Xứng với niềm tin yêu của người dân cả nước

LTS - Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô, nhiều bạn đọc trong cả nước đã gửi tới Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân những ý kiến tâm huyết, bày tỏ tâm tư, tình cảm trước sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô thời gian qua, đồng thời đóng góp giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập, để thời gian tới, Thủ đô sẽ có bước phát triển mới, xứng với niềm tin yêu của người dân cả nước.

Giữ gìn và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến

Theo dõi sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong những năm qua, tôi thấy Hà Nội ngày càng năng động hơn về kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, thành phố cần có chính sách xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Hà Nội phải giữ được nét cổ kính vốn có - nét đặc sắc riêng của vùng đất này, lưu giữ và phát triển những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, Hà Nội cần tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa của nền văn hóa thế giới, góp phần làm đậm đà thêm văn hóa Hà Nội. Văn hóa Hà Nội phải ăn sâu, thấm đẫm trong từng lời nói, hành vi, ứng xử của mỗi người dân Thủ đô, để khi đến Hà Nội, người dân cả nước, cũng như khách du lịch nước ngoài cảm nhận được dòng chảy của truyền thống ngàn năm văn hiến ngay từ những hành động, việc làm cụ thể của những người dân bình dị.

NGUYỄN THỊ HỒNG

(khu phố 1, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh)

Chú trọng hơn đến giao thông, môi trường

Sinh ra và lớn lên tại Thủ đô, được chứng kiến ngày 10-10-1954 lịch sử, với tôi là những kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi càng vui hơn khi thấy Hà Nội ngày càng phát triển. Ngày mới giải phóng, khu vực nội thành còn nhỏ lắm, bây giờ được mở rộng với nhiều tuyến phố to đẹp, những khu đô thị, cao ốc được xây dựng khang trang, hiện đại. Ðời sống người dân cũng được nâng lên không ngừng cả về vật chất lẫn tinh thần. Lứa tuổi chúng tôi đã trải qua biết bao gian khó, mới thấy thành tựu đạt được quả là hết sức to lớn.

Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, thành phố quan tâm hơn đến quản lý trật tự đô thị, làm thật tốt công tác quy hoạch để giữ được cảnh quan, giữ được hồn cốt ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn đến vấn đề giao thông và môi trường.

PHẠM VĂN THÀNH

(phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng Thủ đô

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được coi là "Thủ đô kháng chiến". Ngày nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh nằm trong vùng Thủ đô. Ðường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương. TP Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên trong công tác khuyến học, giảm nghèo. Nhiều doanh nghiệp của Thủ đô đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tại Thái Nguyên. Các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đưa nông sản, thực phẩm vào thị trường Thủ đô, liên kết phát triển du lịch với Hà Nội. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai địa phương. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, TP Hà Nội với vai trò là trung tâm phát triển của vùng Thủ đô, sẽ chủ động xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa với Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh trong vùng Thủ đô nói chung, để vùng Thủ đô thật sự trở thành hạt nhân phát triển của khu vực phía bắc.

HOÀNG VĂN HÀ

(Tổ 2, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại

Thật mừng và tự hào khi diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, với những công trình nhà ở cao tầng, công viên xanh, các tuyến đường vành đai, những cây cầu lớn, không chỉ bảo đảm giao thông thuận tiện, mà còn tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho thành phố ngàn năm tuổi bên sông Hồng ngời đỏ phù sa. Những năm qua, TP Hà Nội và tỉnh Lào Cai đã ký chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội đã chia sẻ và hỗ trợ những thế mạnh trong quản lý đô thị, đào tạo nhân lực chất lượng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác, giúp Lào Cai "đi tắt đón đầu", phát triển kinh tế - xã hội, trở thành "điểm sáng" ở vùng Tây Bắc. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, sự hợp tác giữa hai địa phương được tăng cường hơn nữa thông qua việc triển khai các dự án, đề án cụ thể, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn cho cả hai bên.

TRẦN VĂN TUẤN

(phường Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Nhìn rõ hạn chế để tìm cách khắc phục

Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô là dịp chúng ta nhìn lại những thành tựu, cũng như những vấn đề còn hạn chế, nhất là lĩnh vực văn hóa. Tại sao mỗi khi nói đến văn hóa ứng xử, các nhà nghiên cứu, hay nhiều người dân thường nuối tiếc về những ngày tháng đã qua. Chúng ta đã nhận thức rõ vấn đề nhập cư là đặc điểm xuyên suốt trong quá trình phát triển của Hà Nội, nhưng chúng ta đã làm gì để văn hóa Hà Nội không phai nhạt? Chúng ta đã biết thế giới phẳng xâm nhập mọi ngõ ngách, nhưng chúng ta đã làm gì để "văn hóa mạng" không làm ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa ứng xử? Theo tôi, nhận diện đúng những ưu điểm, nhược điểm, đó là cơ sở để chúng ta xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhưng vẫn có thể hội nhập với thời đại.

NGUYỄN TRỌNG CƯỜNG

(phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41818202-xung-voi-niem-tin-yeu-cua-nguoi-dan-ca-nuoc.html