Xuyên rừng thiêng nước độc triệt phá thuốc phiện trên đỉnh mây mù

Năm nào cũng vậy, từ tháng 12 năm trước cho đến tháng 4 năm sau, là khoảng thời gian các xã vùng cao Tây Bắc lại thành lập đoàn công tác triệt phá cây thuốc phiện (Đoàn 06) do một số đối tượng tái trồng nơi rừng sâu hiểm trở. Phóng viên báo Dân việt đã có gần 1 tuần bám gót Đoàn 06 xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, Sơn La)…

Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, những dãy núi giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái và Sơn La được mệnh danh là nơi “rừng thiêng, nước độc”. Bởi rất ít người lên được trên đó vì phải đi bộ 3-4 ngày đường. Đây cũng chính là địa điểm “lý tưởng” cho các đối tượng tái trồng cây thuốc phiện.

Những khu vực cao và hiểm trở, thường xuyên có mây mù giăng trắng trời như thế này thường là nơi một số đối tượng lợi dụng để tái trồng cây thuốc phiện.

Những khu vực cao và hiểm trở, thường xuyên có mây mù giăng trắng trời như thế này thường là nơi một số đối tượng lợi dụng để tái trồng cây thuốc phiện.

Để đảm bảo sức sức khỏe cũng như sinh hoạt cho những ngày “ăn rừng, ngủ rừng” dài ngày, ngoài có một sức bền, đoàn công tác còn phải chuẩn bị tốt lương thực, thực phẩm. Trong đó, gạo, muối, cá khô là những thực phẩm chủ đạo.

Cá khô, một trong những thực phẩm chủ đạo cho các Đoàn 06 khi phải "ăn rừng, ngủ rừng" hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời.

Cùng với các thực phẩm khác, gạo sẽ được san ra các túi rồi chia đều cho các thành viên trong đoàn, tránh việc người mang ít, người mang nhiều.

Trong suốt hành trình triệt phá cây thuốc phiện, các thành viên trong đoàn công tác sẽ phải đi bộ và xuyên qua những cánh rừng già, con dốc dựng đứng, sơ ý trượt chân là rất nguy hiểm hay đối diện với vắt và rắn rừng. Cùng với những nguy hiểm khi đi trong rừng, trước đây có những Đoàn 06 còn phải đối mặt với những chiếc bẫy tự tạo bằng súng kíp, chông tự tạo, “củ đậu bay” hoặc những khúc gỗ to lăn từ phía trên cao xuống…

Ngoài có sức khỏe tốt thì các thành viên tham gia trong Đoàn 06 phải là người có kinh nghiệm đi rừng. Nếu không sẽ ngã xuống vực, lạc đường hoặc dính phải bẫy tự tạo của người trồng thuốc phiện nhằm chống lại lực lượng chức năng.

Điểm đến của chúng tôi lần này là vùng giáp ranh giữa các xã của 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển-nơi có những bản đồng bào Mông nằm chon von trên những dãy núi quanh năm mờ sương phủ. Chính vùng giáp ranh này bấy lâu nay vẫn là nơi tái trồng cây thuốc phiện “bền bỉ” nhất.

Ngoài đối diện với các nguy hiểm, có những ngày các thành viên trong Đoàn 06 phải đi cả ngày trong rừng để tìm triệt phá cây thuốc phiện tại những nơi ít người đặt chân đến.

Cũng để "thuận tiện" đi lại, chúng tôi quyết định xuất phát từ phía Sơn La, nơi có bản Làng Sáng (xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La) giáp với một số bản của xã Suối Tọ, huyện Phù Yên (Sơn La) và xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái). Bởi đi từ phía này sẽ đỡ vất hơn và chúng tôi sẽ bám theo đoàn 06 của Sơn La đi triệt phá cây thuốc phiện vùng giáp ranh với các bản vùng cao của tỉnh Yên Bái...

Theo máy định vị GPS, Đoàn 06 đang có mặt trên dãy dãy núi giáp ranh giữa Sơn La và Yên Bái nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển.

Trong suốt quá trình ăn rừng, ngủ rừng để tìm và triệt phá cây thuốc phiện, đoàn công tác phải tận dụng cả các loại rau rừng, bắt thêm cá, ếch, nòng nọc dưới các thác nước để đảm bảo đủ chất cho những ngày leo núi, xuyên rừng, vượt thác.

Tuy nhiên, trong đợt 1 nằm trong hành trình triệt phá cây thuốc phiện lần này, Đoàn 06 đã không bắt gặp một diện tích tái trồng cây thuốc phiện nào. Theo như lời ông Vương Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng thì: “Kết quả đó chính là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào vùng cao trong sản xuất để thay thế cây thuốc phiện trong nhiều năm qua. Do đó, ngoài giảm được số người nghiện thuốc phiện tại các bản, niên vụ năm nay xã chưa phát hiện diện tích tái trồng nào”.

Những hình ảnh cây thuốc phiện trồng trong rừng sâu và cảnh phá bỏ cây thuốc phiện như này giờ đã không còn ở xã vùng cao Háng Đồng.

Khoảng 5 năm nay rồi, xã Háng Đồng không còn hộ nào tái trồng cây thuốc phiện. Các diện tích tái trồng phát hiện trước đây chủ yếu nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Yên Bái. Đây là điều đáng mừng để các xã vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp đồng bào phá bỏ và không còn bị lệ thuộc vào cây thuốc phiện… Ông Hờ A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La) khẳng định.

Quốc Tuấn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/xuyen-rung-thieng-nuoc-doc-triet-pha-thuoc-phien-tren-dinh-may-mu-946069.html