Xung lực thi đua từ '3 thực chất'

Nhằm đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, trong đó tập trung hướng vào đột phá nâng cao chất lượng GD&ĐT với phương châm '3 thực chất', tạo phong trào thi đua sôi nổi, tự giác trong toàn học viện.

 Một giờ giảng chuyên ngành chỉ huy hậu cần ở Học viện Hậu cần.

Một giờ giảng chuyên ngành chỉ huy hậu cần ở Học viện Hậu cần.

Giờ giảng của Thượng tá Trần Thanh Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Chỉ huy Vận tải, Khoa Vận tải, các học viên đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội trình độ đại học, chuyên ngành chỉ huy vận tải (Lớp S322B) hào hứng trao đổi, thảo luận về nội dung "Công tác vận tải trung đoàn bộ binh phòng ngự". Không có kiểu "thầy đọc, trò ghi" mà thay vào đó Thượng tá Trần Thanh Nam sử dụng phương pháp đóng vai, dạy học theo tình huống và đặt một số câu hỏi có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, định hướng để học viên phân tích, trình bày quan điểm; lưu ý những nội dung trọng tâm để học viên tập trung ôn luyện. Thượng tá Trần Thanh Nam cho biết: "Đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học sẽ tạo sức hấp dẫn cho mỗi bài giảng, góp phần để học viên đạt chuẩn kiến thức, năng lực".

Sinh động, cuốn hút, khuyến khích học viên trong quá trình học tập là cảm nhận của chúng tôi khi tham dự các giờ giảng của giảng viên nhiều khoa, như: Khoa Vận tải, Khoa Doanh trại, Khoa Chỉ huy Hậu cần… Các giờ giảng được đánh giá đạt kết quả tốt. Thiếu tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng, Giám đốc học viện giải thích: "Mặc dù khối lượng nhiệm vụ GD&ĐT của học viện liên tục có sự phát triển, cơ sở đào tạo phân tán, điều kiện bảo đảm còn khó khăn... nhưng chất lượng GD&ĐT, nghiên cứu khoa học ở các cơ quan, khoa, đơn vị không ngừng được nâng lên. Đó chính là kết quả của việc cụ thể hóa phương châm "3 thực chất", gồm: Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất".

Cũng theo Thiếu tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng, để thực hiện tốt phương châm đề ra, một yếu tố quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần thi đua trong cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên trong việc dạy, học và đánh giá kết quả thực chất. Theo đó, học viện tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác GD&ĐT, trên cơ sở đó ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề lãnh đạo toàn diện công tác này, tập trung hướng vào đột phá nâng cao chất lượng GD&ĐT với phương châm "3 thực chất".

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị quản lý học viên của học viện đã quán triệt, cụ thể hóa phương châm thành các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp... phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua, mô hình, như: Câu lạc bộ khoa học trẻ, giờ học tự quản, câu lạc bộ tiếng Anh… Đặc biệt là chủ động ngăn ngừa, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, chạy theo thành tích. Để thực hiện tốt việc dạy và học thực chất, xác định dạy những gì người học cần, đơn vị cần, Đảng ủy học viện chỉ đạo Phòng Đào tạo, các khoa và bộ phận liên quan tích cực rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra từng môn học gắn với từng chuyên ngành. Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tích cực tự học, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, mẫu mực trong mối quan hệ thầy trò. Đến nay, đội ngũ làm công tác đào tạo của học viện đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, với 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó 81,2% giảng viên có trình độ sau đại học.

Thượng sĩ Trần Văn Hiệp, Lớp trưởng Lớp S222, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, chia sẻ: "Quá trình học tập, dưới sự định hướng, giúp đỡ tận tình của các giảng viên, chúng tôi vừa tiếp thu kiến thức trên lớp vừa chủ động tự học, tự nghiên cứu; tăng cường trao đổi, thảo luận và thực hành. Qua đó học thực chất hơn, trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để có thể đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ sau khi ra trường".

Nổi bật trong "3 thực chất" là việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy người học làm trung tâm. Học viện duy trì các hoạt động trao đổi học thuật, tập huấn phương pháp giảng dạy, tổ chức giảng mẫu, giảng rút kinh nghiệm đồng thời chỉ đạo các cơ quan, khoa tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng, số hóa trong giảng dạy; kết hợp linh hoạt các phương pháp giảng dạy… Trong huấn luyện chú trọng nâng cao năng lực thực hành, nổi bật là nội dung diễn tập cuối khóa gắn với chức trách, hành quân đường dài, xây dựng công trình hậu cần sát thực tiễn chiến đấu; tập trung nâng cao thể lực học viên. Trong công tác kiểm tra, đánh giá, học viện tập trung nâng cao chất lượng đề thi, kiểm tra; đa dạng các hình thức thi, kiểm tra phù hợp với từng môn học, đối tượng đào tạo nhằm đánh giá thực chất chất lượng học viên theo hướng nâng cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn…

Nhờ có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, học viện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong Phong trào Thi đua Quyết thắng các năm học. Những năm học gần đây, tỷ lệ học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi tăng cao; chất lượng nghiên cứu khoa học có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2014 đến nay, học viện đã và đang triển khai nghiên cứu 5 đề tài cấp bộ, 65 đề tài cấp ngành, 105 đề tài cấp học viện, 421 đề tài Tuổi trẻ sáng tạo và nhiều đề tài, sáng kiến cấp cơ sở.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xung-luc-thi-dua-tu-3-thuc-chat-583130