Ý chính thức tham gia Vành đai và Con đường của Trung Quốc bất chấp Mỹ-EU can ngăn

Ý trở thành quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 ký kết biên bản ghi nhớ liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.

Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc Ý tham gia sáng kiến BRI diễn ra vào ngày 23/3 với sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc và Ý còn thông qua 10 thỏa thuận thương mại khác, bao gồm các lĩnh vực như thép, năng lượng và khí đốt.

Quyết định trên được đưa ra nhân chuyến thăm Ý ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Conte luôn tin tưởng rằng việc tham gia BRI, một sáng kiến của Trung Quốc nhằm kết nối các nền kinh tế trên thế giới vào mạng lưới thương mại lấy Bắc Kinh làm trung tâm, là điều cần thiết cho Ý.

Theo ông Conte, việc hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực cảng biển, đặc biệt hai cảng Genoa và Trieste, sẽ mở ra những cơ hội lớn cho Ý với vai trò là đầu mối ở châu Âu trên Con đường Tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và ngay cả một số thành viên trong chính quyền Ý cũng lo ngại rằng việc mở cửa cho Trung Quốc đầu tư có thể là “mã độc Trojan” xâm nhập vào nền kinh tế của nước này.

Lễ ký kết thỏa thuận Vành đai Con đường diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.

Ủy ban châu Âu đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ” và kêu gọi các nhà lãnh đạo EU ủng hộ đề xuất của ủy ban về việc hạn chế sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Conte cho biết chính phủ của ông sẽ không phớt lờ các khuôn khổ cũng như nguyên tắc của châu Âu về minh bạch thương mại và an ninh quốc gia.

Được biết sau chuyến thăm Ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Pháp vào hôm nay (24/3). Ông Tập sẽ dùng bữa tối với Tổng thống Pháp Macron trước khi có các cuộc đàm phán song phương chính thức hơn ở Paris vào ngày 25/3, nơi hai nhà lãnh đạo sẽ ký một loạt hợp đồng đầu tư.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết ông muốn hợp tác với Pháp, trong khuôn khổ sáng kiến BRI.

Trong một bài viết được đăng trên tờ Le Figaro, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hoạt động thương mại và đầu tư nhiều hơn giữa hai nước trong các lĩnh vực có tiềm năng như năng lượng hạt nhân, hàng không, vũ trụ và nông nghiệp.

Các nhà đầu tư của Pháp luôn được chào đón để chia sẻ các cơ hội phát triển ở Trung Quốc và tôi cũng hy vọng rằng các công ty Trung Quốc có thể thành công hơn ở Pháp, ông Tập Cận Bình nói.

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hồi năm 2013. Đến nay, sáng kiến đã mở rộng phạm vi tới khoảng 70 quốc gia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 23.000 tỷ USD và dân số 4,4 tỷ người.

Nhằm vào các dự án thúc đẩy kết nối hạ tầng cơ sở như đường sắt, cảng biển, cầu đường, đường ống năng lượng, Trung Quốc đưa ra sáng kiến này không chỉ nhắm đến các nước đang phát triển mà cả những nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã ký MoU gia nhập sáng kiến BRI của Trung Quốc, trong đó có Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, Hi Lạp, Malta, Ba Lan và Bồ Đào Nha.

Minh Đăng

Theo Sputnik

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/y-chinh-thuc-tham-gia-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-bat-chap-my-eu-can-ngan-20180504224221284.htm