Xung đột Mỹ - Trung Xáo động các chuỗi cung ứng

Các sản phẩm chúng ta sử dụng hiện đang được sản xuất thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp; ví dụ, để làm ra chiếc iPhone, Apple phải thu nạp đến hơn 200 nhà cung ứng từ khắp nơi trên thế giới. Xung đột Mỹ - Trung đã làm nhiều công ty cân nhắc thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng của họ - điều này có tác động còn lớn và lâu dài hơn thuế suất trong thương mại.

Theo tờ Financial Times, các công ty công nghệ của Mỹ hiện đang rà soát lại để xem thử trong chuỗi cung ứng của mình, đối tác Trung Quốc nào chịu tác động lớn nhất từ cuộc chiến tranh thương mại để có biện pháp đối phó. Ngược lại, các công ty Mỹ là đối tác của các chuỗi cung ứng Trung Quốc cũng lo, có khả năng họ mất hợp đồng vì Chính phủ Mỹ cấm giao dịch như trường hợp Huawei. Lệnh cấm cũng có thể đến từ Chính phủ Trung Quốc khi muốn trả đũa chính sách của Mỹ.

Tờ Financial Times đưa ra ví dụ: tháng trước Bộ Nội an Mỹ đưa ra cảnh báo máy bay không người lái (drone) của doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có thể thu thập và chuyển thông tin người dùng về cho bên thứ ba hay nước thứ ba. Thế nên George Mathew, CEO của hãng Kespry chuyên làm phần mềm cho drone phải cân nhắc khả năng thay đổi chiến lược nếu chính quyền Mỹ có biện pháp trừng phạt DJI, một hãng chế tạo drone của Trung Quốc, là bạn hàng của Kespry.

Tờ New York Times nêu một trường hợp khác: ControlTek, một hãng sản xuất bo mạch điện tử ở tiểu bang Washington phải điều chỉnh kế hoạch để đối phó thương chiến Mỹ - Trung. Với linh kiện đã nhập từ Trung Quốc, họ phải thương lượng với khách hàng để khách chịu phần thuế phải nộp thêm. Với những công đoạn khả thi, họ sẽ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc; công đoạn nào không chuyển được thì thiết kế lại sản phẩm để tránh phụ thuộc vào linh kiện nhập từ Trung Quốc.

Các hãng tư vấn của Mỹ hiện đang nhận nhiều đơn hàng của doanh nghiệp muốn biết cụ thể doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia của Trung Quốc có rơi vào tầm ngắm của Mỹ hay không. Các tên tuổi nổi lên sau Huawei là Hikvision, nhà sản xuất thiết bị theo dõi hay Xiaomi, hãng sản xuất nhiều thiết bị điện tử gia dụng. Một nỗi lo khác là khả năng Trung Quốc liệt kê nhiều doanh nghiệp Mỹ vào danh sách “không đáng tin cậy” và cấm các doanh nghiệp này bán hàng ở Trung Quốc.

Hãng tư vấn Bain vừa thực hiện một khảo sát với hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, 42% cho biết sẽ tìm mua nguyên vật liệu từ nước khác trong năm tới, 25% nói đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Trước đây khi xung đột còn dừng ở mức đánh thuế qua lại, doanh nghiệp Mỹ còn dè chừng không muốn cắt đứt mối quan hệ cung ứng đã hình thành từ lâu và sẵn sàng chịu thuế cao một thời gian. Nhưng nay quy mô cuộc xung đột mở rộng, đa số phải xem lại chiến lược tổ chức chuỗi cung ứng của mình.

Tờ New York Times dẫn các trường hợp gần đây nhất để minh họa cho xu hướng này: GoPro, nhà sản xuất camera cho biết họ đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Mexico. Universal Electronics thậm chí đã chuyển xong. Và Varex Imaging, một hãng sản xuất thiết bị X-quang tuyên bố sẽ định hướng chuỗi cung ứng sao cho tránh Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post trích lời chủ tịch Foxconn Terry Gou cho rằng phía Mỹ sẽ cố gắng nhanh chóng và bằng mọi giá xây dựng chuỗi cung ứng riêng cho mình và do đó thị trường của cả hai nước sẽ có những thay đổi tận gốc rễ trong thời gian tới. Ông này cho rằng dù Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận thương mại để ngưng chiến đi nữa, hai bên cũng sẽ tiếp tục ganh đua về công nghệ, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nên sự thay đổi này là lâu dài.

Lâu nay các nhà sản xuất đồ điện tử thường có chuỗi cung ứng rất độc đáo: con chip có thể được làm ở Texas xong chở sang Mexico để gắn vào bo mạch sản xuất ở Trung Quốc, kèm với các tụ điện làm ở Việt Nam. Đôi lúc linh kiện được chuyên chở qua lại Thái Bình Dương vài lần trước khi thành sản phẩm hoàn chỉnh. Việc loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng là khó khăn và phức tạp.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289996/xung-dot-my--trung-xao-dong-cac-chuoi-cung-ung.html