Xung quanh vụ phi công Australia bị tấn công laser ở biển Đông

Các máy bay trực thăng Australia bị tấn công trong thời gian hoạt động vào ban đêm và sau đó buộc phải quay đầu để phi công kiểm tra sức khỏe.

Các máy bay trực thăng Australia bị tấn công trong thời gian hoạt động vào ban đêm và sau đó buộc phải quay đầu để phi công kiểm tra sức khỏe.

Tàu chiến HMAS Canberra của Australia. Ảnh: Dailymail

Tàu chiến HMAS Canberra của Australia. Ảnh: Dailymail

Tập đoàn truyền thông Australia (ABC) ngày 29-5 đưa tin về việc các phi công Hải quân Australia bị tấn công bằng laser trong thời gian hoạt động ở vùng biển Đông tranh chấp.

Các nguồn tin quốc phòng cho ABC biết, các máy bay trực thăng Australia bị tấn công trong thời gian hoạt động vào ban đêm. Các trực thăng sau đó buộc phải quay đầu về tàu để phi công kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, ABC không nêu cụ thể lý do những phi công này phải kiểm tra sức khỏe và những máy bay trực thăng này bị tấn công chính xác như thế nào. Trong khi đó, theo ông John Marshall, giáo sư tại Viện nhãn khoa của Đại học London, các phi công bị nhắm mục tiêu bởi các cuộc tấn công bằng laser thường báo cáo có chớp sáng, đau, co thắt và các đốm trong tầm nhìn của họ. Hiệu ứng lóa mắt có thể gây ra mù lòa tạm thời, với hậu quả “thảm khốc”. “Việc sử dụng laser không phù hợp sẽ gây ra rủi ro cho tất cả những người hoạt động trong khu vực”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia cho biết.

“Một số phi công trực thăng bị tấn công bằng tia laser khi họ đi qua các tàu đánh cá”, ông Euan Graham thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia viết trên trang blog về sự cố mới nhất. Ông có mặt trên tàu chiến HMAS Canberra của Hải quân Australia lúc đó. Ông cho biết không chứng kiến sự cố này nhưng các phi công Australia nói rằng, họ bị nhắm mục tiêu nhiều lần khi thực hiện các nhiệm vụ ở biển Đông. Ông Graham nói rằng, tàu HMAS Canberra và các tàu khác của Australia hoạt động đã bị các tàu chiến mà ông cho là của Trung Quốc che khuất gần như liên tục khi ở biển Đông, mặc dù những tàu của họ không tiếp cận bất kỳ hòn đảo và hay rạn san hô nào mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý ở khu vực đang tranh chấp này.

Tàu HMAS Canberra là chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Australia, tham gia hoạt động ở biển Đông và Ấn Độ Dương trong một nhiệm vụ kéo dài 3 tháng và sẽ kết thúc và cuối tuần này.

Trung Quốc đứng sau?

Trong một tuyên bố, các lực lượng Australia cho biết rất lo ngại về việc sử dụng laser ngày càng tăng trên toàn khu vực. “Lý do cho các tàu sử dụng laser là không rõ, nhưng có thể là nhằm thu hút chú ý đến sự hiện diện của chúng”, tuyên bố nêu rõ.

Các vụ tấn công bằng laser được cho là xuất phát từ các tàu đánh cá, và theo các cáo cuộc, các tàu dân quân không chính thức của Trung Quốc được cho là đứng sau các vụ tấn công này. Tuy nhiên, ABC cho biết, hiện chưa có xác minh chính thức nào về việc liệu đó có phải là các tàu treo cờ Trung Quốc hay không. Hiện vẫn chưa có bình luận nào từ phía Bộ Quốc phòng Australia về vụ việc.

Đây không phải lần đầu tiên các phi công quân sự bị tấn công laser trên biển. Các quan chức quân đội Mỹ nói với CNN rằng, hồi năm ngoái, có ít nhất 20 sự cố nghi ngờ tấn công laser xảy ra ở phía đông Thái Bình Dương từ tháng 9-2017 đến 6-2018. Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ này. Các quan chức quân đội Mỹ cho biết, các binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti chiếu tia laser cường độ cao vào các máy bay hoạt động của Mỹ tại một căn cứ gần đó của Washington, khiến 2 phi công bị thương nhẹ ở mắt. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác cáo buộc và khẳng định tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định địa phương và pháp luật quốc tế.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_207018_xung-quanh-vu-phi-cong-australia-bi-tan-cong-laser.aspx