Xung lực thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực

Nhấn mạnh về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đang được Hội nghị Trung ương 8, khóa XII thảo luận, GS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, Bác Hồ đã dạy lãnh đạo bằng khoa học, bằng đạo đức, bằng chính trị, bằng văn hóa nhưng lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất.

GS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN

“Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn”

Thưa GS Hoàng Chí Bảo. Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đang thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quan điểm của ông như thế nào về tầm quan trọng của quy định này?

- Đây là một điểm rất mới của hội nghị lần này. Những quy định của Đảng là cần thiết để giữ cho Đảng không chỉ vững mạnh về chính trị, về tổ chức, tiên tiến về mặt tư tưởng và bây giờ còn nhấn mạnh cả trong sáng về đạo đức.

Tiếp nối quy định trước đây về 19 điều đảng viên không được làm, lần này Đảng đã có một bước tiến rất mới, đó là quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung mà đặc biệt lại xác định cụ thể: Trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Trách nhiệm nêu gương hướng vào đối tượng cụ thể là lãnh đạo cấp cao có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, ta hãy trở lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã nói chỉ riêng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, gần 200 đồng chí này tự mình nêu gương sáng đã là chuyển động tích cực cho toàn Đảng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân. Chính vì vậy mà quy định lần này là một động lực như thế.

Thứ hai, Đảng ta đang kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để quyết tâm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, để xứng đáng với niềm tin cậy của nhân dân thì việc nêu gương của lãnh đạo cấp cao là một bước đột phá. Những người lãnh đạo cao nhất phải là tấm gương sáng nhất.

Bác Hồ đã dạy lãnh đạo bằng khoa học, bằng đạo đức, bằng chính trị, bằng văn hóa nhưng lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn.

Bản quy định này chắc chắn sẽ được Trung ương thông qua với một sự nhất trí rất cao vì đề án này quan trọng, đã được chuẩn bị từ lâu, rất công phu.

Tự mình phải trong sáng thì mới làm cho người khác trong sáng được

Khi Dự thảo tờ trình của Bộ Chính trị về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” được thông qua sẽ có động lực như thế nào, thưa ông?

- Quy định được thông qua không chỉ tạo ra được động lực phát triển trong Đảng, nhất là vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa mà nó còn là một sự cổ vũ, khích lệ rất rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân.

Mặt khác, quy định này gắn với vấn đề hết sức nhức nhối hiện nay đó là chống lại lợi ích nhóm, chống độc quyền, lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng chức vụ để mưu đồ lợi ích cá nhân, nhất là lợi dụng cương vị, quyền lực của mình để thao túng các tập thể.

Theo tôi nghĩ thông qua được quy định này, nó có tác dụng như một xung lực thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống tệ nạn xã hội mà Đảng sẽ nêu gương làm trong sạch từ trong Đảng đến trong sạch trong xã hội.

Ý nghĩa sâu xa nữa, không chỉ nhận thức về ý thức, về trách nhiệm nghĩa vụ bộ phận, từng đồng chí ủy viên lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng phải tự coi đó như một nhu cầu văn hóa, tu dưỡng đạo đức tinh thần, nói như Bác Hồ là suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân, chống giặc nội xâm, giặc ẩn nấp ở trong lòng, tự mình phải trong sáng thì mới làm cho người khác trong sáng được. Quy định này rất cần thiết đúng lúc và sẽ là một quyết định rất được lòng dân.

“Chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín” - là một trong những quy định được nêu trong Dự thảo. Xin ông cho biết những tích cực từ quy định này?

- Từ lâu, chúng ta chưa làm quen với văn hóa từ chức. Lần này quy định rất chú trọng đề cao phần tự đánh giá, tự phê bình, tự soi mình vào tiêu chuẩn chung. Các lãnh đạo cấp cao nếu cảm thấy không xứng đáng hay có khuyết điểm thì phải chủ động từ chức.

Điều này đề cao lòng tự trọng, danh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện để trở thành một nếp sống văn hóa tốt đẹp là văn hóa từ chức, chống bệnh hiếu danh, hư danh, tham quyền cố vị, thức tỉnh mỗi người để luôn luôn phải làm việc tốt.

- Xin cảm ơn ông!

HUYÊN NGUYỄN thực hiện

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/xung-luc-thuc-day-cuoc-chien-chong-tham-nhung-tieu-cuc-634363.ldo