Xung đột Mỹ-Trung khiến Australia bị 'vạ lây'

Các cơ sở tình báo chung giữa Mỹ và Australia nằm trên lãnh thổ Australia có thể trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ.

Australia đối mặt mối đe dọa hạt nhân

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ có trụ sở tại thành phố Sydney (Australia) cảnh báo căng thẳng Mỹ-Trung Quốc ngày càng gia tăng đã làm tăng nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân ngoài dự kiến giữa các siêu cường, trong đó các tên lửa “tầm xa” mới của Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho Australia.

Báo cáo của Tiến sĩ Fiona Cunningham nhận định “sự leo thang hạt nhân vô tình” có thể xảy ra nếu một cuộc tấn công thông thường của một quốc gia nhằm vào kho vũ khí hạt nhân hoặc cơ sở hạ tầng hỗ trợ tấn công hạt nhân của đối thủ, khiến quốc gia bị nhắm mục tiêu phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Báo cáo cho hay các cơ sở tình báo chung giữa Mỹ và Australia nằm trên lãnh thổ Australia, trong đó có cơ sở Pine Gap, có thể trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nếu các cơ sở này hỗ trợ một cuộc tấn công của Mỹ vào các địa điểm của Trung Quốc thuộc lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện có khoảng 300 vũ khí hạt nhân, bao gồm cả tên lửa tầm xa và liên lục địa, trong khi Mỹ có 1.750 vũ khí hạt nhân chiến lược. Báo cáo khuyến nghị Australia cần vận động Mỹ giảm nguy cơ tấn công hạt nhân, đồng thời tìm kiếm sự đảm bảo rằng Mỹ sẽ trả đũa thay cho Australia nếu nước này trở thành mục tiêu trong một cuộc tấn công hạt nhân.

Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đã có được sự “đảm bảo răn đe mở rộng” của Mỹ rằng nước này sẽ tiến hành một cuộc phản công hạt nhân nếu một trong hai quốc gia châu Á này trở thành mục tiêu của tấn công hạt nhân. Báo cáo trên cho rằng Australia cần tìm kiếm một sự đảm bảo tương tự từ Mỹ.

Trước đó, Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nhận định rằng nếu mối quan hệ của Australia với Trung Quốc tiếp tục xấu đi, có thể Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng cách tăng cường nỗ lực thách thức các lợi ích chiến lược của Australia ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Điều này đã xảy ra ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Vanuatu và Fiji, những nước láng giềng chiến lược và gần gũi nhất của Australia.

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ tại căn cứ quân sự ở Darwin, Australia

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ tại căn cứ quân sự ở Darwin, Australia

Giới phân tích Australia cũng đưa ra nhận định rằng quan hệ Australia-Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn trên mọi mặt trận kể từ khi Thủ tướng Scott Morrison yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus Corona, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Tiếp đó là việc Thủ tướng Australia gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bên cạnh các biện pháp nhằm vào giới truyền thông Australia, Trung Quốc cũng áp dụng các đòn kinh tế như hạn chế những sản phẩm nông nghiệp và những ngành khác của Australia. Số liệu mới được công bố từ phía Australia cũng cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Australia giảm một nửa trong năm 2019 trong bối cảnh quan hệ hai nước đang xấu đi.

Các nghiên cứu từ Đại học quốc gia Australia cho thấy đầu tư của Trung Quốc giảm mạnh từ 4,8 tỉ AUD (3,5 tỉ USD) xuống còn 2,5 tỉ AUD năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đầu tư của Trung Quốc vào Australia giảm kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2016 với giá trị đầu tư đạt 15,8 tỉ AUD.

Thông điệp cảnh báo Trung Quốc

Quan hệ Australia-Trung Quốc gia tăng căng thẳng giữa lúc Australia ngày càng được Mỹ coi trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington thời gian qua đã dành sự chú ý đáng kể đối với đồng minh xa xôi này.

Hồi cuối tháng 7, Mỹ và Australia đã tiến hành cuộc hội đàm cấp bộ trưởng ngoại giao-bộ trưởng quốc phòng (còn gọi là Đối thoại 2+2) ở thủ đô Washington DC, trong đó Trung Quốc là chủ đề chính. Tại cuộc họp báo chung ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ca ngợi Australia vì đã đứng lên chống lại sức ép từ Trung Quốc và nói rằng Washington và Canberra sẽ tiếp tục phối hợp cùng nhau để tái khẳng định pháp quyền ở Biển Đông.

Hồi tháng 7, Australia cử 5 tàu hải quân tham gia tập trận cùng Mỹ và Nhật Bản trong khu vực

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ca ngợi sự tham gia của 5 tàu chiến Australia trong các cuộc tập trận với một nhóm tàu sân bay Mỹ và một khu trục hạm Nhật Bản. Ông Mark Esper khẳng định: “Những cuộc tập trận này không chỉ tăng cường khả năng tương tác mà còn gửi một tín hiệu rõ ràng tới Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ bay, chúng tôi sẽ lái tàu và chúng tôi sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và bảo vệ quyền lợi của các đồng minh, và các đối tác của chúng tôi cũng sẽ làm như vậy".

Australia và Mỹ đang phát triển các liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn. Công ty khai thác đất hiếm Lynas của Australia sẽ nhận được tài trợ của Lầu Năm Góc để thành lập nhà máy chế biến ở Texas. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với một loạt các vật liệu quan trọng trong sản xuất vũ khí: ví dụ, mỗi chiếc F-35 cần tới 418 kg vật liệu đất hiếm.

Những kết nối này mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu chung và đầu tư vào công nghệ và đổi mới. Giới phân tích Australia cho rằng hệ thống đại học của nước này nên được quản lý chặt chẽ và tăng cường lợi ích tài chính để hạn chế sự liên kết nghiên cứu với Bắc Kinh và thay vào đó lựa chọn môi trường nghiên cứu thân thiện hơn tại các quốc gia trong nhóm Five Eyes.

Mối quan hệ Australia-Trung Quốc xấu đi trên nhiều lĩnh vực

Quyết định thành lập một kho dự trữ nhiên liệu quân sự chiến lược do Mỹ tài trợ ở Darwin (miền Bắc Australia) cũng được hoan nghênh. Đây được coi là bước đi cải tiến đáng kể cho sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ ở miền Bắc Australia trong thời gian tới.

Về kinh tế, có ý kiến nhận định ý tưởng cho rằng Australia đang đối mặt với căng thẳng khi phải đứng giữa quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ và quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang bỏ sót tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa Washington và Canberra. Mặc dù Trung Quốc bỏ xa Mỹ về giá trị thương mại với Australia, nhưng Mỹ lại đóng vai trò quan trọng hơn về nguồn lực và điểm đến của đầu tư và dòng vốn.

Ngoài ra, Australia cũng tăng cường quan hệ với nước chủ chốt trong mạng lưới đồng minh và đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, đồng thời tỏ rõ thái độ cứng rắn trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự kiến một cuộc họp trực tiếp của 4 ngoại trưởng các nước thuộc nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ được tổ chức tại Tokyo vào đầu tháng 10 tới.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/xung-dot-my-trung-khien-australia-bi-va-lay-3419788/