Xuôi ngược biển khơi

Xuôi ngược trên biển luôn tạo ra nhiều cảm xúc. Lúc bình minh lên rải ánh nắng vàng trên nòng súng; con tàu đẹp như tranh vẽ khi đi gần một hòn đảo xanh rì; cảm nhận được tính khí của biển - có lúc êm đềm, có khi vòi rồng hút nước từ mặt biển, tạo thành đám mây vắt ngang bầu trời với vẻ huyền bí.

Cán bộ, chiến sĩ Biên đội 34, Hải đoàn 48 BĐBP trên tàu lúc bình minh. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ, chiến sĩ Biên đội 34, Hải đoàn 48 BĐBP trên tàu lúc bình minh. Ảnh: Văn Chương

“Món” không đụng hàng

Biển đêm đen ngòm. Con tàu BP 48-98-01 vẫn rẽ sóng băng băng và nhìn ra phía trước nhờ hệ thống ra-đa. Ánh trăng lưỡi liềm thấp thoáng trên bầu trời mang lại cảm giác cô đơn khó tả. Trong ca-bin, nhân viên trực máy thông tin cập nhật tình hình khu vực tàu đi qua.

Con tàu này nhổ neo vào lúc 3 giờ sáng ngày 1-6, tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sĩ quan Biên phòng không cần đánh thức nhà báo, chỉ cần những bước chân rầm rập bước trên boong sắt thì xem như kẻng báo thức đã gióng lên. Tàu rời cảng và hải trình cách bờ khoảng 20 hải lý theo hướng Nam - Bắc. Hải trình của tàu có những bí mật không được tiết lộ.

“Món” không đụng hàng mà tôi đề cập khi đi tác nghiệp trên biển, đó là hình ảnh, cảm giác nghề nghiệp và món ăn trên tàu. Nếu phóng viên tác nghiệp trên biển cả bị say sóng mệt nhoài, cảm giác đó sẽ trôi đi nhanh chóng khi được thưởng thức món mực mì tôm. Món ăn đó nghe qua cũng có vẻ bình thường. Tuy nhiên ở trên biển, mực bọt được xúc vào lưới và tươi nguyên mang trút vào nồi, đổ vài gói mì tôm vào nấu thì sẽ có hương vị không gì sánh bằng. Mực tươi nên có vị thơm, dẻo quánh, ngọt lịm. Hương vị của mực kết hợp với mì tôm sẽ khiến tô nước mực bốc khói tỏa hương thơm đến mức chưa ăn đã thấy khoái khẩu.

“Món” thứ 2 không đụng hàng, đó là hình ảnh bình minh đang ló rạng. Lúc 5 giờ kém 5 phút, mặt trời bắt đầu nhô dần lên trên mặt biển. Cả con tàu là khối thép xám đã chuyển sang thành con tàu được dát một thứ ánh sáng vàng và trong như sợi mạch nha ngọt lịm. Nếu từ trong ca-bin nhìn xuyên qua cửa kính, mặt trời lấp lóa soi xuống mặt biển màu vàng rộm như dát bạc. Hình ảnh mặt trời qua khe súng máy và xạ thụ đẹp, lãng mạn và tạo ra cảm giác về sự bình yên mang đến cho những người dân chài.

Đến lúc mặt trời đứng bóng, con tàu lao đi trên biển, tôi cảm giác như lao cùng mũi tàu đang xé sóng, lắc lư, chao đảo. Còn lúc bình minh vừa ló rạng, con tàu giống như đang lướt đi trên một dải lụa mềm. Đồng hành cùng những người lính biển tôi hiểu rằng, bình minh trên biển là dấu hiệu của một ngày bình yên. Còn những ngày không có bình minh và mặt trời nhô lên rồi chui vào đám mây vần vũ soi xuống mặt biển xám xịt thì báo hiệu một ngày mưa gió, giông tố, sóng gió ầm ĩ. Bữa cơm diễn ra trong cảnh 2 chân choãi hình chữ V, lưng dựa chặt vào thành tàu, bát, đũa chạy tứ tung theo nhịp lắc.

“Yêu quái” trên bầu trời

“Vòi rồng, chạy tàu nhanh lên, nó đang tới kìa...!”. Tôi từng nghe tiếng la thất thanh của một ngư dân ngoài boong tàu khi nhìn thấy vòi rồng đang cuồn cuộn từ mặt biển và di chuyển chậm về hướng của con tàu. Tàu cá vỏ gỗ nếu đi gần vòi rồng có thể bị hút lên vài mét. Ngư dân Nguyễn Thanh Tâm, quê ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi là người từng bị vòi rồng hút tàu lên cao 4 mét rồi quăng trở lại xuống nước. Ông Tâm kể: “Nó giống như nước trên trời trút xuống, nước xuống như thác, tàu mình đang kéo lưới giã mà nó kéo lên cao rồi thả xuống, chìm luôn tàu, về phải vay nợ mua con tàu cũ cũ này để đi”.

Còn trong cuộc hành trình cùng Biên đội 34, Hải đoàn 48 BĐBP đi tuần tra, tôi chỉ nghe tiếng Trung tá Bùi Đình Quang thốt lên: “Sắp có giông rồi!”. Đó cũng là lúc biển xuất hiện đám mây giống như vòi rồng. Đám mây kỳ dị giống như một con cáo đang vắt ngang trên bầu trời. Đuôi của nó nhúng nước ở phía đằng Đông và đầu đang lao về phía Tây. Đám mây xám xịt đó trôi đi rất nhanh và khiến mặt biển tối sầm, nước biển bị phản chiếu ánh sáng, biển xanh trở thành màu tím sẫm. Chỉ trong giây lát, gió thổi rít lên và mặt biển gợn sóng. Nhưng cơn giông này chỉ thoáng qua và tôi thở phào khi thấy đuôi con cáo dứt hẳn lên khỏi mặt biển.

Nhiều chuyến đi biển, tôi được ngư dân chỉ cách chạy né vòi rồng và những dấu hiệu cho thấy cơn giông sẽ dứt. Đó là nhìn từ xa, đám mây vòi rồng đang vút lên trời như một chiếc sao chổi. Tuy nhiên, khi đuôi của chiếc sao chổi trên bị bứt hẳn khỏi mặt biển thì sao chổi sẽ chết hẳn và không còn lo ngại gì. Còn nếu phần đuôi đó cứ dính chặt xuống mặt nước và ngày càng phình to ra thì phải chuẩn bị dù neo, dây để chống chọi với một cơn giông lốc ập đến.

Tác giả đồng hành với chiến sĩ trên tàu. Ảnh: CTV

Xuôi ngược trên biển cả, qua các vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng, khi đêm xuống, những con tàu của Biên đội 34 có lúc chỉ “ngủ ké” đâu đó ngoài gành đá, mỏm núi, anh em trên tàu xem cảnh pháo hoa, lễ hội đường phố Đà Nẵng qua internet. Hải đoàn 48 BĐBP là đơn vị đóng tại Bình Định, nhưng địa bàn quản lý là vùng biển kéo dài dọc các tỉnh miền Trung. Những người lính trên tàu có người quen thân nhiều nhất lại là dân chài trên biển, cư dân ở các đảo ven bờ. Sau bữa cơm trưa, lính tráng trên tàu kể chuyện ra đảo Cồn Cỏ giúp bà con sửa chữa nhà cửa, tặng quà cho các em học sinh.

Vượt chặng đường hàng trăm hải lý, 2 con tàu phải dừng lại để chờ “chị nuôi đi chợ”. Đó là con tàu hậu cần được thiết kế mũi tà, bụng to, dưới khoang chứa nước ngọt và 50 khối dầu. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tráng, thuyền trưởng tàu hậu cần kể về những thao tác vất vả của loại tàu tiếp tế. Lính tráng trên tàu này nói vui là “có cơ hội luyện cơ bắp”, vì dây neo vẫn phải kéo bằng tay, hệ thống lái chuyền dây xích nên đi qua vùng sóng lớn, thuyền trưởng phải gò lưng quay tua cật lực.

Tàu vừa cập mạn, một chàng lính trẻ trên tàu chị nuôi đã tất bật đan chiếc nơm để thả xuống biển bắt cá, bắt mực. Thiếu tá Nguyễn Văn Đệ, máy trưởng của tàu BP 48-98-01 lúc lắc chai đựng thứ bột nhão màu trắng, nhưng nhìn kỹ thì là vô số những sinh vật li ti đang loi nhoi. Anh cho biết, dân quê gọi thứ này là con mẻ. Thiếu tá Đệ nói: “Chiều nay chiêu đãi nhà báo món cá nấu mẻ rất ngon, bảo đảm không đụng hàng”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xuoi-nguoc-bien-khoi/