Xung quanh việc chuyển đổi nghề cho diêm dân Hậu Lộc

Chúng tôi về đồng muối xã Hải Lộc (Hậu Lộc) vào một ngày cuối thu, đúng lúc bà con diêm dân nơi đây đang tranh thủ nắng lên để phơi muối. Những hạt muối trắng trong như viên pha lê lấp lánh dưới ánh mặt trời, nhưng có ai biết để làm ra được những hạt muối tinh túy ấy, người diêm dân đã phải đổ bao mồ hôi công sức, phơi mình suốt hàng tiếng đồng hồ dưới nắng.

Diêm dân xã Hải Lộc trên đồng muối.

Biết rằng vất vả, cực nhọc là thế, nhưng từ bao đời nay diêm dân làm muối xã Hải Lộc nói riêng, huyện Hậu Lộc nói chung vẫn cố gắng bám trụ với nghề trên đồng đất quê hương.

Dừng tay nghỉ trong giây lát, anh Nguyễn Văn Phú, thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc bộc bạch với chúng tôi: “Chẳng giấu gì các cô, nhà tôi làm nghề này khoảng sáu chục năm nay rồi. Nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên làm cao điểm trong 3 tháng mùa nắng từ tháng 4 đến tháng 6. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi làm được hơn 10 tấn muối, thu nhập khoảng 19 triệu đồng. Giá trị kinh tế thấp, những lúc nhàn rỗi tìm việc làm thêm nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống. Gia đình tôi mong Nhà nước sớm chuyển đổi nghề muối sang nghề khác phù hợp để diêm dân có thu nhập và cuộc sống đỡ vất vả”.

Sang đồng muối kế bên, chúng tôi được cô Bùi Thị Chiến, thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc chia sẻ: “Bình thường những ngày làm đồng như thế này, tôi túc trực ở đây từ lúc 12 giờ trưa đến 7 giờ tối mới về. Gia đình có 2 lao động chính, còn lại là người già và trẻ nhỏ không giúp được gì. Mỗi năm làm bình quân 3 tấn muối, ước tính được 5 triệu đồng. Nghề muối vất vả nhưng thu nhập rẻ mạt lắm. Vì vậy, gia đình tôi cũng như nhiều diêm dân khác phải bươn chải nhiều nghề, chứ trông chờ vào mỗi đồng muối thì không đủ sống”.

Bác Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX muối Hải Lộc cho chúng tôi hay, nghề muối truyền thống của xã có từ năm 1945. Hồi đó, muối sản xuất ra được cung ứng cho Công ty Muối Thanh Hóa theo kế hoạch và công ty có đầu tư trở lại cho hệ thống cơ sở hạ tầng nghề muối. Có thể nói, nghề muối thịnh vượng nhất là từ năm 1959 đến năm 1980, vì muối được Nhà nước bao cấp thu mua toàn bộ, giá cả ổn định, thu nhập của diêm dân đảm bảo. Sau khi chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, diêm dân xã Hải Lộc phải tự chủ hoàn toàn về cách thức quản lý, đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Hải Lộc hiện có 78 ha với 650 hộ làm nghề muối, tập trung ở 4 thôn: Tân Lộc, Lộc Tiên, Y Bích và Trường Nam, lao động nghề muối chiếm hơn 40% tổng lao động toàn xã. Quá trình sản xuất do không được đầu tư nên cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018, xã phải tu sửa kiến thiết và làm mới hàng trăm ô, chạt, đào nạo vét hệ thống mương đảm bảo phục vụ sản xuất. Sản lượng năm 2018 đạt 3.550 tấn, giá muối bình quân 1.800 đồng/kg. Năng suất và chất lượng muối giảm đáng kể, nồng độ NaCl chỉ đạt 87%, muối có màu vàng. Ngoài ra, diêm dân làm muối quá vất vả trong sản xuất theo phương pháp phơi cát truyền thống. Lao động thủ công cực nhọc, luôn phải làm việc ngoài trời nắng nóng, thường xuyên tiếp xúc với nước muối có nồng độ cao... nhưng thu nhập rất thấp, bằng 40-45% thu nhập của lao động ngành nghề khác trong vùng. Đất chật, người đông, việc chuyển đổi phát triển ngành nghề khác vô cùng khó khăn.

Không những vậy, những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường, mùa vụ sản xuất muối trùng với mùa mưa bão, lũ, triều cường... làm ảnh hưởng đến sản xuất và các công trình hạ tầng đồng muối. Có những năm dù thời tiết thuận lợi nhưng nghề làm muối thu nhập vẫn thấp. Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt, thì giá muối lại liên tục giảm hoặc cầm chừng. Không chỉ giá rẻ, năng suất thấp, mà việc tìm đầu ra cho nghề muối cũng rất khó khăn. Sản phẩm làm ra tự bao tiêu, trao đổi hàng hóa. “Được mùa rớt giá” đã trở thành điệp khúc quen thuộc đối với diêm dân. Ngoài một số ít công ty thu mua lẻ, còn lại hầu hết bà con vẫn phải tự đạp xe rong ruổi trên các đường làng, ngõ xóm khắp nơi, đến gõ cửa từng nhà dân để bán muối.

So với các ngành sản xuất khác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì đời sống bà con diêm dân gặp nhiều khó khăn hơn. Số lao động làm muối giảm dần, nhiều cánh đồng muối bị bỏ hoang do bà con không còn mặn mà với nghề muối, mà đi làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Một số nơi nghề nuôi trồng thủy sản đem lại thu nhập cao, dẫn đến các hộ diêm dân chuyển sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản. Trình độ dân trí của diêm dân trong vùng còn hạn chế, đặc biệt là trình độ thâm canh còn kém. Người dân chưa bắt kịp với yêu cầu áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, đồng thời chưa khai thác tốt thông tin thị trường phục vụ sản xuất. Lao động nghề muối chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Những lao động phụ giờ trở thành lao động chính trên đồng muối. Số lượng lao động trong nghề muối ngày càng giảm, vì giá trị muối thấp nên bà con không tập trung đầu tư vào sản xuất. Lao động trên 40 tuổi và đối tượng có sức khỏe yếu, không đi xa được chiếm phần lớn nên phải bám trụ vào sản xuất muối để có thu nhập. Cơ sở vật chất nghề muối hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Đê, cống, kênh mương, ô nại... đều xuống cấp do lâu năm không được tu bổ, sửa chữa và do hậu quả của bão lụt để lại. Diện tích sản xuất muối ít, nhỏ lẻ, manh mún và có xu hướng giảm dần, trong khi đó số lao động cũng như nhân khẩu sinh sống bằng nghề muối lại quá đông. Thời gian sản xuất muối chỉ có khoảng 150-170 ngày/năm, số ngày còn lại diêm dân không có nghề phụ gì.

Thực trạng nghề muối ở xã Hải Lộc cũng đang là khó khăn chung của diêm dân huyện Hậu Lộc. Toàn huyện có hơn 138 ha đất sản xuất muối ở 2 xã Hải Lộc và Hòa Lộc. Đứng trước bài toán chuyển đổi nghề cho diêm dân, huyện Hậu Lộc đã xây dựng “Đề án chuyển đổi đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác có hiệu quả hơn trên địa bàn huyện Hậu Lộc đến năm 2020 và định hướng 2025”. Mục tiêu là chuyển đổi đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác, cụ thể giai đoạn 2019-2020 chuyển đổi 24,76 ha, giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi 93,33 ha. Đồng thời có kinh phí hỗ trợ sản xuất và đời sống cho diêm dân khi chuyển đổi; đền bù thu hồi đất sản xuất muối; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho diêm dân; nâng cấp, xây mới các tuyến đường và hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Để thực hiện chuyển đổi, huyện Hậu Lộc đã đề ra một số giải pháp đó là: Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của diêm dân và của các tổ chức kinh tế - xã hội về việc thực hiện chuyển đổi đất sản xuất muối với mục tiêu nâng cao hiệu quả trên một ha đất muối. Ưu tiên thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Quan tâm ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết với nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích thành lập HTX, tổ hợp tác nhằm liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng trên diện tích đất muối chuyển đổi. Đào tạo nguồn lao động phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động ngành muối. Bên cạnh các chính sách của Trung ương và tỉnh, huyện cũng xây dựng chính sách hỗ trợ riêng cho vùng chuyển đổi đất muối.

Theo đề án trên, xã Hải Lộc sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi đất muối sang đất nuôi trồng thủy sản 18,5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cá bống bớp...; chuyển sang đất sản xuất, kinh doanh 21,84 ha để hình thành các khu sản xuất gò hàn, cơ khí...; chuyển sang đất làng nghề, hậu cần nghề cá 11 ha chủ yếu xây dựng khu chế biến thủy, hải sản; chuyển sang đất ở nông thôn 12,83 ha; đất thể dục, thể thao 1,2 ha; đất văn hóa 0,25 ha; đất giáo dục 0,78 ha; đất dịch vụ sinh thái 7 ha; đất giao thông 0,5 ha. Cùng với đó là nâng cấp các tuyến đường và kênh mương phục vụ nuôi trồng thủy sản và giao thông. Phương án giải quyết lao động nghề muối là tập trung vào hướng đào tạo nghề, chuyển đổi nghề. Đối với lao động dưới 40 tuổi là nữ giới thì tập trung đào tạo nghề may mặc, mây tre đan, nghề thủ công mỹ nghệ... để làm việc cho các nhà máy may, giầy da hoặc các cơ sở thủ công mỹ nghệ. Đối với lao động dưới 40 tuổi là nam giới thì tập trung đào tạo nghề cơ khí, hàn, điện để làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp, hay tự mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với lao động trên 40 tuổi được bố trí lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc làm việc tại các khu khai thác, chế biến hải sản, khu dịch vụ sinh thái...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: Theo kế hoạch, năm 2018 xã thực hiện chuyển đổi 10 ha đất muối kém hiệu quả sang mục đích khác; năm 2019 tiếp tục chuyển đổi 10 ha, nhưng cho đến nay các mục tiêu chuyển đổi vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Hiện xã mới chuyển đổi được 4 ha sang các công trình phúc lợi. Tới đây xã tiếp tục chuyển đổi sang đất ở khoảng 2 ha. Hiện tại vẫn còn hơn 70 ha với 630 hộ chưa được chuyển đổi. Tuy nhiên, chủ trương của xã là chuyển đổi từng bước, trước mắt tập trung chuyển đổi một số diện tích năng suất thấp, kém hiệu quả sang xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông thủy lợi, nuôi trồng thủy sản. Số diện tích còn lại, bà con diêm dân mong muốn đề nghị với các cấp chính quyền kêu gọi nhà đầu tư vào các lĩnh vực: May mặc, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ... nhằm tạo việc làm cho người dân có thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Xã cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý, thủ tục, mặt bằng để các nhà đầu tư hoạt động sản xuất hiệu quả.

Thực tế, việc chuyển đổi nghề muối sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác có hiệu quả kinh tế cao hơn luôn là trăn trở của các cấp chính quyền địa phương huyện Hậu Lộc. Một khi quá trình chuyển đổi được triển khai hoàn thành, chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là đảm bảo thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xung-quanh-viec-chuyen-doi-nghe-cho-diem-dan-hau-loc/108668.htm