Xung đột Nagorno-Karabakh: Từ khi Liên Xô tan rã...

Tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh giữa Yerevan và Baku không phải mới bắt đầu trong lịch sử hiện đại mà xảy ra từ xa xưa.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, xung đột đã bùng phát dữ dội giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Lịch sử có đầy rẫy những cuộc xung đột sắc tộc trên các lãnh thổ tranh chấp và Nagorno-Karabakh cũng không phải là ngoại lệ.

Hôm 27/9, cuộc xung đột âm ỉ giữa Armenia với Azerbaijan đã bùng phát ở Nagorno-Karabakh - vùng lãnh thổ đa số là người Armenia đã tách khỏi Azerbaijan và tự tuyên bố độc lập vào năm 1991, nhưng không được Liên hợp quốc công nhận.

Bản đồ xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh giữa Yerevan và Baku

Bản đồ xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh giữa Yerevan và Baku

Lịch sử lâu đời của cuộc xung đột

Nagorno-Karabakh là một thực thể hành chính-lãnh thổ nằm ở Transcaucasus, giữa Azerbaijan và Armenia. Diện tích của khu vực lên tới 4.400 km2 và dân số chủ yếu là người Armenia, với khoảng 147.000 người.

Yerevan và Baku từ lâu đã mâu thuẫn về lịch sử của khu vực ly khai này. Người Armenia khẳng định rằng, Karabakh, hay Artsakh trong tiếng Armenia cổ, là một phần thiết yếu của Armenia vào đầu thời Trung cổ, tượng trưng cho tỉnh thứ mười của vương quốc cổ Armenia.

Ngược lại, các nguồn sử liệu của Azerbaijan cho rằng, Karabakh là một trong những khu vực lịch sử lâu đời nhất của đất nước này và sự xuất hiện của thuật ngữ “Karabakh” có từ thế kỷ thứ 7, có nghĩa là “Khu vườn đen” trong ngôn ngữ Azeri (Azerbaijan).

Lãnh thổ Nagorno-Karabakh hiện đại trở thành một phần của Đế chế Nga vào đầu thế kỷ 19 do kết quả của cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư (1804-1813). Đầu tháng 5/1920, quyền lực của Liên Xô được thiết lập ở Nagorno-Karabakh, ba năm sau Cách mạng Bolshevik ở Nga.

Vào tháng 7/1921, Đảng Cộng sản Nga (RCP) cầm quyền quyết định chuyển lãnh thổ Nagorno-Karabakh cho Armenia nhưng một ngày sau, RCP đã xem xét lại vấn đề quyết định có lợi cho Azerbaijan, trong một động thái mà họ cho là “dựa trên nhu cầu hòa bình quốc gia giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo”.

Nagorno-Karabakh trở thành một phần của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan (ASSR) vào năm 1921, với quyền tự trị rộng rãi và vào năm 1923, nó nhận được quy chế của một khu vực tự trị (NKAR) trong ASSR.

Trong thời kỳ Xô Viết, Armenia đã cố gắng tìm cách đưa NKAR về lãnh thổ của mình, với lý do thực tế là phần lớn dân số của khu vực là người Armenia, nhưng đã không thành công.

Tranh chấp-xung đột cuối thế kỷ XX

Một chiến dịch sáp nhập với Armenia bắt đầu ở Nagorno-Karabakh vào năm 1987 và đến đầu năm 1988, một bản kiến nghị với khoảng 75.000 chữ ký (chiếm 55% dân số) đã được trao cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, gây ra phản ứng cực kỳ tiêu cực từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan.

Tiếp theo, hội đồng khu vực của NKAR tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan vào đầu tháng 7/1988, trong khi Xô viết Tối cao của Liên Xô phản ứng bằng cách thông qua một nghị quyết vào ngày 18/7, tuyên bố việc chuyển giao NKAR cho Armenia là hành động bất hợp pháp.

Vào đầu tháng 12/1989, Quốc hội của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Armenia và Hội đồng nhân dân của NKAR đã thông qua một nghị quyết về “sự hợp nhất” của khu vực này vào lãnh thổ Armenia, tuy nhiên văn kiện này bị Xô viết Tối cao bác bỏ vì vi hiến.

Các cuộc đụng độ vũ trang tiếp theo ở biên giới Armenia-Azerbaijan vào năm 1990 đã dẫn tới một chiến dịch quân sự của lực lượng an ninh thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô ở Nagorno-Karabakh, nhằm bảo đảm hòa bình cho khu vực này.

Vài tuần trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Quốc hội Azerbaijan chính thức bãi bỏ quy chế tự trị của khu vực Nagorno-Karabakh. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, các đơn vị của Bộ Nội vụ Liên Xô rút khỏi khu vực, khiến xung đột bùng phát trở lại.

Hội đồng địa phương vào tháng 9 năm đó tuyên bố Cộng hòa Nagorno-Karabakh được thành lập, nhưng đã bị Baku bác bỏ và cho rằng, đây là một hành động bất hợp pháp.

Những diễn biến này dẫn đến sự khởi đầu của một cuộc xung đột vũ trang kéo dài đến năm 1994 giữa Armenia và Azerbaijan - lúc này đã là các quốc gia độc lập - để giành quyền kiểm soát Karabakh, khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng, 25.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ mảnh đất này.

Cuộc xung đột chính thức kết thúc vào ngày 5/5/1994, khi ba bên ký một hiệp định đình chiến, trong bối cảnh các lực lượng Armenia thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ Nagorno-Karabakh và một số khu vực xung quanh, còn Azerbaijan đã mất quyền kiểm soát thực tế đối với vùng đất này.

Vòng xoáy xung đột mới trong thế kỷ XXI

Vào tháng 11/2014, quan hệ giữa Baku và Yerevan trở nên xấu đi sau khi quân đội Azerbaijan bắn rơi một máy bay trực thăng Mi-24 của Armenia ở Nagorno-Karabakh. Sự kiện này cuối cùng đã dẫn đến sự bắt đầu các cuộc chiến quy mô lớn tại khu vực tranh chấp vào ngày 2/4/2016.

Bộ Quốc phòng Armenia thông báo, các hành động tấn công của Azerbaijan có sử dụng xe tăng, pháo binh và máy bay, tức là đã vượt quá phạm vi một “cuộc đụng độ trên biên giới”, trong khi Baku khẳng định việc sử dụng vũ lực chỉ để trả đũa việc phía Armenia sử dụng pháo kích bằng súng cối và súng máy.

Vào ngày 5/4/2016 - ngày thứ tư của cuộc đụng độ, các bên thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn trong khu vực xung đột. Trong quá trình đàm phán, các vấn đề của xung đột bắt đầu được thảo luận trong OSCE, cũng như giữa các Tổng thống Nga, Armenia và Azerbaijan.

Ngày 20/6/2016 tại Saint-Peterburg, Tổng thống Nga, Armenia và Azerbaijan, là các ông Vladimir Putin, Serzh Sargsyan và Ilham Aliyev, đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung về Nagorno-Karabakh, đồng ý tăng số lượng quan sát viên của OSCE và cam kết “tạo điều kiện cho tiến bộ bền vững trong các cuộc đàm phán về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột”.

Tuy nhiên, ngòi nổ xung đột vẫn chưa được tháo gỡ bởi các bên chưa đạt được thỏa thuận về tình trạng pháp lý của Nagorno-Karabakh.

Và sự leo thang xung đột lại bắt đầu từ giữa tháng 7/2020, khi các cuộc pháo kích vào biên giới Armenia-Azerbaijan dẫn đến thương vong cho cả hai bên, Erevan và Baku lại tiếp tục đổ lỗi cho nhau về những căng thẳng mới.

Nguy cơ từ sự can thiệp của bên thứ ba

Theo các nhà quan sát, về mặt khách quan, các hành động chiến sự không có lợi cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột này.

Sự hiện diện của lính đánh thuê Syria và sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nagorno-Karabakh rất có thể sẽ đưa cuộc chiến leo thang lên một cấp độ mới, biến khu vực tranh chấp này thành một “Syria thứ hai”, cướp đi thêm nhiều sinh mạng, gây ra thiệt hại lớn hơn.

Trong tình huống này, vấn đề ai là người khai hỏa vào ngày 27/9 hay ai sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường không còn quan trọng nữa, mà vấn đề đầu tiên cần phải làm là chấm dứt chiến sự ở Nagorno-Karabakh, đưa các bên trở lại bàn đàm phán.

Xung đột Nagorno-Karabakh có thể dẫn tới hai kịch bản:

Thứ nhất: Làm bùng phát cuộc chiến quy mô lớn ở Nam Kavkaz với sự tham gia của các nước CSTO (trước hết là Nga) và NATO (Thổ Nhĩ Kỳ) và cuộc chiến chỉ có thể kết thúc khi có người bại trận. Với kịch bản này, chẳng có ai là người hưởng lợi khi châm ngòi cuộc chiến tranh mới ở Kavkaz, ngoài Mỹ.

Thứ hai: Ngòi nổ của cuộc chiến có thể được tháo gỡ với sự trung gian của Nga và OSCE, dẫn tới sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình nước ngoài ở vùng đất này để bảo đảm an ninh và các bên sẽ tiếp tục đàm phán về tình trạng của Nagorno-Karabakh.

Các chuyên gia cho rằng, 16 năm về trước, Azerbaijan buộc phải ký thỏa thuận ngừng bắn và chấp nhận đường biên giới tạm thời bên ngoài Karabakh, vì khi đó họ đã thất bại toàn diện, nhưng nay Baku đã chiếm được một số vùng ở Nagorno-Karabakh và họ chưa muốn dừng lại. Tuy nhiên, trước sức ép của cộng đồng quốc tế, có lẽ Azerbaijan sẽ chấp nhận “chiến thắng từng phần” để sau này tính tiếp.

Một thỏa thuận được coi là chấp nhận được với hai bên là giữ nguyên hiện trạng và đặt các vùng đất còn lại của Nagorno-Karabakh trong sự giám sát của lực lượng gìn giữ hòa bình.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi bởi OSCE chắc chắn sẽ muốn đưa lực lượng hỗn hợp Nga-NATO vào khu vực này, còn Moscow - cũng giống như năm 1992 - sẽ cương quyết phản đối sự có mặt của bất kỳ lực lượng đa quốc gia nào ở vùng Caucasus, được coi là “sân sau” của Nga.

Do đó, có thể nói rằng, để chấm dứt chiến sự tạm thời ở khu vực này đã khó, việc tìm kiếm hòa bình và một quy chế pháp lý cho Nagorno-Karabakh lại còn khó hơn.

Theo một số chuyên gia, phương án khả dĩ nhất là vùng đất này vẫn thuộc chủ quyền của Azerbaijan nhưng được trao một quy chế tự trị rộng rãi hơn, ít lệ thuộc vào Baku, giống như một Kurdistan ở Iraq vậy.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/xung-dot-nagorno-karabakh-tu-khi-lien-xo-tan-ra-3420272/