Xuống núi làm thuê

Họ là những lao động bán thời vụ từ miền núi về thành phố theo 'tiếng gọi mưu sinh' để hành nghề thợ hồ, 'cửu vạn', đánh giày... Mỗi người một vẻ, nhưng điểm chung ở họ là phải lao động rất vất vả, trong khi đồng tiền kiếm được không đáng là bao. Ước vọng lớn nhất của họ là có một 'cần câu' để kiếm sống, trong khi cuộc sống ở quê nhà gặp nhiều trắc trở, không thể che chắn hết những khó khăn chồng chất. Nhưng ở nơi phố thị, việc 'hiện thực hóa' ước mơ bình dị đó không hề dễ dàng…

Khu nhà trọ cho thuê của ông Trần Văn Nam.

"Nhập cư tạm"

Trong căn phòng vẻn vẹn 8 mét vuông nóng bức, 6 chàng trai quê ở huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại chen chúc ngồi đợi nồi cơm sôi. Loại nhà cho thuê dành riêng cho người lao động từ nơi khác về Thủ đô làm thuê như thế này hiện nhan nhản khắp khu Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội). Họ có vẻ hài lòng với chỗ ngả lưng tạm bợ. Trừ hai người đã có vợ trông có vẻ "cứng cáp", những chàng trai còn lại nét mặt còn búng ra sữa, cười hinh hích khi chúng tôi phỏng vấn. "Tụi tôi làm thợ hồ, thợ xây tự do, ai thuê thì làm, mỗi ngày lĩnh tiền công từ trăm hai đến hai trăm ngàn đồng. Dè sẻn ăn uống, một tháng chắt bóp cũng được một khoản nho nhỏ gửi về quê" - Lê Văn Sang, chàng trai trẻ nhất nhóm tâm sự. Khi được hỏi tại sao không ở quê kiếm sống, Hồ Văn Trường, người đứng tuổi nhất không hề giấu giếm: "Công việc ở quê khó lắm. Cứ ở nhà mãi có mà chết đói nhăn răng!".

Cạnh căn phòng của các chàng trai xứ Thanh là căn phòng của hai vợ chồng hàng xóm, nghe nói là quê ở tận Lục Ngạn (Bắc Giang) về thành thị kiếm ăn. Trong phòng, ngoài mấy chiếc nồi chơ chỏng là gánh giấy vụn chưa kịp phân loại. "Có chỗ ngả lưng qua đêm là tốt rồi. Chồng tôi làm thợ nề, còn tôi rong ruổi thu mua "ve chai" kiếm tiền nuôi hai đứa con đang gửi ông bà nội ở quê thì làm gì có tiền mà đòi tươm tất?" - Chị Phạm Thị Liễu, nhà ở xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn tâm sự với chúng tôi.

Trong khu nhà trọ này, chỉ có căn phòng của anh thợ mộc tên Cảnh, quê ở huyện miền núi Hữu Lũng (Lạng Sơn) là có chiếc giường kê bên vách. Mỗi tháng, anh Cảnh thuê nhà hết 500 nghìn đồng, may mà lương thợ chính của anh được trên 2 triệu rưỡi. "Ở trên quê, tôi cũng có nhà cửa đàng hoàng, về thành phố là để kiếm thêm chút ít tiền phụ vợ nuôi con ăn học. Nhưng nếu con cái đau ốm thì coi như bằng không..." - Anh Cảnh trải lòng.

Chủ của dãy nhà trọ là một người đàn ông đã đứng tuổi, vóc người phương phi, tên là Trần Văn Nam phân bua với chúng tôi, khi được phỏng vấn về nguồn thu nhập của gia đình từ tiền cho người lao động nông thôn thuê phòng: "Thử tính, nếu không bạo tay xây những căn phòng cho thuê thì tôi làm sao nuôi nổi ba cháu ăn học?". Ông Nam cho biết, vợ chồng ông quê gốc ở thị xã Bắc Giang, cách đây hơn 20 năm, hai vợ chồng ông quyết định bán toàn bộ gia sản ở quê mua được hơn trăm mét đất. Căn phòng mà gia đình ông đang ở nguyên là nhà cấp 4, các phòng được ngăn bằng ván gỗ trông rất lụp xụp, khi kinh tế khá hơn mới dỡ ra xây trên một phần đất với quy mô 2 tầng làm nhà ở, phần còn lại xây thành một khu nhà cho thuê với 5 gian tường gạch, mái tôn, xây thêm công trình phụ chung. "Cả khu Phùng Khoang có đến vài chục nhà trọ cho thuê kiểu này. Ở đây, dân "nguyên bản" chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là dân "nhập cư tạm", trong đó, những người đến từ các tỉnh miền núi nghèo chiếm tỷ lệ khá lớn..." - Ông Nam cho biết.

Bao giờ "ta tắm ao ta"?

Cũng theo ông Nam, với dân "nhập cư tạm", họ không có gì để mất. Lao động vất vả quanh năm ngày tháng, họ chỉ đủ sống, cùng lắm là tằn tiện có thêm được chút ít để gửi về quê, còn khá lên thì hầu như không, nhưng vì gánh nặng mưu sinh khiến họ bất chấp tất cả. Trong số những người tìm về Thủ đô, cực nhất là những người đến từ các địa phương miền núi. Do những khó khăn mang tính đặc thù như không quen thông thổ, quê lại xa, khả năng "hội nhập" kém, họ trở nên yếu thế hơn so với những người "nhập cư tạm" quê ở đồng bằng hoặc những vùng ven Hà Nội. "Đối với họ, thiên đường chưa thấy mở ra đã vội khép lại, tương lai tròn vo như con số không. Cũng vì chính quyền thành phố rất khó khăn trong việc giải quyết vấn đề phát sinh từ dòng người "nhập cư tạm". Điều hiển nhiên là, khi phát triển kinh tế tại chỗ, nhu cầu lao động tăng, nghĩa là, một khi địa phương giàu và mạnh, mở ra nhiều xí nghiệp, nhà máy lớn thì mới thu hút lực lượng lao động tại chỗ. Nhưng bây giờ kinh tế đi xuống, rất nhiều người Hà Nội cũng thiếu việc làm, nên những người "xuống núi làm thuê" phải chấp nhận làm những công việc vất vả, thu nhập thấp..." - Ông Nam tỏ ra thông cảm với thân phận những "khách hàng" của chính mình.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Lân, cán bộ làm việc tại một viện nghiên cứu về quản lý kinh tế vĩ mô, chủ căn hộ hàng xóm của ông Nam cho biết, dòng người "nhập cư tạm" từ các địa phương về Hà Nội, từ các tỉnh miền núi nói chung thể hiện sự biến động của nền kinh tế trên phạm vi cả nước. Về mặt quản lý Nhà nước, không thể cấm họ đi đến nơi họ muốn và cũng không ngăn họ ra khỏi nơi muốn đi. Vấn đề mấu chốt đặt ra ở đây là, làm sao để dân "nhập cư tạm" không quá chịu thiệt thòi về nhiều mặt, như y tế, giáo dục, tâm lý. Khi họ ổn định cuộc sống và có công ăn việc làm thì mới tránh khỏi những rắc rối về quản lý xã hội. "Là một phần tất yếu trong các vấn đề phát sinh thời buổi kinh tế thị trường, để hoạt động của những người "nhập cư tạm" không bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực, rất cần một sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương. Nếu làm tốt việc này, Thủ đô Hà Nội nói riêng, các đô thị lớn trong cả nước nói chung sẽ thực sự là nơi mà người lao động có thể ổn định cuộc sống trong những thời điểm nông nhàn..." - Anh Lân khẳng định.

Chị Phạm Thị Liễu (trái) bắt đầu một ngày làm việc.

Kết luận của anh Lân làm chúng tôi nhớ lại những lời tâm sự của nhóm bạn trẻ quê ở huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa, những người cư trú tại khu nhà cho thuê của ông chủ Trần Văn Nam ở Phùng Khoang. Với họ, trong quá trình rời quê kiếm sống, chỉ mong có được một công việc ổn định nơi thành phố, nhưng thực tế, ở nơi phố thị, công việc của họ cũng không được ổn định, "bữa đực bữa cái". Có ngày, gặp chủ hào phóng thì được vài ba trăm ngàn, nhưng có ngày thì chẳng có đồng nào. Rõ ràng, cuộc mưu sinh đang ngày một khó khăn do những tác động của nền kinh tế và những người lao động ngoại tỉnh đang đối mặt với miếng cơm manh áo hàng ngày. Giấc mơ bám sống nơi thành phố ngày càng xa mờ vì hy vọng kiếm được một công việc cho thu nhập ổn định vẫn là điều quá khó khăn đối với họ. Và chúng tôi gọi niềm hy vọng đó là những giấc mơ bong bóng, những ảo vọng nghiệt ngã! Chắc chắn rồi cuộc đời sẽ dạy cho họ cả hy vọng lẫn thất vọng, để rồi, đến ngả đường cùng thì họ lại "ta về ta tắm ao ta".

Nguyễn Đăng Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuong-nui-lam-thue/