Xung quanh cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Mỹ

Cuộc họp báo đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới của ông đang phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng, từ số ca mắc COVID-19 gia tăng cho đến tranh cãi luật kiểm soát súng đạn và căng thẳng với Nga, Trung Quốc.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Theo Reuters, tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên diễn ra hôm qua (25/3), ông Biden xuất hiện trong hơn 1 tiếng và chỉ nhận câu hỏi của 10 nhà báo. Người đứng đầu nước Mỹ dường như đã chuẩn bị kỹ càng, bình tĩnh nhận câu hỏi và đôi khi đọc thông tin có sẵn được ghi trong giấy.

“Kế hoạch của tôi là tham gia tái tranh cử. Đó là điều tôi dự tính”, Tổng thống Joe Biden trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo.

Nhà lãnh đạo năm nay đã 79 tuổi, là người lớn tuổi nhất nhậm chức tổng thống Mỹ. Khi phóng viên gặng hỏi về vấn đề này, Tổng thống Biden nói rằng ông chưa bao giờ có thể lên kế hoạch chắc chắn cho điều gì trong 3-4 năm sắp tới.

Tuy vậy, ông Biden kỳ vọng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông trong cuộc tranh cử tới. “Bà ấy đang làm công việc tuyệt vời. Bà ấy là một cộng sự tốt”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng nói không biết gì về việc liệu người tiền nhiệm và là đối thủ trong cuộc bầu cử hồi năm 2020 là cựu Tổng thống Donald Trump có tham gia tranh cử vào năm 2024 hay không.

“Tôi đã trở thành người rất tôn trọng số mệnh. Tôi đặt ra một mục tiêu trước mắt và hoàn thành công việc vì những người tôi quan tâm nhất, những người Mỹ chăm chỉ, tử tế”, Tổng thống Biden nói.

Về đối ngoại, trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Biden khẳng định, chính quyền của ông không tìm kiếm một cuộc đối đầu nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

“Tôi đã đích thân nói với ông ấy (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) trong một vài dịp rằng, chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, dù chúng tôi biết rằng sẽ xảy ra cuộc cạnh tranh gay gắt”, ông Biden nói.

Theo Tổng thống Biden, Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn cho lực lượng lao động và ngành khoa học để cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc hành động theo các quy tắc quốc tế, cạnh tranh lành mạnh, thông lệ công bằng và thương mại công bằng.

Liên quan tới cuộc chiến ở Afghanistan, Tổng thống Biden cho rằng, Mỹ khó có thể rút hết binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào trước ngày 1/5 như thỏa thuận đã ký với Taliban, nhưng các binh sĩ Mỹ sẽ không ở lại vô thời hạn.

Khi được hỏi về khả năng duy trì các lực lượng Mỹ ở Afghanistan trong năm 2022, Tổng thống Biden cho biết ông chưa hình dung về trường hợp này.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ nhờ vào gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD vừa được thông qua, đồng thời dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm nay.

Ông cũng cho biết số hồ sơ hằng tuần xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã giảm gần 100.000 người.

Bên cạnh triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế, Tổng thống Biden cũng cho biết, các biện pháp xử lý đại dịch COVID-19 cũng như chính sách của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ cao của người dân.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, với tốc độ tiêm chủng và phân phối vaccine như hiện nay, nước Mỹ sẽ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sau khi đã đạt được mục tiêu tiêm 100 triệu lượt hôm 19/3 vừa qua.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đề cập các biện pháp kiểm soát súng đạn sau 2 vụ xả súng hàng loạt gây chấn động nước Mỹ thời gian gần đây và hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng.

Vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ khẳng định, ông có thể tự mình hành động để ngăn chặn bạo lực, nhưng vẫn muốn có sự hợp tác lưỡng đảng trong vấn đề này.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/xung-quanh-cuoc-hop-bao-dau-tien-cua-tong-thong-my/426867.vgp