợp các liệu pháp phối hợp, có đến 92,3% bệnh nhân ung thư cảm thấy hết mệt mỏi; 90% hết táo bón; 85% có cảm giác thèm ăn, bớt đắng miệng, ăn ngon hơn và mau tiêu; 87% ngủ tốt, giảm suy nhược thần kinh; 84% bớt cảm giác đau, đa số tăng cân...

Điều trị cho trẻ tự kỷ bằng phương pháp châm cứu, điện châm tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh.

Cùng với điều trị ung thư, năm 2017, Viện Y dược học dân tộc cũng đưa vào điều trị cho trẻ tự kỷ bằng y học cổ truyền. Theo đó, các bác sỹ dùng phương pháp thủy châm, điện châm, cấy chỉ tác động vào các huyệt vị của trẻ tự kỷ. Việc tác động vào các huyệt vị bằng các phương pháp này nhằm thanh nhiệt, tỉnh thần, khai khiếu, bổ ích ngũ tạng, bổ dưỡng khí huyết giúp trẻ thông kinh hoạt lạc, cân bằng âm dương… Nguyên lý của đông y, một khi cơ thể cân bằng âm dương thì sức khỏe cũng sẽ tốt, mọi bệnh tật tự động bị đẩy lùi. Các bác sỹ của Viện Y dược học dân tộc còn mời các giáo viên ngữ âm trị liệu, các giáo viên giáo dục đặc biệt để can thiệp hành vi cho trẻ mắc chứng tự kỷ sau khi trị liệu bằng y học cổ truyền.

Nói về xu hướng đông tây y kết hợp và chuyên môn hóa trong điều trị y học cổ truyền, Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan cho rằng đây là hướng đi đúng đắn, hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhằm phát huy tối đa hiệu quả của y học cổ truyền. Từ đó nâng cao vị thế của y học cổ truyền trong việc khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/y-hoc-co-truyen-viet-nam-truoc-xu-huong-hien-dai-hoa-bai-2-tich-hop-dong-tay-y-20181116093946751.htm