Xung đột Ukraine khiến Mỹ lo thiếu hậu cần nếu có chiến tranh ở châu Á

Tài liệu của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng lực lượng Mỹ thiếu năng lực tái nạp và tái vũ trang ở châu Á nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Tàu khu trục USS Kidd của Hải quân Mỹ đang nạp nhiên liệu từ tàu USNS Guadalupe trên Thái Bình Dương năm 2020. (Ảnh: US Navy)

Tàu khu trục USS Kidd của Hải quân Mỹ đang nạp nhiên liệu từ tàu USNS Guadalupe trên Thái Bình Dương năm 2020. (Ảnh: US Navy)

Đánh giá này của Lầu Năm Góc có trong tài liệu lập kế hoạch dài hạn cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI) đã được nộp lên Quốc hội Mỹ từ giữa tháng 4.

“Thực trạng hiện nay là năng lực hậu cần chưa đủ để hỗ trợ các hoạt động cụ thể trong môi trường xung đột”, tài liệu nêu rõ.

Sau khi Mỹ đánh giá vấn đề hậu cần trở thành "gót chân Achilles" của quân Nga ở Ukraine, Lầu Năm Góc đang cố gắng áp dụng bài học này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

PDI được soạn từ năm ngoái để tăng cường thế trận và năng lực sẵn sàng của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sáng kiến này sẽ tăng cường ngân sách cho các hoạt động chuẩn bị nhằm đối phó với sự tích lũy sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở khu vực.

Lầu Năm Góc ước tính PDI cần 27,1 tỷ USD trong 5 năm, bắt đầu từ năm tài khóa 2023, trong đó 1,02 tỷ USD sẽ dành cho hoạt động hậu cần.

Lượng đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế có thể dự trữ ở các vị trí tiền phương trước khi nổ ra xung đột sẽ đóng vai trò quan trọng đối với năng lực tiếp tế cho quân Mỹ. Nếu xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tìm cách chặn Mỹ tiến vào chuỗi đảo thứ 2, bắt đầu từ nhóm đảo Ogasawara của Nhật Bản xuống đảo Guam của Mỹ và Papua New Guinea.

Trong trường hợp đó, các máy bay vận tải và tiếp liệu được cử đi tái nạp cho quân Mỹ có thể sẽ bị tấn công.

“Hậu cần, hậu cần, hậu cần”, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger nhấn mạnh trong chuyến thăm Úc vào tháng trước, khi được hỏi về những bài học rút ra từ cuộc xung đột ở Ukraine. “Đó là yếu tố hạn chế, nhưng cũng là yếu tố thúc đẩy bạn có thể đi xa và đi nhanh đến đâu. Đó không thể là điều cuối cùng bạn phải lên kế hoạch”, ông Berger nói.

Lầu Năm Góc đề xuất mở rộng kho nhiên liệu tại căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Iwakuni, và kho nhiên liệu ở căn cứ không quân Yokota ở Tokyo, Nhật Bản.

Đề xuất này cho thấy Mỹ dự báo sẽ xảy ra khủng hoảng quân sự ở eo biển Đài Loan hoặc biển Hoa Đông.

PDI cũng sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa ở đảo Guam để đối phó với tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh và hành trình của Trung Quốc. Guam đóng vai trò quan trọng về hậu cần của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Một trong những lý do khiến Mỹ đánh giá năng lực hậu cần của họ ở châu Á chưa đủ là sự thay đổi gần đây về bố trí lực lượng theo hướng mau lẹ và phân tán hơn.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đang chuẩn bị cho việc phân tán lực lượng dọc chuỗi đảo thứ nhất, bắt đầu từ đảo Okinawa của Nhật xuống Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines. Thay đổi này liên quan đến việc lập các các căn cứ tạm thời cho tên lửa chống hạm, phòng không và thu thập thông tin tình báo, để sử dụng trong một thời gian ngắn trước khi chuyển sang vị trí tiếp theo.

Kho vũ khí ngày càng lớn và hiện đại của Trung Quốc cũng làm phức tạp vấn đề. Lực lượng Mỹ sẽ cần tái cung cấp vào những lúc không thể kiểm soát hoàn toàn vùng trời hoặc vùng biển. Tên lửa Trung Quốc có thể tấn công mạng lưới hậu cần của Mỹ, làm chậm đáng kể các chiến dịch quân sự.

Đưa quân tiếp viện từ Bờ Tây của Mỹ đến Đông Bắc Á mất khoảng 3 tuần, nhưng năng lực tên lửa của Trung Quốc có thể ngăn cản hoạt động này.

“Bây giờ Mỹ rõ ràng đã mất ưu thế vượt trội trên biển, vì thế họ cần các đồng minh như Nhật Bản tăng cường hộ trợ hậu cần trong những tình huống nguy cấp”, Patrick Cronin, một chuyên gia về an ninh châu Á tại Viện Hudson ở Washington, nhận định.

Bình Giang

Theo NK

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xung-dot-ukraine-khien-my-lo-thieu-hau-can-neu-co-chien-tranh-o-chau-a-post1435629.tpo