Xung đột Israel-Palestine: Phương trình khó giải của chính quyền Biden

Dường như, chính quyền Biden vẫn chưa có lời giải cho bài toán về xung đột Israel-Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty)

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestines tiếp tục leo thang nguy hiểm. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức cuộc họp khẩn lần thứ hai trong tuần để bàn về tình trạng căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine trong những ngày gần đây.

Còn đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc xung đột này đã làm rối tung những kế hoạch và chương trình nghị sự của ông Biden. Dường như, chính quyền Biden vẫn chưa có lời giải cho bài toán về xung đột Israel-Palestine.

Thúc đẩy Bộ tứ Trung Đông

Theo hãng tin Reuters, "cơn mưa" tên lửa hôm 11/5 đã làm rung chuyển khu vực dải Gaza. Israel đã tiêu diệt một chỉ huy và 15 thành viên khác của Phong trào Hồi giáo Hamas trong các cuộc oanh kích.

Hãng tin Reuters nhận định, đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến ở Gaza hồi năm 2014 và quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng căng thẳng có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Một nguồn tin Palestine nói rằng, những nỗ lực kêu gọi ngừng bắn của Ai Cập, Qatar và LHQ đã không giúp chấm dứt tình trạng bạo lực.

Từ Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 12/5 cho rằng nhóm Bộ tứ về tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Nga, Mỹ, LHQ và Liên minh châu Âu) cần nhóm họp khẩn cấp về việc giải quyết xung đột leo thang giữa Israel và Palestine nhằm chấm dứt căng thẳng.

Theo trang mạng urdupoint.com, đầu tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Nga cho biết Moscow sẵn sàng thúc đẩy đối thoại giữa Israel và Palestine, đồng thời sẽ tìm cách để tổ chức một cuộc họp bộ trưởng của Bộ tứ Trung Đông.

Lời kêu gọi này của Moscow cũng nhận được sự đồng tình của Đại sứ Palestine tại Nga Abdel Hafiz Nofal. Vị đại sứ này khẳng định nhóm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giải quyết tình trạng căng thẳng leo thang hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Nga, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định LHQ hoàn toàn cam kết "hồi sinh" công việc của nhóm Bộ tứ Trung Đông.

Ông Guterres nhấn mạnh cần tìm cách giảm leo thang xung đột giữa Israel và Palestine. Theo ông, việc nối lại tiến trình hòa bình là vô cùng cấp bách vì đây là cách duy nhất để giải quyết tình hình.

Câu hỏi hiện nay là cuộc xung đột lần này khác những cuộc xung đột trước đây như thế nào?

Theo Foxnews, mức độ của các cuộc oanh kích do Hamas tiến hành lần này đã cho thấy một đặc điểm mới về câu chuyện bạo lực xưa cũ này.

Trang mạng này dẫn lời ông Zaki Chehab, tác giả cuốn Inside Hamas (tạm dịch là “Bên trong Hamas”), cho rằng phong trào Hồi giáo đang kiểm soát dải Gaza này đã đạt được năng lực đáng kể trong những năm gần đây.

Ông Zaki giải thích: “Họ đã đầu tư nhiều tiền để mua sắm và cải thiện cơ sở vật chất, công nghệ, huấn luyện các tay súng và nâng cao chiến thuật tấn công”.

Trả lời Fox News, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Israel Jonathan Conricus cũng nhận định: “Hamas đã nhận được sử hậu thuẫn bên ngoài, họ có thể lưu trữ vũ khí ở dải Gaza, cũng như có thể tự chế tạo vũ khí nhờ sự hỗ trợ tài chính và công nghệ của Iran”.

Bài toán khó của chính quyền Biden

Theo hãng tin AP, cuộc xung đột này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang nỗ lực triển khai một chính sách về Trung Đông trong 4 tháng đầu cầm quyền với hy vọng chính sách này sẽ mang tính bền vững và công bằng hơn so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Việc Mỹ do dự can dự sâu hơn vào những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine kéo dài hàng chục năm qua đã tạo ra khoảng trống quyền lực ở khu vực, chưa kể đến tình trạng bất ổn chính trị tại chính Israel và Palestine.

Hiện cả hai đều đang kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và đều không hài lòng trước quan điểm "đi dây" của Mỹ về tình trạng hiện nay. Cả Israel và Palestine đều thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng của chính quyền Biden.

Đại sứ Israel tại Mỹ Gilad Erdan nói trên mạng xã hội Twitter rằng "thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ không thể chấp nhận được đối với tôi".

Còn phía Palestine tỏ ra bất bình trước việc Washington cố tình cản trở HĐBA LHQ chậm đưa ra tuyên bố về cuộc xung đột, điều mà Palestine coi là có phần thiên vị Israel. Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour ngày 1/5 bày tỏ quan điểm: "Việc HĐBA tiếp tục giữ im lặng về tình hình ở Palestine là không thể chấp nhận được".

Đã có những chỉ trích rằng chính quyền Biden đang theo đuổi một chiến lược tạm thời song chiến lược này không có sự thống nhất và phát đi những thông điệp lẫn lộn đến các bên xung đột.

Bác bỏ chỉ trích này, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 12/5 khẳng định giới chức cấp cao của Mỹ đã tiến hành hơn 20 cuộc điện đàm với các đồng cấp ở Trung Đông để kêu gọi giảm căng thẳng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã điều một nhà ngoại giao cấp cao để gây sức ép đối với cả giới chức Israel và Palestine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: "Mỹ không hề lơ là cuộc xung đột này".

Ban đầu, giới phân tích Trung Đông đã hoan nghênh song có phần thận trọng trước việc chính quyền Biden phản đối quan điểm của chính quyền Donald Trump trong việc ủng hộ Israel và trước việc chính quyền Biden đã khôi phục viện trợ và nối lại liên lạc ngoại giao với chính quyền Palestine.

Mặc dù vậy, ông Biden vẫn giữ lại một số nội dung chính trong chính sách của ông Trump, bao gồm một số vấn đề vốn đi ngược lại chính sách lâu đời của Mỹ về Jerusalem và tính hợp pháp về những khu định cư của Israel mà phía Palestine coi là không công bằng đối với họ.

Chính quyền Biden từng tuyên bố sẽ khó có thể thay đổi toàn bộ và ngay lập tức chính sách của Mỹ về vấn đề Israel-Palestine.

Giải thích với AP về hành động hiện nay của chính quyền Biden, ông Aaron David Miller - từng là nhà đàm phán về vấn đề Trung Đông của Mỹ - nói rằng chính quyền Biden đã không gạt khu vực Trung Đông cũng như vấn đề Israel-Palestine ra khỏi những ưu tiên của mình.

Hãng tin Reuters nhận định, đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến ở Gaza hồi năm 2014. (Nguồn: USA Today)

Trong khi đó, một số nghị sĩ Dân chủ và nghị sĩ cấp tiến cho rằng Mỹ cần tái cam kết hợp tác với cả Israel và Palestine để chấm dứt tình trạng xung đột.

Hiện chính quyền Biden vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ đến Israel cũng như chưa có bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy họ sẽ bổ nhiệm đặc phái viên về tiến trình hòa bình Trung Đông.

Mặc dù lên án Hamas nã rocket vào Israel và ủng hộ Israel quyền tự vệ, song chính quyền Biden không hề đả động đến việc liệu Palestine cũng có quyền được tự vệ tương tự hay không. Ngoài ra, chính quyền Biden cũng chưa thay đổi chính sách lâu nay của Mỹ về việc Palestine không có đủ tư cách pháp lý để kiện lên Tòa án Tội phạm Quốc tế.

Điều này làm dấy lên nỗi bất bình đối với những ai trông đợi Mỹ đưa ra một chính sách mới về vấn đề Israel-Palestine.

Chỉ biết rằng, một tuyên bố của Nhà Trắng nói Washington tin rằng Israel và Palestine xứng đáng có được những giải pháp công bằng về tự do, an ninh, phẩm giá và tự trọng.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-palestine-phuong-trinh-kho-giai-cua-chinh-quyen-biden-145156.html