Xung khắc

Và mỗi khi chị gọi tôi về, mẹ như thể ăn mày được cho xôi gấc, hết kể bố mày thế nọ, lại nói bố mày thế kia… Còn bố thì nằm quay mặt vào tường, mặc kệ sự đời, bỏ ngoài tai những điều mẹ trần thuật đầy ấm ức với tôi...

"Kiên à, cậu có trực không, bao giờ thì cậu về?" - Lần nào gọi điện, chị gái tôi đều mào đầu bằng câu hỏi này và mỗi lần màn hình điện thoại hiện lên tên chị, tôi lại giật mình bởi điều quan trọng luôn ở sau câu hỏi kia. "Tết này em trực đợt 1, chắc trưa mồng một mới về chị ạ". "Cậu bố trí về lát được không? Nếu không năm nay chắc trên nhà mất Tết…".

Chị nói mất Tết không phải tầm quan trọng của sự có hay không cái mặt của tôi, bởi Tết nào tôi cũng chỉ về khi mọi sự chuẩn bị cho Tết đã chu đáo từ trong nhà ra đến đầu ngõ. Chị muốn tôi về để dàn hòa cho một sự xung khắc mà lần nào chị cũng chỉ biết điện cho tôi, một thằng em được học nhiều con chữ, hiểu biết nhiều cái lý lẽ ở đời. Nhưng tôi biết mỗi lần như thế, chị luôn đắn đo và bất ổn khi gọi tôi về, bởi tôi là thằng nóng tính.

Lần này, tôi không nhận thấy sự đề phòng của chị, có thể do sự việc thực sự cấp bách và phức tạp. Tôi chẳng hỏi chị thêm, chỉ chạy sang báo cáo lãnh đạo xin nghỉ tranh thủ buổi tối rồi lấy xe chạy về nhà. Nhà tôi cách cơ quan chừng 15 cây số, ở đó giờ chỉ có bố mẹ tôi.

Trời nhá nhem tối, đào quất sấn sổ hết cả lòng đường, đèn đóm trưng lên sáng quắc. Nếu bình thường chắc tôi sẽ đi rất chậm, để hít hà cái chộn rộn, xốn xang khi Tết đến rất gần. Nhưng lần này tôi chẳng có tâm trí để mà vẩn vơ. Chị đang chờ tôi ở nhà, và chắc cũng đang rối bời hệt như tôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Chị hơn tôi 4 tuổi, là chị cả của 4 người con mà bố mẹ tôi sinh ra. Tôi chưa bao giờ nói ra, nhưng quả trong lòng tôi vẫn luôn thương chị nhất với một sự hàm ơn lớn. Nếu chị không hy sinh cho 3 đứa em, chắc giờ chị đã có công việc khác, nhàn hạ hơn, thậm chí còn được người ta trọng vọng. Chị chỉ được học hết lớp 9.

Ngày ấy tôi không đủ lớn để hiểu vì sao chị chạy ra đầu hồi ngôi nhà lá cọ, thút thít khóc nhiều đêm. Tôi bảo: "Chị rõ là đồ gàn dở, người ta đang muốn không phải học để thích chơi thì chơi, thích ngủ thì ngủ. Mình chả phải học hành gì nữa, khóc lóc nỗi gì".

Sau này lớn lên, cầm tờ giấy báo tuyển thẳng vào trường cấp 3 của chị, tôi lại sụt sùi, cảm nhận rõ sự thiệt thòi mà chị nhận về phần mình. Chị là người học giỏi nhất trong 4 chị em tôi. Rồi chị quăng quật mưu sinh cùng mẹ để nuôi 3 anh em tôi ăn học.

18 tuổi chị lấy chồng. Tôi phần nào hiểu cơ duyên của mối tình đó là bởi hai ông thông gia từng có nhiều năm cùng công tác, hiểu và quý nhau, thế là tác hợp cho hai đứa trẻ nên chắc ngày đó, chị cũng chưa kịp yêu. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, tôi cũng tự cảm thấy nhẹ lòng hơn khi nhận thấy chị có một gia đình hạnh phúc, nếu không, ắt cả cuộc đời này tôi chìm trong day dứt khôn nguôi…

Nhưng chị thì mãi luôn nặng gánh với gia đình tuổi thơ của chị, dù rằng gần 20 năm nay chị đã chẳng được ở đó trọn vẹn lấy một ngày. Anh trai tôi đi bộ đội, em gái lấy chồng xa, và tôi thì mải mê để cho ra những câu chữ giữa dòng đời mơ mơ thực thực, mải miết đi tìm những ẩn ức cuộc sống để đưa lên những trang giấy với mong ước người đời biết đến mình, như ước mong của bố mẹ và cả của chị về thằng trai hiểu rộng và được học cao như tôi. Vậy nên mỗi công to việc lớn trên nhà, chị đều là người đầu tiên có mặt, cũng là người cuối cùng ở lại với bố mẹ tôi khi mọi việc đã chu toàn. Cũng như lần này, chắc chị vẫn đang ngồi trên nhà bố mẹ, để đợi tôi về.

*

Thấy ánh đèn pha ngoài ngõ, chị mỏi mệt đi ra mở cổng. Mấy đứa trẻ hàng xóm nấp sau cánh cửa len lén nhìn tôi đầy tò mò và khi biết tôi nhìn thấy, chúng co giò bỏ chạy. Sân nhà ngổn ngang đồ đổ vỡ, chiếc nồi cơm điện bật tung nắp làm những hạt cơm trắng như sương vung vãi khắp sân.

Tôi cảm nhận thấy rất rõ đầu mình đang bốc hỏa, hai bên thái dương rần giật và cảm giác đầy hụt hẫng bủa vây khắp tâm trí. Mẹ tôi ngồi cạnh mép giường, mặt thất thần, đờ đẫn. Chị ngồi ghé gần mẹ, đôi mắt vẫn đỏ hoe. "Mẹ, có chuyện gì hả mẹ?"...

Thực ra, dù không hỏi thì tôi cũng thừa biết nguyên nhân. Bố và mẹ tôi là những người khắc khẩu, câu trước câu sau đã chỉ chực muốn nhảy bổ vào nhau. Xưa ông nội tôi bảo: "Bố mày tuổi dần, mẹ mày tuổi thân là xung khắc, về ở với nhau không cãi cọ mới là chuyện lạ".

Tôi không hiểu lắm mấy thứ Kinh dịch, phong thủy của ông, chỉ thấy mỗi khi xảy ra chuyện thì thấy bố tôi hệt như cái bà bán cá ngoài chợ, còn mẹ cũng chẳng khác mấy bà mua rau đầu chợ bán rau cuối chợ là bao, đều mồm năm miệng mười, người tám lạng kẻ nửa cân. Có lần tôi nói thế, bố chỉ mặt tôi chửi: "Thằng mất dạy, thế ai đẻ ra mày, mày bòn rút xương thịt tao để học cái thói mất dạy đó hả". Tôi cười khẩy, trong đầu trộm nghĩ, thực ra bố chỉ cho tôi mỗi cái họ của bố chứ làm gì mà oai…

Đúng là tôi vẫn luôn bênh vực mẹ, một phần cũng bởi ký ức trong tôi về những ngày thơ bé thì bố luôn đi biền biệt, thi thoảng cuối tuần về là rút cái roi tre dẻo như kẹo kéo từ gác bếp xuống để trị tội anh em tôi.

Cũng lạ là ngày đó, cả tôi và anh không ai dám trèo lên rút trộm cái roi ấy ném đi, cũng chẳng ai dám bỏ chạy khi bố giơ roi ra đánh, đôi lúc chỉ thầm ước cuối tuần bố đừng về. Nhưng thực ra cả mẹ và 4 chị em tôi đều muốn bố về.

Với mẹ là bởi tình nghĩa phu thê, với chúng tôi là bởi mẹ sẽ nấu những bữa ăn ngon, còn với tất cả là bởi không khí đoàn tụ gia đình. Công việc cụ thể của bố là gì tôi không biết và cũng chẳng cần phải biết. Ngày đó tôi đâu biết cơm áo gạo tiền là gì, chỉ biết học và chơi, chuyện kiếm tiền đã có mẹ và chị lo. Tôi nghĩ thế…

Kỳ thực bố làm việc ở một cơ quan nhà nước và mẹ bảo "bố mày có tính văn nghệ sỹ…". Ngày đó tôi chẳng hiểu cái tính đó là gì và cũng không suy luận ra nổi bởi rõ ràng, bố không mang về cho chị em tôi tập thơ hay truyện ngắn nào đứng tên ông. Ông cũng chẳng có giọng hát hay và càng không am hiểu về nhạc lý. Còn những điều còn lại về bố thì tôi mù tịt.

Nhưng chị tôi biết. Chị bảo với mẹ: "Ở cơ quan có cô hay đến thăm bố và cô ấy thì xinh hơn mẹ, mẹ cứ cả đời quanh quẩn với đàn con, có ngày rồi bố chán". Tôi gân cổ cãi: "Đàn bà rõ nhiều chuyện, em chả thấy gì bất thường. Hè em lên cô ấy đưa đi ăn kem ngọt lịm. Cô ấy là người tốt ấy chứ".

Chị gí ngón tay vào trán tôi: "Mày thì được ăn là quên hết lời mẹ dặn, đâu có thèm để ý gì". Mặt tôi ngẩn ra, ừ thì đúng là trước khi tôi lên cơ quan bố chơi vào dịp nghỉ hè, mẹ có dặn dò tôi bao thứ, nào là để ý xem có những ai hay đến phòng bố chơi, có ai nấu cho bố ăn không, người ta nói với tôi như thế nào về bố...

Nhưng cứ lên đến nơi thì tôi quên tịt, hoặc giả tôi còn quá thơ dại để nhận ra cuộc sống của những người lớn. Thực ra thì mẹ biết cả, nhưng bà chọn cách im lặng. Mẹ bảo lần mẹ lên đó và cô ấy lấy xe chở mẹ đi chợ, có người nói với theo rằng bà hai đưa bà cả đi đâu thế. Mẹ nói với cô: "Kệ người ta em ạ, họ nói sao thì nói, nghĩ gì thì nghĩ, còn chị lúc nào cũng coi em như em gái chị thôi…".

Tôi nghĩ những phụ nữ sinh ra ở làng và lớn lên ở quê như mẹ thường vẫn cư xử với người ngoài theo cái cách tự nhận về mình phần thiệt thòi như thế. Còn mẹ bảo tình cảm giữa hai người khác giới ngày ấy, đôi khi chỉ để bù đắp cho những trống vắng, không vụ lợi, không ích kỷ và mang nhiều tình nghĩa. Vì thế sau này, khi bố đã nghỉ và cô ấy đã có cả một gia đình, năm một lần cả nhà cô lại về thăm bố mẹ tôi, mang cho tôi những cuốn tiểu thuyết kinh điển mà tôi ao ước, để tôi lại có dịp vênh vang với mẹ rằng, đấy, con nhận định về cô ấy có sai đâu!

Ấy là chuyện của những ngày trước và với những người ngoài, nó khác xa khi bố không còn công tác…

Mẹ là con người của công việc, quanh năm lam lũ cấy cày. Cứ như thể nếu không có đồng đất, hoa màu, chắc bà sẽ như một cái cây, chết héo khô vì không có nước. Cũng vì thế mà hiển nhiên bà không phải mẫu người của gia đình và cũng chẳng khó để hiểu vì sao nhà tôi lúc nào cũng bừa bộn từ gầm giường ra đến cổng.

Đúng là khi người ta có quá nhiều việc phải làm cùng lúc, hẳn không thể hoàn thành tốt tất cả mọi thứ, nó cũng giống như khi có quá nhiều mối quan hệ cần để tâm, có quá nhiều người cần chăm sóc, nhất định sẽ bỏ quên một thứ hay một vài người. Mẹ trách bố chẳng làm việc nhà giúp mẹ, bố bảo việc nhà cửa, bếp núc là của cánh đàn bà. Vậy là thành bất đồng, rồi xung khắc… Và khi những đốm lửa nhỏ vẫn cứ âm ỉ cháy, đến lúc gặp cơn gió nhẹ ắt ngọn lửa sẽ bùng lên.

Và mỗi khi chị gọi tôi về, mẹ như thể ăn mày được cho xôi gấc, hết kể bố mày thế nọ, lại nói bố mày thế kia… Còn bố thì nằm quay mặt vào tường, mặc kệ sự đời, bỏ ngoài tai những điều mẹ trần thuật đầy ấm ức với tôi.

Tôi chẳng tin những điều mẹ nói, chính xác hơn là tôi chẳng tin sự việc chỉ có thế, bởi phàm là người đời thì ai cũng vậy, luôn lảng tránh với những khuyết điểm của bản thân mình. Nhưng vấn đề là tôi không nghĩ điều đó là xấu, mà coi đó là cách để những người yếm thế như mẹ tự bảo vệ trước sóng gió cuộc đời. Vậy nên về đấy, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu.

Lần nào tôi cũng đứng giữa nhà mà khóc, khi rơm rớm nước mắt, lúc thì gào lên. Tôi bảo nếu bố mẹ không còn thương nhau, thì phải thương lấy thằng con này chứ. Ở cái xóm nghèo bươm như xơ mướp này, chỉ có nó là cán bộ nhà nước, dù chẳng phải ông nọ bà kia nhưng đi đâu cũng được người ta quý cả, thế mà lại để không dám vác mặt về quê sao; rồi nếu cơ quan biết chuyện, thì nó còn mặt mũi nào để mà ngẩng lên rao giảng sự đời… Mẹ im lặng trong những lúc tôi như thế. Còn bố, lần thì để mặc tôi thích nói gì thì nói, lần thì khùng lên: "Mày đi đi…".

Ờ thì tôi đi. Tôi đi trong ánh đèn đường đã hiu hắt cả, tôi đi trong cái lạnh tái tê, tôi đi với bờ mi ướt đẫm như sương. Có lần tôi điện cho anh tôi, vừa khóc vừa nói không thành tiếng. Anh bảo: "Chú là đàn ông, khóc lóc là trò của mấy đứa đàn bà đấy chứ, ủy mị vừa vừa thôi, rồi đâu khắc có đó". Anh gọi tôi là chú, cũng như chị tôi gọi tôi là cậu, cả gia đình bên chồng chị đều gọi tôi là cậu. Chị đã có những đứa con để gọi tôi bằng cái danh từ chung đấy. Tôi nghĩ, nếu sau này tôi lấy vợ, có con, chắc tôi cũng không đủ quen để gọi chị tôi là bá vì chỉ mới có nghe thôi, đã thấy nó xa lạ làm sao…

*

Nhưng lần này thì tôi không đi, mặc cho bố coi tôi như một thằng bị bệnh hủi. Ông chửi tôi là đồ mất dạy, rằng "mày cút ra khỏi nhà tao và đừng bao giờ bước vào cái nhà này nữa…". Ông sừng sộ khi thấy tôi trút hết uất ức, sổ hết tâm can chồng chất và dồn ứ bấy lâu nay.

Tôi bảo có giỏi thì ra ngoài thiên hạ mà xưng hùng, xưng bá, chứ ở nhà đánh vợ chửi con thì chỉ nhục cái mặt… Ông nổi điên bê nguyên chiếc ghế gỗ ném về phía tôi, tôi chẳng tránh vì biết rằng chẳng bao giờ ông ném trúng. Chị chạy ra hết ôm lấy bố đẩy vào nhà lại đẩy tôi ra ngoài ngõ, còn tôi thì cứ tiến vào, hệt như một trận thư hùng long tranh hổ đấu và thêm cả món võ mồm.

Quả tôi là người nóng tính, và khi tính nóng ngút lên thì đúng cũng nhanh chóng thành sai. Mẹ thì chỉ biết khóc và quay sang trách chị: "Tao bảo mày đừng gọi nó về nhưng mày không nghe, giờ mới ra cơ sự này". Rồi tôi vào nhà, nhét vội mấy bộ quần áo của mẹ vào cái túi bao bố, bảo "Mẹ xuống ở với con, không thể sống mãi trong cái cảnh này được". Mẹ giằng cái túi từ tay tôi: "Tao không đi đâu cả, nhà tao tao ở, sao lại phải đi".

Khi đã trấn tĩnh ngồi vào chiếc ghế đá kê ở góc sân, tôi và chị trân trân nhìn vào im lặng, thả hồn vào những lát cắt muôn màu của cuộc sống gia đình và cố công chắp nối từng mảnh ghép để tự giải vây cho chính bản thân mình.

Khoảng lặng đó đưa tôi trở về những ngày chị nhường lại mái trường, sách vở, thầy cô cho chúng tôi: "Nhà mình nghèo quá Kiên ạ, cơ quan bố chẳng có việc, cả năm nay bố chẳng có lương. Mày gắng mà học để sau này không phải sống khổ sống sở thế này". "Thế còn chị?", tôi hỏi. "Tao phận gái, sướng khổ tùy duyên phận, nhưng mày thì không như thế được…".

Những dấu vết, kỷ niệm xưa cũ cứ trồi ngược tâm trí tôi. Tôi không đi học, tôi xách giỏ theo anh tới các cánh đồng mênh mông nước trắng mò cua bắt cá rồi mang ra chợ làng bán. Chị ném những đồng tiền lẻ vào mặt tôi, bảo "Mày đi kiếm tiền như thế này, mãi mãi cũng chỉ là thằng khố rách áo ôm thôi Kiên ạ". Mẹ chửi tôi, bố đánh tôi, và ông giẫm bẹp nát những cái giỏ của anh em tôi.

Tâm trí tôi hiện vụt lên những hình ảnh ngày tôi vào đại học, mẹ rơm rớm khóc khi bán cả cặp bò cày, phần thương tôi phải rời xa vòng tay bao bọc của bà, phần vì tiếc cặp bò đã gắn với đồng đất của bà mười mấy năm qua. Những năm tôi bôn ba theo con chữ nơi phố xá phồn hoa là những tháng ngày bố mẹ tôi vật vã để mỗi tháng có tiền trăm tiền triệu cho tôi ăn học.

Rồi tôi tốt nghiệp, hồ hởi cầm tấm bằng còn thơm mùi mực đi xin việc và hụt hẫng khi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bố lặng lẽ tìm đến những người quen cũ để nhờ cậy rồi bảo: "Bố mẹ chỉ có thể cho mày đi học con chữ, xin cho mày cái việc để làm, còn không cho mày nên ông nên bà được, phải tự thân thôi con ạ".

Chị dúi vào tay tôi cái phong bì: "Của anh chị để cậu lấy may, cả nhà chỉ biết trông đợi ở cậu". Tôi cảm nhận rõ áp lực của những kỳ vọng ngay từ khi có việc, kỳ vọng vào tôi và cho chính bản thân tôi. Nhưng cuộc sống nào được như những ước mong. Tôi thích vẩn vơ như những gã thi sỹ nửa mùa, tôi ghét luồn cúi nên mãi chẳng ai để ý đến tôi.

Được mấy năm tôi chán cảnh đi thuê nhà. Tôi dành tiền mua nhà ở thành phố, nhưng tính lại mới thấy đến lúc nghỉ hưu cũng chẳng đủ tiền. Rồi bố gửi sổ đỏ ra ngân hàng sau khi nghe tôi nịnh nọt: "Bố cứ vay hộ con, hằng tháng con sẽ trả tiền lãi".

Nhưng nhiều năm, tiền tôi làm ra chỉ đủ trang trải cuộc sống của bản thân tôi. Tôi miên man nghĩ, thấy môi mình mằn mặn, cảm nhận rõ gánh nặng cuộc đời bố mẹ chính từ những đứa con như tôi. Những hạt mưa bụi lất phất bay, trắng xóa trên mái đầu của chị. "Thôi cậu vào nhà nghỉ đi, sáng mai xin lỗi bố một câu. Nước mắt nào cũng chảy xuôi thôi cậu ạ. Với lại Tết rồi, đừng để cả nhà mất tết".

*

5 giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu eng éc. "Bố mày bảo mày xin cơ quan xuống muộn chút, nhà mình năm nay ăn đụng lợn cùng hàng xóm, mày chờ để mang ít thịt thà xuống, Tết nhất cũng phải khác ngày thường" - Mẹ bảo tôi, như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Mà thực ra bố mẹ tôi vẫn thế, sự xung khắc đến rồi đi cũng đơn giản như cuộc đời của mẹ.

Tôi vào bếp, lấy củi rúc thêm vào bếp lửa. Những chiếc bánh chưng vuông, bánh chưng tày mẹ gói tự bao giờ, sôi sùng sục trong chiếc nồi gang lớn, mùi thơm náo nức cả gian bếp nhỏ. Tôi lấy xe chạy lên chợ huyện mua chiếc nồi cơm mới, tranh thủ vác thêm cành đào phai e ấp đầy nụ xuân về đặt ngay ngắn lên góc án gian…

Chỉ còn mấy chục giờ đồng hồ nữa tôi sẽ thêm một tuổi mụ, và bố mẹ tôi sẽ một thêm già…
Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/xung-khac-534687/