Y đức ở đâu, sao không dẹp bỏ được phòng khám làm ẩu ở Hà Nội?

Y đức là từ dùng để chỉ những người hành nghề y cứu người không may mắc bệnh. Thế nhưng, nhiều người lợi dụng y đức để trục lợi bệnh nhân nghèo. Họ bất chấp tất cả...

Cắt bao quy đầu, phát hiện "cục u" nếu không chữa sẽ liệt dương

21h đêm, số điện thoại lạ gọi đến đường dây nóng báo Gia đình Việt Nam. Phía đầu dây bên kia nói không tròn tiếng: "Anh ơi em bị phòng khám đa khoa BG lừa đảo rồi. Họ giữ em, họ giữ hết giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký xe máy và bằng lái xe. Em không còn một xu dính túi nữa".

Nạn nhân, bệnh nhân ấy là Lê Văn Thọ (SN 1988) ở Hà Tĩnh. Thọ kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện hú vía khi mới lần đầu tiên chân ướt chân ráo ra Hà Nội học nghề để thi tuyển vào công ty xuất khẩu lao động.

"Điểm đen" phòng khám.

Cuối năm 2018, Sở y tế Hà Nội ra Quyết định Thu hồi giấy phép hoạt động đối với PKĐK VL đường Giải Phóng do có nhiều sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

Dù bị thu hồi giấy phép, thế nhưng phòng khám này sau đó vẫn ngang nhiên hoạt động và buộc cơ quan chức năng TP. Hà Nội phải vào cuộc quyết liệt và “cưỡng chế” phòng khám này.

Sau khi bị thu hồi giấy phép, tại địa chỉ này mọc lên một phòng khám có tên "PKĐK BG".

Gần đây, Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục phản ánh về Phòng Khám Đa Khoa BG có nhiều vi phạm. Việc “vẽ bệnh” cho khách hàng để moi tiền đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, y đức đối với người hành nghề y cũng như đơn vị quản lý.

Ngày 3/10/2020 là ngày kinh hoàng không thể nào quên đối với Thọ. Do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Thọ phải đi khám sức khỏe. Địa chỉ phòng khám được Thọ tìm trên bằng google. Từ một phòng khám khu vực Đại học Quốc gia Hà Nội, Thọ tiếp tục tìm đến một phòng khám đa khoa ở Kim Mã, Ba đình, Hà Nội để khám và cắt bao quy đầu.

Tại đây, bác sĩ tư vấn, xét nghiệm máu, nước tiểu và đo bằng máy nhạy cảm cho em với giá 500 ngàn đồng. Khám xong, bác sĩ nói bao quy đầu hơi dài và tư vấn cho Thọ cắt với giá 350.000 đồng. Thế nhưng Thọ không đồng ý làm ở đây.

Lần theo địa chỉ tìm kiếm được quảng cáo giới thiệu trên Facebook, Thọ tìm đến Phòng khám đa khoa BG có địa chỉ tại Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) để khám bệnh.

"Lúc đó khoảng 13h chiều em vào gặp bác sĩ nói muốn cắt bao quy đầu. Bác sĩ cầm hồ sơ bệnh án của em xong bảo em còn thiếu xét nghiệm 2 cái nữa. Và chi phí xét nghiệm với cắt bỏ bao quy đầu với 2 mức, mức 1 là 1.250.000 đồng; mức 2 là 1.700.000 đồng cắt bằng tia laze. Em nói không có đủ tiền cắt với phí 1.700.000 đồng. Thế nhưng, nhân viên phòng khám nói rằng vì ở Hà Tĩnh ra nên sẽ lấy giá 1.250.000 đồng. Vậy là em đồng ý nộp số tiền trên và tiến hành cắt bỏ bao quy đầu. Sau đó lên bàn phẫu thuật thì cô y tá đang cắt giữa chừng bỗng nói có cái u cần phải cắt bỏ. Nếu không cắt bỏ thì sẽ bị liệt dương, không chữa được", Thọ bàng hoàng kể lại.

Theo lời Thọ kế lại, người khám, thực hiện cắt bao quy đầu cho mình là một nữ nhân viên trên người không đeo biển tên biển hiệu. Mãi sau này khi tìm kiếm trên mạng mới biết mình bị lừa và nhận dạng được nhân viên phẫu thuật kia chính là cô gái tên Loan. Cô Loan trước đây là nhân viên y tá nhưng đứng ra khám, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân giống như một bác sĩ.

"Máu ngày càng chảy nhiều, cô ta dùng những lời lẽ dọa dẫm bảo em gọi điện cho người nhà không thì ra hết máu khiến em sợ hãi vô cùng. Chị ta nói rằng bây giờ mà không đồng ý cắt cục u thì bên chị chẳng khâu, chẳng băng bó cho nữa, mà cũng chẳng có bệnh viện nào nhận chữa cho em nữa đâu. Họ cầm sẵn một tờ giấy, cây bút viết và ép em ký vào đấy với số tiền nợ 10 triệu đồng thì mới tiếp tục làm tiếp", Thọ kể tiếp.

Bệnh nhân Lê Văn Thọ bị Phòng khám đa khoa BG vẽ bệnh, bắt ký giấy nợ tiền, giam giữ nhiều giờ đồng hồ

Bệnh nhân Lê Văn Thọ bị Phòng khám đa khoa BG vẽ bệnh, bắt ký giấy nợ tiền, giam giữ nhiều giờ đồng hồ

Như vậy, nạn nhân Thọ từ chỗ đến phòng khám để cắt bao quy đầu nhưng một người được cho là y tá Loan, không có bằng cấp chuyên môn đã "gắn cục u" cho bệnh nhân để rồi từ đó ép buộc bệnh nhân phải ký vào giấy nợ với số tiền 10 triệu đồng.

Giữ bệnh nhân đến 21 giờ đêm, bắt viết giấy nợ, thu giấy tờ tùy thân

Thọ nói không có tiền, gia cảnh khó khăn, vậy mà nữ nhân viên nằng nặc thôi thúc gọi điện cho người nhà để bằng cách nào đó phải có được số tiền 10 triệu đồng gửi ra cho Thọ "trả nợ" vì đã bị ép ký vào giấy nợ của phòng khám rồi.

"Họ nói với em rằng không có đủ tiền thì không được về. Và họ giữ em thật", Thọ bức xúc kể lại.

Vì không có tiền nên phòng khám này đã bắt giữ Thọ ở lại đến 21 giờ đêm. Sau đó nhân viên phòng khám bắt Thọ gọi điện cho người nhà ở quê chuyển tiền ra trả thì mới được về.

"Do hoàn cảnh khó khăn, vợ em phải đi vay người thân được 2 triệu đồng rồi chuyển qua số tài khoản của một người tên Thảo là nhân viên của phòng khám đa khoa BG thì em mới được về. Phòng khám lột sạch giấy tờ xe máy, bằng lái của em và yêu cầu lúc nào mang đủ tiền thì đến chuộc" Thọ nói.

Biết mình là một trong nhiều nạn nhân bị phòng khám này lừa đảo với những thủ đoạn tương tự, thế nhưng đất khách quê người không nơi nương tựa, Thọ đành cam chịu.

Dù vết thương chỗ phẫu thuật đã đỡ, thế nhưng nỗi ám ảnh về Phòng khám đa khoa BG đối với Thọ luôn thường trực.

Trong suốt buổi trò chuyện, Thọ luôn miệng hỏi tôi rằng: "Tại sao cô y tá tên Loan không có bằng cấp chuyên môn gì mà lại đi khám và tiểu phẫu cho em, em không có bệnh gì, không có cục u nhưng tại sao người này lại bắt em phải có. Sao họ không đóng cửa phòng khám đi để bao người nghèo như em bớt khổ?".

Câu hỏi của Thọ có lẽ tôi không trả lời được mà phải nhờ đến các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn TP. Hà Nội.

Liên quan đến những phản ánh của bệnh nhân Lê Văn Thọ, phóng viên Báo Gia đình sau đó đã vào cuộc để ghi nhận những thực tế đang diễn ra tại Phòng Khám Đa Khoa BG

Ngày 19/10/2020, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Sở Y tế Hà Nội và cung cấp một số tài liệu liên quan đến phòng khám cho Sở này.

Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin vụ việc!

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/y-duc-o-dau-sao-khong-dep-bo-duoc-phong-kham-lam-au-o-ha-noi-d162595.html