'XỨNG TẦM' HIỆU TRƯỞNG

Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII được tổ chức ngày 23-9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định, muốn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trước hết phải quyết liệt đổi mới quản lý giáo dục của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là công tác quản trị nhà trường.

Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường tiểu học, do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 4-9-2020, nhấn mạnh tới việc tăng quyền giúp các hiệu trưởng trường tiểu học tự chủ hơn trong quản trị nhà trường là bước đột phá, hình thành cách quản trị hiện đại trong giáo dục, làm tiền đề tiếp tục đổi mới ở các bậc học khác.

Cùng nhìn vào công việc của hiệu trưởng một trường tiểu học để hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại có những điều chỉnh quyết liệt như vậy. Hiệu trưởng là người thường xuyên phải lo từng bữa ăn của học sinh sao cho đủ dinh dưỡng, ngon miệng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; lo sự an toàn cho toàn trường từ việc học sinh tham gia giao thông đến kiểm tra từng cây xanh đã đến ngày cắt tỉa chưa, có chỗ nào nguy cơ xảy ra tai nạn; bàn ghế, trường lớp có gì hư hỏng... Trong chuyên môn, họ là người ra quyết định chọn sách giáo khoa gì, loại sách tham khảo nào, chương trình học ra sao, tăng nội dung gì, giảm chỗ nào cho phù hợp; tổ chức các hoạt động ngoại khóa ra sao để bảo đảm hiệu quả và được đại đa số phụ huynh đồng tình... Và không chỉ lo cho học sinh, hiệu trưởng còn phải lo cho đời sống của giáo viên, nhân viên nhà trường, giúp giáo viên sao cho không phải dạy thêm mà vẫn đủ sống, an tâm cống hiến, tâm huyết với nghề. Làm sao để uy tín của trường được nâng lên, không thua kém các trường bạn...

 Các tập thể cá nhân được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII được tổ chức ngày 23-9. Ảnh: TTXVN

Các tập thể cá nhân được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII được tổ chức ngày 23-9. Ảnh: TTXVN

Nhiều việc như thế, nếu hiệu trưởng không quản trị tốt, không có đủ thẩm quyền gắn liền với tăng cường trách nhiệm thì đương nhiên sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính vì vậy, trong Điều lệ trường tiểu học vừa được ban hành, có điều khoản rất quan trọng: Hiệu trưởng quyết định xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường. Đây được cho là điểm mấu chốt giúp hiệu trưởng có đủ quyền lực thực thi công tác quản trị.

Cả về lý luận và thực tiễn, điều này phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. Thực hiện tốt việc quản trị trường học giúp các trường có chiến lược, cách thức điều hành, quản lý nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tốt hơn, tạo bước chuyển tiến tới thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. GS, TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Quản trị là “đòn bẩy” cho sự cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Đổi mới về công tác quản trị của các hiệu trưởng có thể đem lại những giá trị to lớn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thời gian qua, một số hiệu trưởng trường tiểu học ở Đắc Lắc, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa do buông lỏng quản lý, chọn đối tác cung cấp thực phẩm không có uy tín khiến học sinh bị ngộ độc; công bố sách tham khảo không rõ ràng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; chọn giáo viên có hành vi bạo lực khiến các em học sinh bị tổn thương... Những hiện tượng trên chứng tỏ hiệu trưởng các trường đó chưa hiểu công tác quản trị trong trường học chính là vận mệnh nhà trường; sự thành công hay thất bại của một trường học phụ thuộc vào việc trường đó được quản trị thế nào.

Từ những câu chuyện cả thành công và thất bại đều cho thấy vai trò, năng lực quản trị của hiệu trưởng cùng hội đồng nhà trường là hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển của nhà trường, chất lượng giáo dục. Do đó, chọn đúng người đủ phẩm chất, năng lực làm hiệu trưởng; tăng cường bồi dưỡng về phương pháp quản trị, mạnh dạn giao quyền gắn liền với trách nhiệm cá nhân là những việc ngành giáo dục cần phải làm nghiêm túc, chặt chẽ. Mặt khác, các hiệu trưởng cũng cần ghi nhớ: Chất lượng giáo dục, sự phát triển của nhà trường chính là thước đo uy tín, trách nhiệm, tài quản trị của mình-từ đó có sự điều chỉnh, phấn đấu để thực sự "xứng tầm" hiệu trưởng.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/xung-tam-hieu-truong-636124