Xung đột Nagorno-Karabakh: Armenia nói về 'phát xít mới'

'Câu hỏi đặt ra là, liệu thế giới có cho phép một Hitler mới xuất hiện, lần này là ở Tiểu Á hay không'

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố lập trường về Nagorno-Karabakh

Các cuộc giao tranh trên tuyến giáp ranh ở Nagorno-Karabakh bắt đầu vào ngày 27/9. Armenia và Azerbaijan cáo buộc nhau đã khởi xướng chiến sự, chính quyền Karabakh báo cáo về các vụ pháo kích vào các khu dân cư của mình, bao gồm cả thủ phủ Stepanakert.

Armenia ban bố thiết quân luật và lần đầu tiên tuyên bố tổng động viên, đồng thời khẳng định rằng Ankara đang tích cực hỗ trợ Baku. Azerbaijan cũng tuyên bố tổng động viên cục bộ và thiết quân luật ở một số nơi.

Các nhà lãnh đạo của Nga, Mỹ và Pháp kêu gọi các bên đối lập ngừng đụng độ và cam kết bắt đầu đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp cho Azerbaijan bất kỳ sự hỗ trợ nào mà nước này yêu cầu trong bối cảnh tình hình trở nên trầm trọng hơn ở Nagorno-Karabakh.

Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố lập trường của mình là Nagorno-Karabakh phải được trả lại cho Azerbaijan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, nhóm OSCE Minsk cần lên tiếng ủng hộ việc chuyển giao "các vùng đất bị Erevan chiếm đóng" cho Baku.

"Nhóm Minsk vẫn đang trì hoãn quá trình này. Nếu quý vị muốn giải quyết vấn đề thì không được làm cái việc trì hoãn quyết định, mà phải đưa ra quyết định. Nhóm Minsk cần hoàn thành đàm phán, giao các vùng đất bị chiếm đóng cho chủ sở hữu của họ (Azerbaijan)” – ông Erdogan nói.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, khong thể có chuyện giải quyết một vấn đề trong 30 năm, tranh chấp lãnh thổ không phải là một công việc nên kéo dài hàng thập kỷ. “Nhưng họ [Armenia] không trả lại đất [cho Azerbaijan]. Và cuối cùng mọi chuyện đi đến đâu? Đến tình trạng như hiện nay" - ông Erdogan phát biểu trước quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gia tăng căng thẳng ở Nagorno-Karabakh

Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang làm gia tăng căng thẳng ở Nagorno-Karabakh

Armenia đáp trả đanh thép

Đáp lại quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 14/10 đã cáo buộc chính quyền Ankara đang làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước ở Nagorno-Karabakh và bày tỏ sự lo ngại trước nguy cơ xuất hiện "Hitler mới".

Trong bài phát biểu trước quốc dân, Thủ tướng Armenia Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng không nên có "các thỏa thuận Munich" về Nagorno-Karabakh.

Theo Thủ tướng Armenia, chính quyền Azerbaijan đã và đang phủ nhận quyền của người Armenia sinh sống ở Nagorno-Karabakh trong việc kiểm soát vận mệnh của chính họ. Cộng đồng thế giới cần phải ngăn chặn điều này nhưng ông vẫn chưa thấy được những động thái tích cực.

Theo ông Nikol Pashinyan, hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế không có phản ứng với những gì đang xảy ra ở Nagorno-Karabakh, coi công thức "lãnh thổ đổi lấy hòa bình" là có thể chấp nhận được.

Ông Pashinyan lưu ý rằng, điều này khiến ông nhớ đến Hiệp định Munich năm 1938, khi chính sách bình định được lãnh đạo Anh và Pháp theo đuổi dẫn đến việc Đức được nhận một phần lãnh thổ của Tiệp Khắc và đến nay mọi người đều biết hậu quả của thỏa thuận này.

"Câu hỏi đặt ra là, liệu thế giới có cho phép một Hitler mới xuất hiện, lần này là ở Tiểu Á hay không" - Sputnik Armenia dẫn lời ông Pashinyan.

Đồng thời, nhà lãnh đạo chính phủ Armenia cũng cáo cuộc Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn máy bay từ Mỹ chở 100 tấn hàng viện trợ nhân dạo gồm đồ sinh hoạt, nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, dụng cụ y tế…, từ các nước khác nhau như Nga, Mỹ, Pháp, các nước châu Âu khác, sang cho người dân nước này và vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/xung-dot-nagorno-karabakh-armenia-noi-ve-phat-xit-moi-3420682/