Xung đột tại Nagorno-Karabakh: Suy giảm vai trò, Nga có tiếng nói chung với Mỹ?

Chiến sự tại Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực hòa giải của Nga. Cuộc chiến này cho thấy Nga đã giảm ảnh hưởng trong khu vực. Giờ là lúc Washington muốn đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải.

Chiến sự tại Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực hòa giải của Nga. Ảnh: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AP)

Chiến sự tại Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực hòa giải của Nga. Ảnh: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AP)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa có các cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov và Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan trong hai ngày 20 và 21/10 tại Moscow. Tuy nhiên, hai ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia đã không có cuộc gặp gỡ trực tiếp nào tại thủ đô nước Nga.

Mục tiêu của việc các nhà ngoại giao hàng đầu hai quốc gia đang xảy ra xung đột đến Moscow là làm thế nào để duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh - thỏa thuận có được sau cuộc đàm phán khó khăn kéo dài trong 11 giờ đồng hồ hôm 9/10 giữa Ngoại trưởng Lavrov với hai người đồng cấp từ Azerbaijan và Armenia.

Thỏa thuận đó đã không kéo dài được bao lâu, và chiến sự lại tiếp diễn gần như ngay lập tức; cả Azerbaijan và Armenia đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Một nỗ lực tiếp theo của Nga chỉ vài ngày sau đó để thiết lập thỏa thuận ngừng bắn thứ hai cũng đã thất bại.

Cuộc chiến ở Nam Caucasus đã diễn ra từ hơn 3 tuần qua là cuộc chiến tồi tệ nhất giữa Azerbaijan và Armenia kể từ năm 1994.

Cho tới nay, chính phủ Armenia cho biết đã có hơn 870 binh sỹ nước này thiệt mạng, trong khi chính phủ Azerbaijan không cung cấp số liệu về tổn thất của lực lượng quân đội, chỉ cho biết đã có hàng chục dân thường thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Cả hai quốc gia đều cáo buộc nhau khơi mào cuộc chiến.

Nhân tố mới Ankara

Trong một thời gian dài, Nga đã đảm nhiệm vai trò người "giữ bình yên" trong khu vực, đảm bảo cuộc xung đột nguy hiểm tại Nagorno-Karabakh không bùng phát trở lại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1994, Moscow đã giúp Azerbaijan và Armenia đạt được một hiệp định đình chiến. Tháng 4/2016, khi một cuộc giao tranh mới giữa hai quốc gia này nổ ra, Moscow đã phản ứng một cách nhanh chóng với sự trung gian hòa giải của Tổng thống Vladimir Putin. Và chỉ 4 ngày sau khi cuộc xung đột nổ ra, hai quốc gia láng giềng này đã đồng ý ngừng bắn.

Nhưng 4 năm sau cuộc xung đột năm 2016, tình hình đã không còn dễ dàng như vậy. Moscow vẫn coi mình là nhà trung gian hòa giải, nhưng rõ ràng lần này nếu chỉ mình Nga thôi sẽ không thể đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài mới. Sự suy giảm ảnh hưởng của Nga trước hết là do một nhân tố mới - Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc chiến lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng về phía Azerbaijan, thậm chí Ankara còn hỗ trợ Baku bằng việc cử lính đánh thuê từ Syria và Libya tới chiến đấu bên cạnh lực lượng quân sự của Azerbaijan. Theo các nhà phân tích, việc sử dụng lính đánh thuê từ Syria được coi như hành động làm tổn hại tới uy tín của Nga, vì tại Syria, giới lãnh đạo Moscow luôn nhấn mạnh rằng họ đã thành công trong cuộc chiến chống lại các tay súng thánh chiến, được coi là "các phần tử khủng bố"; nhưng giờ đây các tay súng này lại đang được triển khai trực tiếp tới tận biên giới của Nga.

Với sự can thiệp của Ankara, Moscow không còn có thể duy trì mối quan hệ cân bằng kéo dài hàng thập kỷ giữa hai quốc gia láng giềng Azerbaijan và Armenia được nữa. Trong cuộc xung đột này, từ lâu Nga đã có vai trò "kép".

Một mặt, cùng với Mỹ và Pháp trong nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga đã tích cực thúc đẩy hòa bình ở Nagorno-Karabakh từ những năm 1990. Trong thực tế, Washington và Paris gần như đã rút khỏi vai trò này, nhường lại cho Moscow đảm nhiệm vị trí trung gian hòa giải.

Trong thời gian dài, Nga đã đảm nhiệm vai trò người "giữ bình yên" trong khu vực, đảm bảo xung đột Nagorno-Karabakh không bùng phát trở lại.

Mặt khác, Nga đã sử dụng mối quan hệ với cả Azerbaijan và Armenia để ràng buộc họ, đồng thời trang bị vũ khí cho họ. Nga có mối quan hệ chặt chẽ với Armenia. Cả hai nước đều nằm trong liên minh quốc phòng Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Moscow quản lý một căn cứ quân sự ở Armenia, thường xuyên cung cấp cho nước này vũ khí, khí đốt giá rẻ và các khoản vay ưu đãi.

Còn với Azerbaijan, Nga có mối quan hệ láng giềng tốt. Tổng thống Ilham Aliyev cũng có quan hệ cá nhân tốt đẹp với người đứng đầu Điện Kremlin. Nga cung cấp cho quân đội Azerbaijan nhiều vũ khí hiện đại như xe tăng, trực thăng tấn công và các hệ thống tên lửa phòng không, nhưng với giá thị trường.

Nhưng người ta nhận thấy rằng sự thất vọng tại Azerbaijan ngày càng gia tăng khi trong những năm gần đây, Armenia đã xây dựng các khu định cư trong khu vực mà nước này chiếm đóng ở Nagorno-Karabakh. Armenia coi vùng lãnh thổ này là khu vực bảo vệ quan trọng. Nhóm Minsk đã đề nghị Yerevan trao trả vùng lãnh thổ này cho Baku, nhưng đã không có động thái nào như vậy từ Armenia trong suốt những năm qua.

Lựa chọn nào cho Moscow?

Moscow hiện đang đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ ở Syria và Libya, mà còn ở Caucasus. Chỉ là lần này cuộc đối đầu giữa hai nước lại xảy ra ngay tại khu vực được coi là thuộc phạm vi "sân sau" của Nga. Điều này khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Chuyên gia chính trị Arkadij Dubnow tại Moscow cho rằng: "Điều tốt nhất với Nga là tình hình trở lại nguyên trạng như cũ, nhưng đã quá muộn". Azerbaijan liên tục thông báo rằng đã chiếm được các khu định cư ở Nagorno-Karabakh - tất nhiên các thông tin này thường không được kiểm chứng độc lập.

Dubnow nhận định: "Nhân tố đang ngăn cản Tổng thống Aliyev đàm phán về một lệnh ngừng bắn thực sự chính là Thổ Nhĩ Kỳ". Moscow phải làm sao chuyển tải được thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Aliyev, rằng "chiến tranh không phải là cách thức đúng đắn để giải quyết cuộc xung đột này", mà phải là đàm phán.

Các lựa chọn của Moscow có vẻ như không thật sự tốt. Nếu đứng về phía Armenia như yêu cầu của Yerevan thì sẽ đánh mất đi mối quan hệ tốt đẹp với Azerbaijan, và càng đẩy Baku vào vòng tay của Ankara. Hậu quả có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Nam Caucasus, điều này hoàn toàn không có lợi cho Moscow.

Nếu Nga rút khỏi vai trò nhà trung gian hòa giải, và giả dụ Azerbaijan thành công trong việc đạt được mục đích của mình thì Baku sẽ không biết ơn Moscow mà biết ơn Ankara, đơn giản vì Ankara đã tích cực hỗ trợ Baku trong cuộc chiến này. Và tất nhiên, Armenia cũng sẽ quay lưng lại với Nga.

Cho tới nay, Moscow đã thành công khi ngăn được Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán. Tổng thống Putin đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, nhưng Điện Kremlin sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng Ankara sẽ không thể có vai trò tương đương (các bên liên quan khác) trong các cuộc đàm phán.

Tất nhiên để thực hiện điều đó, ông Putin phải đáp ứng ít nhất một phần yêu sách của Baku, có nghĩa là Armenia phải nhường lại vĩnh viễn các phần lãnh thổ cho Azerbaijan. Do đó, Yerevan đang đứng trước áp lực lớn, và cũng như Baku, họ không sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao sau các cuộc đàm phán mới ở Moscow.

Đàm phán ở Washington

Giờ đây Armenia cũng muốn vận động cho quan điểm của họ ở Washington D.C, vì nơi đây diễn ra các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan với Ngoại trưởng nước chủ nhà Mike Pompeo (vào ngày 23/10). Yerevan hy vọng rằng quốc gia lớn nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tạo được ảnh hưởng tới đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của mình.

Nhưng cho tới nay, ngoài những lời kêu gọi, chính phủ của Tổng thống Donald Trump phản ứng rất kìm chế và thận trọng trước cuộc bầu cử Tống thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới đây.

Đại sứ Nga tại Mỹ nhấn mạnh rằng Moscow ủng hộ các cuộc đàm phán của Ngoại trưởng Pompeo với các nhà ngoại giao từ Armenia và Azerbaijan. Có rất ít vấn đề mà Nga và Mỹ cùng có tiếng nói chung, và một thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh là một trường hợp như vậy.

(theo TTXVN/Spiegel)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-tai-nagorno-karabakh-suy-giam-vai-tro-nga-co-tieng-noi-chung-voi-my-127166.html