Xung quanh việc doanh nghiệp 'cải tạo' lấn hồ làm du lịch

Khi triển khai xây dựng 'Điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao', Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam đã tự ý san lấp hàng nghìn mét vuông mặt nước lòng hồ thủy lợi để làm cảnh quan du lịch...

Theo đó, tháng 6/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam (Công ty Hoàng Nam), TP Buôn Ma Thuột, triển khai xây dựng dự án “Điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao xã Ea Kao” trên địa bàn xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột.

Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 4,1ha, có mức vốn đầu tư 41,5 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục sân tenis, hồ bơi, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi...

Hiện trường lấn mặt nước lòng hồ thủy lợi để nhằm mục đích “tạo cảnh quan”.

Hiện trường lấn mặt nước lòng hồ thủy lợi để nhằm mục đích “tạo cảnh quan”.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay toàn bộ các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ dự án này lại được xây dựng ngay sát thân đập hồ thủy lợi hồ Ea Kao (có dung tích thiết kế 16 triệu m3). Điều này đồng nghĩa với việc công trình có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn của đập.

Chính vì lý do này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã từng có văn bản tham vấn ý kiến của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và được trả lời công trình này “nằm trên mặt đất tự nhiên, không xác định được chân đập…”.

Tuy vậy, Tổng cục Thủy lợi lại yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải thành lập hội đồng đánh giá tình hình thực tế nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi. Sau đó, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đánh giá và cho phép công trình đi vào hoạt động. Tuy mang tên là “điểm văn hóa” nhưng trên thực tế đây là một khu du lịch, nghỉ dưỡng ven hồ, thu lợi lớn về cho chủ đầu tư nhưng được hưởng quá nhiều ưu đãi từ địa phương.

Trao đổi về vấn đề trên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các công trình về văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng ở những xã khó khăn là hết sức cần thiết nên tỉnh đã cho Công ty Hoàng Nam lập thủ tục đầu tư dự án này. “Còn các ưu đãi không chỉ dành riêng cho Công ty Hoàng Nam mà áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp đầu tư dự án trong những xã khó khăn”, lãnh đạo Sở này nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi khu du lịch “Điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao xã Ea Kao” đi vào hoạt động, thu vé, Công ty Hoàng Nam đã liên tục mở rộng quy mô, xây dựng nhà hàng, quán cà phê, hồ bơi… trên cao để thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh...

Chưa dừng lại ở đó, một khoảng lòng hồ rộng hàng ngàn mét vuông trước khu du lịch cũng được tự ý đổ đất mở rộng, lấn mặt nước lòng hồ thủy lợi để “tận dụng” tạo cảnh quan cho khu du lịch. Theo đó, doanh nghiệp này đã đổ đất, đá tạo mặt bằng. Sau đó trồng cỏ, cây xanh và còn mở một con đường, rải nhựa trong lòng hồ để tạo điểm nhấn “cảnh quan” cho nơi này.

Trả lời về việc doanh nghiệp có được phép “lấn hồ” hay không, ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng “chưa nghe thông tin” và hứa “sẽ kiểm tra” và trả lời sau. Tuy nhiên, nhiều lần sau đó, phóng viên đã cố gắng liên lạc để nắm bắt thông tin thì ông Lập không phản hồi.

Trong khi đó, ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao khẳng định, công trình khu du lịch của Công ty Hoàng Nam đã được tỉnh đồng ý, cấp phép cho xây dựng rồi. Riêng phần “công viên” lấn lòng hồ, ông Trường nói doanh nghiệp chỉ đổ đất, trồng cây cảnh, hoa lên cho đẹp chứ không xây dựng gì lớn, không đáng lo ngại. Còn lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, sau khi xây dựng các hạng mục, Công ty Hoàng Nam có xin “cải tạo” khu vực trước khu du lịch của mình và đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương.

Văn Thành

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/xung-quanh-viec-doanh-nghiep-cai-tao-lan-ho-lam-du-lich-645816/