Xung quanh hàng ngàn tỷ đồng vay mượn giữa nhóm Phương Trang và Ngân hàng Đại Tín

Theo Ngân hàng CB, HĐXX cấp sơ thẩm thiếu căn cứ, đánh giá chưa đầy đủ các hồ sơ tín dụng, mua bán trái phiếu, hợp đồng bảo đảm hợp pháp, hợp lệ sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến quyền lợi của Ngân hàng CB, đến tài sản của Nhà nước...

Ngày 24-10, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB) tiếp tục với phần thẩm vấn đại diện nguyên đơn dân sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Tại tòa, đại diện Ngân hàng CB khẳng định kháng cáo phần nội dung liên quan đến trách nhiệm dân sự đối với những khoản nợ vay tín dụng, phát hành trái phiếu phát sinh giữa Ngân hàng CB với Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang (gọi tắt là Công ty Phương Trang) và những cá nhân, pháp nhân có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với Phương Trang.

Theo Ngân hàng CB, HĐXX cấp sơ thẩm thiếu căn cứ, đánh giá chưa đầy đủ các hồ sơ tín dụng, mua bán trái phiếu, hợp đồng bảo đảm hợp pháp, hợp lệ sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến quyền lợi của Ngân hàng CB, đến tài sản của Nhà nước.

Vì vậy, Ngân hàng CB đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, buộc Công ty Phương Trang và các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ hợp tác kinh doanh cũng như liên quan phải chịu trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng CB số tiền 27.088 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 7-5-2018), trong đó nợ gốc là 9.402 tỷ đồng và lãi 17.689,2 tỷ đồng...

Các bị cáo tại tòa.

Ngoài ra, Ngân hàng CB còn đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giao cho ngân hàng toàn bộ tài sản đảm bảo cho các khoản vay tín dụng, phát hành trái phiếu. Cụ thể, đó là dự án Bình Điền bảo đảm cho khoản trái phiếu Trường Vĩ mà HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên giải tỏa, giao lại cho Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Mỹ; 3 tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS) đứng tên ông Trương Đoàn Quốc Dũng, 1 tài sản bảo đảm là BĐS đứng tên ông Trương Công Bình; 2 tài sản đảm bảo chưa được kê biên trong vụ án là BĐS tại Bình Định đảm bảo cho 2 khoản vay của các ông Trần Đăng Quang, Nguyễn Hoài Nam và BĐS tại Quảng Nam đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Sơn Trà Điện Ngọc để xử lý nợ theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Không đồng ý với yêu cầu của đại diện Ngân hàng CB, trong phần trả lời thẩm vấn, đại diện Công ty Phương Trang khẳng định chỉ chịu trách nhiệm số tiền 3.936 tỷ đồng chứ không phải 9.402 tỷ đồng như phía CB trình bày. Công ty Phương Trang đưa ra bối cảnh quan hệ vay tiền tại Ngân hàng Đại Tín xuất phát từ nhu cầu vay vốn của Công ty Phương Trang và các công ty cá nhân có quan hệ hợp tác.

Hồ sơ tín dụng được ký và giao trước nhưng quyền chủ động giải ngân hay không và mỗi lần thực tế là bao nhiêu lại thuộc về Ngân hàng Đại Tín và quyết định của bà Phấn. Chính vì vậy, thời gian đầu khi hồ sơ tín dụng và chứng từ do ngân hàng nắm giữ nên việc đối chiếu công nợ rất khó khăn khi Phương Trang chưa thể xác định số tiền thực nhận là bao nhiêu.

Đến khi vụ án bị khởi tố, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước và CQĐT thì Phương Trang mới có cơ hội được đối chiếu, đồng thời CQĐT chứng minh được dòng tiền, thủ đoạn thu chi cấn trừ cùng với sự thừa nhận sử dụng nguồn tiền của bà Phấn.

“Tính xác thực của số tiền thực nhận này còn dựa vào lời khai của 6 bị cáo thuộc nhóm Phú Mỹ, 14 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín, 13 cá nhân liên quan của nhóm Phú Mỹ...”, đại diện Công ty Phương Trang khẳng định.

Ngoài ra, Phương Trang cũng trưng số liệu, trong 9.402 tỷ đồng mà CB đòi, bà Phấn thừa nhận sử dụng trên 5.200 tỷ đồng, 208 tỷ đồng thủ quỹ Ngô Thị Ngân phải chịu trách nhiệm bồi thường (do rút tiền về không nhập quỹ) mà án sơ thẩm đã tuyên.

Tương tự, bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên thu hồi 1.669,5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ (gọi tắt là Công ty Phú Mỹ) cũng có đơn kháng cáo. Đại diện Công ty Phú Mỹ cho rằng, việc bản án tuyên thu hồi 1.669,5 tỷ đồng và xác định Công ty Phú Mỹ là một trong 17 cá nhân, tổ chức có khoản vay còn nợ Ngân hàng CB là không đúng với thực tế, không phù hợp với chứng cứ, hồ sơ của vụ án và không có cơ sở pháp lý.

Theo lý giải của Công ty Phú Mỹ, trước đây chủ sở hữu của công ty gồm 3 cổ đông cũ là bà Hứa Thị Bích Hạnh, Huỳnh Thị Xuân Dung và Ngô Nguyễn Đoan Trang. Đến tháng 4-2017, 3 cổ đông cũ đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty Phú Mỹ cho nhóm cổ đông mới gồm: Công ty TNHH Đông Mê Kông, Công ty Đầu tư xây dựng Hồ Chí Minh Việt Nam và ông Đặng Ngọc Chung.

Tại thời điểm chuyển giao cổ phần thì Công ty Phú Mỹ đã lập báo cáo tài chính và được kiểm toán đến ngày 7-4-2017. Căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán và biên bản xác nhận, 3 cổ đông mới khi nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Công ty Phú Mỹ phải chi trả số tiền 775,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đến nay, Ngân hàng CB hoàn toàn không xác định số tiền số tiền 1.669,5 tỷ đồng nêu trên có liên quan đến Công ty Phú Mỹ còn dư nợ.

Ngân hàng CB cũng không có yêu cầu Công ty Phú Mỹ phải thanh toán bất kỳ khoản vay nào liên quan đến số tiền bị thu hồi bởi ngân hàng xác định Công ty Phú Mỹ đã được tất toán. Do vậy, bản án xác định Công ty Phú Mỹ còn dư nợ khoản vay tại Ngân hàng CB là không có căn cứ pháp lý.

A.Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/xung-quanh-hang-ngan-ty-dong-vay-muon-giua-nhom-phuong-trang-va-ngan-hang-dai-tin-516650/