Xung đột âm ỉ ở Ấn Độ quanh chuyện phụ nữ bị cấm vào đền thiêng

Đền Sabarimala ở Ấn Độ trở thành mặt trận đấu tranh bình đẳng giới khi Tòa Tối cao cho phép phụ nữ vào đền nhưng những người biểu tình, được đảng cầm quyền ủng hộ, nỗ lực cản trở.

Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền đang đưa chính họ vào tình trạng rối loạn ở bang Kerala và hy vọng tận dụng tranh cãi ở đây để thu hút sự ủng hộ. Tại bang Kerala, những người bảo thủ phản đối cho phép phụ nữ được vào đền Sabarimala, một trong những địa điểm hành hương của đạo Hindu lớn nhất cả nước.

Sau khi không thể thắng dù chỉ một trong 20 ghế quốc hội tại bang này vào dịp bầu cử 2014, đảng BJP nuôi hy vọng sẽ làm tốt hơn với cuộc bỏ phiếu 2019 bằng cách ủng hộ làn sóng kích động. Hàng nghìn người biểu tình đã bị chính quyền bang Kerala bắt giam.

“Ở Kerala đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa niềm tin tôn giáo và sự dã man của chính quyền bang. Hơn 2.000 nhà hoạt động và nhân công từ BJP, RSS (Tổ chức Tình nguyện Quốc gia gần gũi với đảng BJP) cùng nhiều tổ chức khác đã bị bắt. BJP kiên quyết ủng hộ các tín đồ. Chính quyền cánh tả hãy lấy đây là lời cảnh báo”, NDTV dẫn lời phát biểu của Chủ tịch BJP Amit Shah hồi tháng 10.

Phụ nữ Ấn Độ tham gia biểu tình yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm nữ giới vào đền Sabarimala. Ảnh: Reuters.

Theo South China Morning Post, không chỉ riêng BJP, cả đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập, thất bại trong cuộc bầu cử 2014, cũng đang ủng hộ những giáo sĩ chính thống chống lại việc cho phụ nữ vào đền thờ bằng mọi giá. Nhiều đảng đối lập khác cũng hy vọng có lợi từ tình trạng kích động.

Tín ngưỡng hay pháp luật?

Trong nhiều năm qua, phụ nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt (10-50 tuổi) không được phép vào đền. Lệnh cấm trở thành luật vào năm 1972 và Tòa Cấp cao bang Kerala đã phê chuẩn. Tuy nhiên, hồi tháng 9, Tòa Tối cao dỡ bỏ điều lệ này.

Chánh án Tòa Tối cao Dipak Misra nói rằng lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử với phụ nữ không phải “một phần thiết yếu” trong đạo Hindu mà là một dạng thức của “chế độ gia trưởng trong tôn giáo”.

Quyết định đã châm ngòi cho sự phẫn nộ của người biểu tình. Những người này cho rằng phụ nữ đặt chân vào khu vực đền sẽ làm “ô uế” nơi thờ vị thần Ayyappa độc thân.

Nhóm biểu tình phản đối phụ nữ chặn đường vào đền Sabarimala. Ảnh: AFP.

Đền Sabarimala được coi là một trong những đền thiêng nhất của đạo Hindu, mỗi năm đón khoảng 17-30 triệu tín đồ. Một số nguồn còn cho rằng số khách thăm đền hàng năm lên tới 50 triệu người.

Ông Pinarayi Bijayan, Thủ hiến bang Kerala, cho biết chính quyền sẽ thi hành quyết định của Tòa Tối cao, dù ông không nói rõ cách thức thực hiện. Điều này làm dấy lên nhiều suy đoán, thậm chí có người nghĩ rằng phụ nữ sẽ được đưa vào đền bằng trực thăng.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị phản đối, Tòa Tối cao sẽ xem xét lại phán quyết vào ngày 22/1/2019. Cả đảng BJP và đảng Quốc đại đã khuyên chính quyền bang Kerala đợi đến lúc tòa đưa ra quyết định cuối cùng trước khi có động thái mới.

Quyết tâm dâng được lễ

Ngày 16/11, đền bắt đầu mở cửa đón tín đồ ghé thăm trong mùa hành hương kéo dài 62 ngày. Trupti Desai, một nhà hoạt động nữ, đã đề nghị cảnh sát bảo vệ cô trong chuyến thăm đền. Desai nói vói tờ Hindu rằng cả 7 người trong nhóm của cô đều bị đe dọa bởi “quan chức của RSS, BJP, đảng Quốc đại và tín đồ thờ thần Ayyappa”.

Desai cho hay không muốn làm tổn hại niềm tin của bất cứ ai, nhưng cô sẽ kiên trì đến khi được dâng lễ tại đền.

“Kể từ khi thông báo quyết định thăm đền, tôi đã phải hứng chịu nhiều lời dọa giết và chửi mắng liên tiếp. Một số chứa những hình ảnh bạo lực, máu me, đe dọa chặt chân tay chúng tôi nếu chúng tôi dám đặt chân tới Kerala”, tờ Hindu trích lời nhà hoạt động.

Cảnh sát ném đá lại người biểu tình chống đối phụ nữ. Ảnh: AP.

Vì Tòa Tối cao chưa đình chỉ phán quyết đưa ra hồi tháng 9, phụ nữ được phép vào đền từ nay đến khi có quyết định cuối cùng, tức tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, họ và những người ủng hộ vẫn chưa thể vượt qua đám đông biểu tình.

Đảng BJP đang tập trung vào Kerala với mục tiêu nâng tổng số ghế tại hạ viện lên 400 sau cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 5/2019. Năm 2014, đảng này thắng 282 trong tổng 543 ghế nhưng Thủ tướng Narendra Modi đã giúp tăng số ghế lên 336 nhờ liên minh.

Đảng BJP đang quyết tâm xoay dư luận theo chiều theo hướng có lợi trong lúc gần đây người dân có một số bất bình với chính phủ. Mặt trận chính của đảng này bao gồm Kerala và những nơi mà kết quả bỏ phiếu lần trước không được như mong đợi, ví dụ như bang Andhra Pradesh, Karnataka và Tamil Nadu.

Biểu tình chống nạn hiếp dâm tại thủ đô Ấn Độ Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình tại New Delhi sau vụ một cô gái 23 tuổi bị hãm hiếp và giết hại trên xe buýt gây rúng động dư luận cuối năm 2012.

Ngọc Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xung-dot-am-i-o-an-do-quanh-chuyen-phu-nu-bi-cam-vao-den-thieng-post892770.html