Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Hệ lụy nào cho Việt Nam

'Thương chiến Mỹ - Trung chỉ đem lại cho Việt Nam một chút lợi thế ít ỏi, không có tác dụng lâu dài đối với nền kinh tế'.

TS. Trần Toàn Thắng.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia đã có nhận định như vậy trong buổi chia sẻ về ‘‘Thương chiến Mỹ - Trung và tác động với Việt Nam’’ được tổ chức bởi Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ai đứng sau thương chiến Mỹ - Trung?

Theo TS. Trần Toàn Thắng, người giữ vai trò “thức tỉnh” chính quyền Mỹ về Trung Quốc chính là Giáo sư Peter Navarro - một người có tiếng nói trong chính quyền Tổng thống Trump.

GS. Peter Navarro từng giữ vị trí cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và chịu trách nhiệm về chính sách thương mại và sản xuất. Quan điểm của ông đã tác động nhiều đến Tổng thống Donald Trump. Với những phân tích của mình, GS. Navarro đã đưa ra một số đề xuất với 6 điểm. Đó là: Tránh bị “giết chết” bởi hàng giá rẻ Trung Quốc; tước bỏ vũ khí hủy diệt việc làm của Trung Quốc; giải quyết thao túng tiền tệ, chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Trung Quốc, chặn Trung Quốc lạm dụng quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc, cải tổ các phái đoàn ngoại giao với trọng tâm đối kháng Trung Quốc; dùng phân quyền làm yếu tố chính của chính sách đối ngoại Mỹ; phân tán đầu tư không tập trung, hạn chế xuất khẩu công cụ kiểm duyệt Internet; không thể thắng Trung Quốc bằng số lượng và sức mạnh công nghiệp mà phải thắng bằng chất lượng sản phẩm của Mỹ.

TS. Trần Toàn Thắng chỉ ra rằng, xét về bối cảnh Trung Quốc, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, nước này đã có những bước chuyển mình ấn tượng, từ “giấu mình chờ thời” sang “bành trướng”. Cùng lúc đó, Trung Quốc phát triển thương mại bùng nổ, tiến vào châu Mỹ Latinh, mua các công ty công nghệ, ép nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ… Trung Quốc đồng thời công bố nhiều chương trình lớn khiến nhiều nước phải ‘‘dè chừng’’ như ‘‘Vành đai & Con đường’’ và ‘‘Made in China 2025’’. Đó là những lý do khiến chính quyền Tổng thống Trump đã ‘‘không ngần ngại’’ phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Một chút lợi thế

Một năm sau thương chiến Mỹ - Trung, nhiều người cho rằng, Việt Nam là nước hưởng lợi. Tuy nhiên, theo TS. Toàn Thắng, thương chiến Mỹ - Trung chỉ đem lại cho Việt Nam một chút lợi thế ít ỏi, không có tác dụng lâu dài đối với nền kinh tế. Không những thế, điều này còn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ, rủi ro khác.

Để có được một số lợi thế nhất định từ Thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trong khu vực. (Nguồn: Asiantimes)

TS. Trần Toàn Thắng cho biết, thương chiến Mỹ - Trung đã tạo lỗ hổng thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng trong ngắn hạn. Theo đó, có một số nhóm ngành của Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, khiến cho Trung Quốc mất thị phần, cụ thể như nhóm các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất.

Tuy vậy, những lợi ích về thương mại trên sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Việc nhiều doanh nghiệp chuyển thị trường sang Việt Nam khiến công suất xuất khẩu không đáp ứng kịp thời, có thể dẫn đến việc chuyển hướng thương mại từ các doanh nghiệp này. Như vậy, lợi ích cho Việt Nam sẽ không thay đổi so với trước thương chiến Mỹ - Trung.

Xét về FDI, TS. Trần Toàn Thắng khẳng định, chưa có đủ cơ sở để kết luận FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện tại, dòng FDI đầu tư vào Trung Quốc vẫn lớn. Tuy có nhiều dấu hiệu FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh thuế quan, nhưng nhiều ngành hàng khó tận dụng được ‘‘lỗ hổng xuất khẩu của thị trường Mỹ’’. Điển hình như nhóm các công ty dệt may sẽ không được hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại, bởi ngay cả khi bị Mỹ áp thuế đến 25% thì sản phẩm dệt may của Việt Nam vẫn không đủ hấp dẫn so với sản phẩm của Trung Quốc.

Cạnh tranh gay gắt trong khu vực

Bên cạnh đó, TS. Thắng cũng khẳng định, trên thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa mang đến tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển sản xuất. Tác động của thương chiến Mỹ - Trung lên GDP và FDI toàn cầu sẽ không đến ngay trong năm 2019. Muốn biết chính xác điều này, phải chờ đến năm 2020 - 2021 hoặc sau đó, để có thể kết luận rằng, xu thế dịch chuyển FDI có thực sự diễn ra hay không.

TS. Thắng dự đoán, nếu xu thế đó thực sự xảy ra, để sở hữu dòng vốn FDI, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia – những quốc gia cũng có rất nhiều lợi thế. Ngoài ra, nếu kịch bản Việt Nam trở thành ‘‘người chiến thắng’’ thì doanh nghiệp FDI ở Việt Nam mới là đối tượng thực sự được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến này.

Dựa trên phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, TS. Thắng cho biết, thời điểm khó khăn nhất với kinh tế toàn cầu và Việt Nam có thể là 2021 - 2022. Tăng trưởng GDP dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung từ năm 2020 đến hết năm 2022 được dự báo sẽ lần lượt sụt giảm 0,4%; 0,36% và 0,29%. Mức sụt giảm với xuất khẩu hàng hóa dịch vụ ở mức 0,89%; 0,91% và 0,82%. Tỷ giá tiền đồng Việt Nam được cho sẽ tác động không nhiều, mức tác động sụt giảm ước lần lượt là 0,57%; 0,52% và 0,38%.

Nói thêm về thương chiến Mỹ - Trung, TS. Trần Toàn Thắng khẳng định, khó có thể mong chờ về một kết thúc cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vào năm 2019. Bởi phía đàm phán Trung Quốc vẫn còn chờ đợi sự thay đổi trên chính trường Mỹ để có thể quyết định về các vấn đề thương mại.

Linh Nguyễn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-thuong-mai-my-trung-he-luy-nao-cho-viet-nam-98676.html