Xung quanh quyết định không kích Syria của chính quyền Biden

Chính quyền Joe Biden đã cho tiến hành đợt không kích đầu tiên nhắm vào Syria, khiến 17 người thiệt mạng. Washington nói đây là hành động đáp trả hàng loạt vụ tấn công nhắm vào các cơ sở của phương Tây tại Iraq. Ngay lập tức Quốc hội Mỹ đã kêu gọi hạn chế quyền hạn của ông Biden, đồng thời hành động này bị cộng đồng quốc tế lên án.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên ra lệnh không kích nhắm vào Syria ngày 25/2

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên ra lệnh không kích nhắm vào Syria ngày 25/2

Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết, đợt không kích nói trên đã phá hủy ba xe tải chở đạn dược từ Iraq đến thành phố Boukamal ở phía đông bắc Syria và làm ít nhất 17 người tử vong. Theo Washington, nạn nhân là thành viên lực lượng dân quân Iraq được Iran yểm trợ. Các nhóm đó, gồm Hachd Al Chaabi, Kataeb Hezbollah và Kataelb Sayyid al Shuhada, hoạt động ở phía đông và đông bắc Syria sát cạnh biên giới với Iraq. Thông cáo của Lầu Năm Góc giải thích đây là một chiến dịch “phòng vệ” nhắm vào “nhiều cơ sở hạ tầng tại một đồn biên giới do các nhóm dân quân được Iran ủng hộ, trong đó có tổ chức Kataeb Hezbollah”. Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết thêm đây là hành vi nhằm đáp trả các vụ tấn công nhắm vào nhân viên Mỹ và liên quân quốc tế tại Iraq.

Trong những ngày qua, có ít nhất 3 vụ tấn công được cho là từ phía các nhóm dân quân được Tehran yểm trợ nhắm vào các lợi ích của phương Tây trên lãnh thổ Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin quy trách nhiệm cho tổ chức mang tên Kataeb Hezbollah thân Iran. Kataeb Hezbollah được thành lập sau cuộc chiến lật đổ chế độ của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein do chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George Bush phát động hồi năm 2003. Dù khác với lực lượng Hezbollah ở Lebanon nhưng cả hai bên lại là các đồng minh mạnh mẽ của nhau. Trong những năm gần đây, Kataeb Hezbollah đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và trợ giúp quân đội của Tổng thống Syria Bashar Assad trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.

Theo giới phân tích, với cuộc tấn công này, Mỹ muốn gửi tới Iran thông điệp rằng Washington sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công chống lại lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Vụ không kích diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với một lộ trình thiếu chắc chắn trong nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Trump đã từ bỏ. Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với Iran đã leo thang căng thẳng khi các lực lượng do Iran hỗ trợ ngày càng hành động táo bạo hơn. Những nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn đã gia tăng tấn công các lợi ích của Mỹ và đồng minh. Điều này làm dấy lên lo ngại sự bế tắc trong quan hệ giữa Washington và Tehran có thể “châm ngòi nổ” tại Iraq. Ngày 28/2, Tehran đã bác bỏ đề nghị về một cuộc gặp không chính thức với Mỹ và một số cường quốc khác để tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Chính quyền Tehran tiếp tục nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là Mỹ phải gỡ bỏ các trừng phạt đơn phương nhắm vào Iran.

Một số nghị sĩ Dân chủ nói rằng Quốc hội Mỹ không thông qua việc ủy quyền cho tổng thống sử dụng vũ lực quân sự tại Syria. Các nghị quyết năm 2001 và 2002 được thông qua để tấn công những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 11/9 và mở chiến dịch tấn công Iraq. "Biden trở thành tổng thống Mỹ thứ 7 liên tiếp ra lệnh không kích ở Trung Đông", hạ nghị sĩ Dân chủ Ro Khanna cho biết. "Hoàn toàn không có lý do gì để Tổng thống ra lệnh tấn công không nhằm mục đích tự vệ trước mối đe dọa sắp xảy ra mà không có sự cho phép của quốc hội", Ro Khanna nói.

Tuy nhiên, trong thư gửi lãnh đạo quốc hội ngày 27/2, Tổng thống Biden cho biết vụ không kích nhằm vào cơ sở tại Syria của nhóm dân quân thân Iran là hành động "tuân theo quyền tự vệ vốn có của Mỹ, được thể hiện trong Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ)". Với bức thư này, Biden đã thực hiện nghĩa vụ thông báo của tổng thống được quy định Đạo luật Quyền lực Chiến tranh do Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 11/1973. "Theo chỉ đạo của tôi, các lực lượng Mỹ ngày 25/2 triển khai một cuộc tấn công quân sự có chủ đích nhằm vào cơ sở ở miền đông Syria, vốn được các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn sử dụng", ông Biden viết trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Patrick Leahy. "Các nhóm dân quân này trước đó tham gia những vụ tấn công nhằm vào Mỹ và thành viên liên quân tại Iraq, bao gồm vụ tấn công hôm 15/2 tại Erbil, Iraq khiến 1 binh sĩ cùng 4 nhà thầu quân sự bị thương, 1 người ở tình trạng nguy kịch, 1 nhà thầu quân sự Philippines thiệt mạng", ông Biden viết. Ông cũng khẳng định Mỹ "luôn sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết và tương xứng để tự vệ", kể cả trong trường hợp chính phủ quốc gia nơi có mối đe dọa "không muốn hoặc không thể ngăn chặn các nhóm dân quân chịu trách nhiệm cho các vụ tấn công như vậy sử dụng lãnh thổ của họ".

Trong một bức thư gửi Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Bộ Ngoại giao Syria đã yêu cầu Hội đồng Bảo an có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế cũng như ngay lập tức ngăn chặn Mỹ gây hấn với một quốc gia cụ thể và tránh tái diễn chính sách hiếu chiến này. Bộ Ngoại giao Syria cho biết vụ không kích của Mỹ gần biên giới chung Syria-Iraq là hành động gây hấn trắng trợn và dẫn đến hậu quả leo thang tình hình trong khu vực. Syria cho rằng hành động này là một dấu hiệu tiêu cực về các chính sách của chính quyền mới của Mỹ. Trước đó, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động gây hấn của Mỹ đồng thời cảnh báo sẽ dẫn đến những hậu quả khiến tình hình khu vực leo thang.

Trong một tuyên bố, LHQ bày tỏ lo ngại về tình hình trong khu vực sau các vụ không kích của Mỹ tại Syria. Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: “Tổng thư ký đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về một cuộc không kích của Mỹ nhắm vào các địa điểm ở miền Đông Syria để đáp trả các cuộc tấn công gần đây chống lại Mỹ và Liên quân ở Iraq. Tổng thư ký bày tỏ lo ngại về tình hình biến động trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh leo thang”.

Nga và Trung Quốc đã chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời tránh làm phức tạp thêm tình hình ở quốc gia Trung Đông này. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động như vậy. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng vô điều kiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Chúng tôi tái khẳng định về việc không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm biến lãnh thổ Syria thành một đấu trường để dàn xếp tỷ số địa chính trị". Điều đáng nói là với cái cớ “nhằm vào các nhóm phiến quân Iran hoặc được Iran hậu thuẫn”, Mỹ và đồng minh Israel không ít lần nã bom Syria. Các sự việc như vậy không chỉ xâm phạm chủ quyền Syria mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng lại không được truyền thông phương Tây nói đến.

Sau 10 năm nội chiến với khoảng 600.000 người thiệt mạng và 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, những triển vọng hòa bình của Syria vẫn vô cùng mờ mịt. Moscow muốn thấy một Syria đoàn kết và ổn định. Tuy nhiên, trong mắt của Nga, các phe phái đối lập khác nhau là những "con tin" của các nhà tài trợ nước ngoài và do đó, không có một đại diện đàm phán đáng tin. Sự chia rẽ về lợi ích giữa các nhóm ở Syria khiến cho Điện Kremlin sẽ tiếp tục duy trì tình trạng hiện tại nhằm hướng đến một giải pháp đạt được lợi ích nhiều nhất về mặt kinh tế và hạn chế tối đa sự gián đoạn. Bất chấp những hy vọng dấy lên vào thời điểm Joe Biden thắng cử, mọi việc dường như đang trở nên phức tạp giữa Mỹ và Iran, nhất là sau khi Washington không kích vào Syria.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xung-quanh-quyet-dinh-khong-kich-syria-cua-chinh-quyen-biden-602355.html