Xung quanh ý tưởng dựng tượng Vua Hùng: Không nhất thiết phải có nhận diện?

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội thảo quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035. Một trong những nội dung được tranh luận trong và sau hội thảo chính là các ý kiến cho rằng chưa có nhận diện về hình ảnh Vua Hùng thì sao có thể dựng tượng?

Tượng Vua Hùng tại công viên Đồng Xanh, TP Pleiku (ảnh do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cung cấp).

Tượng Vua Hùng tại công viên Đồng Xanh, TP Pleiku (ảnh do Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cung cấp).

Tượng còn thiếu thẩm mỹ

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cho rằng, nhìn chung tượng Vua Hùng đặt tại các thắng cảnh, khu du lịch hiện nay mới đáp ứng được mục đích trang trí cảnh quan chứ chưa tính biểu tượng, thậm chí thiếu tính sáng tạo về nghệ thuật. “Tượng Quốc tổ Hùng Vương còn thiếu đầu tư nghiên cứu nên thể hiện theo hình khối kiểu dân gian thái quá, hoặc kiểu vạt mảng hoặc tròn tròn hay cường điệu khối quá mức làm biến dạng hình thể con người nên một số các tượng bị khô khan, đơn điệu, xa lạ, không có sức truyền cảm”, báo cáo thực trạng tượng đài Vua Hùng ngoài trời nhấn mạnh.

Dựng tượng Vua Hùng thể hiện lòng thành kính, tri ân, tôn vinh giá trị văn hóa, cội nguồn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc nên việc địa phương nào được dựng tượng, dựng tượng thế nào đang là vấn đề được quan tâm bậc nhất. Theo khảo sát thực tế, hầu hết các địa phương đều muốn dựng tượng nhưng trong dự thảo quy định, địa phương phải thỏa mãn một trong các tiêu chí như: Là đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ); có vị trí địa lý đặc biệt, thể hiện ý chí đại đoàn kết dân tộc; có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia… Vấn đề chưa nhận diện được hình ảnh Vua Hùng thì căn cứ vào đâu để dựng tượng và có bức tượng đẹp cũng được đưa ra bàn luận.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ cho hay, hiện nay có nhiều tượng Vua Hùng chủ yếu do các công ty, điểm du lịch xây dựng mà mẫu mã không thống nhất, mỹ thuật không đáp ứng. Theo ông, tiêu chí xây tượng đài Hùng Vương ở các địa phương cần phải cụ thể hơn nữa. “Cả nước hiện có hơn 1.417 di tích có liên quan đến Hùng Vương và thời đại Hùng Vương. Nhưng nếu chỉ đưa ra tiêu chí địa phương có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, địa phương nào chẳng có dấu ấn”, ông Nguyễn Ngọc Ân nói.

PGS.TS Phạm Mai Hùng (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) bày tỏ băn khoăn: “Đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện Vua Hùng như thế nào thì sẽ dựng tượng ra sao? Hơn nữa, phải làm sao tránh gây mất đoàn kết vì địa phương này được xây tượng đài, nơi khác lại không được. Phú Thọ là nơi có tính đại diện, còn khắp nơi trên đất nước nơi nào chẳng có đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước”.

Không nhất thiết phải nhận diện?

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, kiến trúc sư - nhà giám tuyển Nguyễn Sơn Trường (hiện sinh sống và làm việc tại Anh) nhận định: “Theo tôi, không nhất thiết cứ phải nhận diện được Vua Hùng mới có bức tượng đẹp, vấn đề lớn nhất là khâu tổ chức công việc, lên ý tưởng và tinh thần đề cao thẩm mỹ”. Kiến trúc sư Nguyễn Sơn Trường lấy ví dụ, trên thế giới có rất nhiều tượng đài trở thành kiệt tác nhân loại mà không nhất thiết được nhận diện từ một con người cụ thể nào.

“Một tượng đài khá đặc biệt là Mẹ Tổ quốc của Nga xây dựng vào năm 1967 được tôn vinh như một công trình tượng đài phi tôn giáo lớn nhất thế giới. Nhà điêu khắc chính trong công trình này tuy dựa vào hình dáng của Valentina Izotova, một nữ công dân của thành phố Volgograd để tạo nên bức tượng nhưng sau khi hoàn thành thì từ chân dung đến hình dáng tượng đã mang tính biểu tượng cho tất cả những bà mẹ Nga, thậm chí cả bao bà mẹ trên thế giới này. Như thế để thấy rằng, kể cả khi được xây dựng từ một hình mẫu rất cụ thể thì tượng đài vẫn phải mang tính biểu tượng, thẩm mỹ cao thì sẽ chinh phục được mọi người”, kiến trúc sư Nguyễn Sơn Trường nói.

Ông Nguyễn Sơn Trường phân tích thêm, trên thế giới, phía sau những bức tượng trở thành kỳ quan là sự sáng tạo tuyệt đỉnh. Tượng đài Mẹ Tổ quốc sừng sững ngự trên đỉnh đồi Mamayev của Nga phải mất 22 năm từ ý tưởng trở thành hiện thực. Theo ông, cũng không nhất thiết “cứ tượng là to” mà điều quan trọng nhất là văn hóa, thẩm mỹ. Để đạt tới điều đó, cần một đội ngũ chuyên môn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: Văn học, mỹ thuật, kiến trúc… góp ý, tư vấn.

Trái ngược với nhiều ý kiến tại hội thảo ủng hộ việc xây dựng tượng đài Vua Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra trao đổi: “Chúng ta có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ xưa đến nay. Nhưng nếu cá thể hóa thì làm tượng Hùng Vương thứ nhất hay thứ 18 hay ông nào? Nếu cứ nhân cách hóa như thế thì không ổn. Hơn nữa, Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương... cũng là Quốc tổ, chúng ta có dựng tượng không?”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm không ủng hộ làm tượng đài Hùng Vương lớn ở các nơi, thay vào đó nên phát huy tục thờ cúng theo truyền thống. “Nên hạn chế tối đa xây dựng tượng đài.Nhiều lần xã hội đã lên án bởi xây tượng đài là “dự án” chứ có phải để tôn vinh ai đâu. Thế giới tôn vinh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chứ đâu phải tôn vinh tượng đài Hùng Vương?”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, nếu làm quy hoạch thì mỗi khu vực chỉ nên xây một tượng đài Hùng Vương như: Phú Thọ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Rõ ràng nhu cầu thờ cúng Vua Hùng, biết ơn Tổ tiên thì nơi nào cũng có, nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng xây tượng đài!”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Phạm Mai Hùng (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho hay, theo ông, sở dĩ có những luồng ý kiến phản đối việc xây dựng tượng đài ở Việt Nam là do khá nhiều tượng đài đã xây dựng mà rất ít công trình đạt được giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao. Thậm chí có những địa phương còn công bố cả “thần phả” là Vua Hùng thọ mấy trăm tuổi, lấy bao nhiêu vợ, đẻ được bao nhiêu người con... Đây là vấn đề các đơn vị quản lý chưa nắm được.

Thùy Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/xung-quanh-y-tuong-dung-tuong-vua-hung-khong-nhat-thiet-phai-co-nhan-dien-2018051118292147.htm