Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam: Bao giờ Vivaso thoái vốn?

Buổi sáng ngày 14/11, sau khi báo Đại Đoàn Kết đăng bài 'Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam: Bộ VHTTDL có làm ngược kết luận của Thanh tra Chính phủ?', tại Hội Điện ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ đã có cuộc gặp gỡ báo chí bày tỏ ý kiến xung quanh văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC ngày 29/10/2018 của Bộ VHTTDL.

Đại diện Bộ VHTTDL tại buổi làm việc chiều 14/11. Ảnh Mạnh Thắng.

Và chiều 14/11, tại Bộ VHTTDL cũng đã diễn ra cuộc làm việc giữa người phát ngôn Bộ VHTTDL với phóng viên báo chí. Qua hai cuộc làm việc nêu trên, cho thấy việc xử lý theo văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC sẽ đi vào bế tắc. Bởi lẽ, theo Thông báo kết luận của Thanh tra chính phủ thì một số sự vụ phức tạp được giao cho Bộ VHTTDL có trách nhiệm xử lý thì Bộ lại “đá bóng” trách nhiệm cho những người đã về hưu, cho những người không có thẩm quyền…

Sáng 14/11, trong cuộc gặp gỡ báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát- nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) cho biết: Văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC đề ngày 29/10/2018 của Bộ VHTTDL có đề kính gửi những người trong Ban giám đốc VFS qua các thời kỳ, nhưng bà không nhận được văn bản này một cách chính thức. Bà Ngát cho rằng: “Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy - CTCP xin rút vốn trước thời hạn, nhưng đến nay Bộ VHTTDL đã làm đến đâu?”. Trăn trở này được NSND Nguyễn Thanh Vân nói: “Khi công bố kết luận thanh tra, ông Lê Quang Tùng- Thứ trưởng Bộ VHTTDL có nói sẽ tiến hành cho Vivaso rút vốn trong thời gian hai tháng tới. Đến nay, chỉ còn 5 ngày nữa là thời hạn hai tháng đã hết mà chưa thấy Bộ VHTTDL và Vivaso có động thái và thông báo gì tới nghệ sĩ của hãng phim”.

Chiều 14/11, khi phóng viên báo Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi: Bao giờ nhà đầu tư chiến lược rút xong vốn? Ông Trần Hoàng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ VHTTDL cho biết Bộ VHTTDL đang tiến hành các quy trình nhưng không nói dự kiến bao giờ sẽ thực hiện xong việc Vivaso rút vốn. Còn ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng, phát ngôn của Bộ VHTTDL cũng chỉ khẳng định chắc chắn nhà đầu tư chiến lược sẽ phải rút vốn, nhưng từ chối trả lời mốc thời gian hoàn thiện.

Khi được hỏi nhận xét về văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn nói: Khi kết luận thanh tra được công bố, thấy tôi vui mừng, có người bạn đã vỗ vai bảo sự việc sẽ còn kéo dài chưa biết lúc nào mới xong. Nên khi xem văn bản này tôi thấy buồn vì sự thực đang diễn ra như người bạn nói. Tại sao Bộ VHTTDL lại để cho Vivaso kiện toàn bộ máy lãnh đạo trong khi họ phải rút vốn?”. Về vấn đề này, ông Trần Hoàng nói: “Bộ VHTTDL làm đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ”. Đối chiếu với kết luận Thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018, phóng viên thấy kết luận có kiến nghị chỉ đạo Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam như vậy. Và chính điều này của kết luận sẽ tiềm ẩn những khó khăn cho nhà đầu tư chiến lược mới khi tham gia vào việc cổ phần hóa trong tương lai, thậm chí ngay cả khi trở về mô hình cũ là Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam thì cũng sẽ tạo ra những khó khăn trong công tác điều hành. Do đó, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã nêu câu hỏi với các đại diện của Bộ VHTTDL tại cuộc trao đổi là tại sao Bộ VHTTDL không phân công cán bộ để lãnh đạo hãng phim, và như thế mới có danh nghĩa để tiếp nhận bàn giao từ Vivaso? Tuy nhiên các vị đại diện không trả lời.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát tại buổi trao đổi với báo chí.

Phóng viên báo Đại Đoàn Kết cũng đặt vấn đề tại sao Bộ VHTTDL không đứng ra chủ trì các cuộc làm việc để làm rõ các nội dung theo kết luận thanh tra nêu? Thiết nghĩ đây là điều bắt buộc bởi lẽ, kết luận thanh tra nêu kiến nghị Bộ VHTTDL phải thực hiện rất nhiều công việc, trong đó có những việc chính như: Phối hợp với các cơ quan có liên quan, xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở phương án sử dụng đất được duyệt, xác định lại giá trị doanh nghiệp có tính đến yếu tố về lợi thế vị trí địa lý của các cơ sở nhà, đất theo đúng luật định. Thế nhưng, không hiểu sao Bộ VHTTDL lại “đá bóng” công việc này cho những người đã về hưu như Ban giám đốc VFS các thời kỳ và nguyên Chủ tịch HĐTV (tức đạo diễn Vương Đức).

NSND Nguyễn Thanh Vân nêu vấn đề: Những người được Bộ VHTTDL giao làm các việc như văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC đều không có thẩm quyền, không chính danh, thậm chí ngay cả người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần cũng không có con dấu gì để đi làm việc với các tổ chức cá nhân liên quan. Họa sĩ Vũ Huy nói: Tôi thấy cần thiết phải có một chế tài nào đó mới khiến những người đã về hưu, có liên quan hợp tác làm việc. NSND Nguyễn Thanh Vân nói: Tại cuộc làm việc sáng 13/11, ông Vương Đức nói ông đã nghỉ hưu, không còn liên quan gì. Các cuộc họp sau, có thể ông sẽ không tham dự. Một người gây ra sai phạm như ông Vương Đức mà không có chế tài, không có người đủ thẩm quyền thì sẽ không thể yêu cầu ông tới làm việc được. Tương tự là nguyên Giám đốc Nguyễn Văn Nam, người gây ra sai phạm góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hãng tại số 6 Thái Văn Lung (TP Hồ Chí Minh) sẽ không tới làm việc nếu không có chế tài.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Lê Quang Tùng- Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói: “Tôi đã ký văn bản cho phép kéo dài thời hạn của văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC đến 15/12/2018”. Trả lời câu hỏi: Ai sẽ chủ trì các cuộc làm việc theo văn bản số 4974/BVHTTDL-KHTC? Ông Tùng nói: “Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam sẽ chủ trì và phối hợp với những người cũ của hãng”. Và ông Tùng cũng không nói rõ thời điểm nào Vivaso sẽ rút xong vốn.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/xung-quanh-viec-co-phan-hoa-hang-phim-truyen-viet-nam-bao-gio-vivaso-thoai-von-tintuc422715