Xung đột Israel-Palestine: Mỹ thanh minh trước lời tố của Trung Quốc, Hamas ra điều kiện ngừng bắn

Ngày 18/5, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định, việc Mỹ không ủng hộ tuyên bố của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về cuộc xung đột Israel-Palestine không có nghĩa là nước này 'cản trở biện pháp ngoại giao' cho cuộc xung đột này.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc Mỹ không ủng hộ tuyên bố của HĐBA về xung đột Israel-Palestine không có nghĩa là nước này cản trở biện pháp ngoại giao. (Nguồn: AP)

Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc Mỹ không ủng hộ tuyên bố của HĐBA về xung đột Israel-Palestine không có nghĩa là nước này cản trở biện pháp ngoại giao. (Nguồn: AP)

Theo kế hoạch, HĐBA Liên hợp quốc (LHQ) cùng ngày sẽ tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 4. Washington đến nay vẫn phủ quyết tuyên bố kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực.

Trung Quốc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 5 đã cáo buộc chính quyền Mỹ phá hoại những nỗ lực của HĐBA nhằm đưa ra "tiếng nói chung" đối với cuộc xung đột.

Phát biểu tại một buổi họp báo tại Reykjavik, Iceland, khi trả lời câu hỏi liên quan đến sự chỉ trích của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi không cản trở biện pháp ngoại giao. Trái lại… chúng tôi đang thực hiện biện pháp này một cách gần như không ngừng nghỉ".

Theo ông Blinken, "câu hỏi là liệu bất cứ hành động cụ thể hay tuyên bố cụ thể nào có thực sự thúc đẩy mục tiêu chấm dứt tình trạng bạo lực hay không", qua đó phát đi tín hiệu cho thấy, Mỹ tin, dự thảo nghị quyết của LHQ có thể phản tác dụng.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi cho là có một số nỗ lực, bao gồm tại LHQ, có thể thực sự thúc đẩy một cách hiệu quả mục tiêu này, chúng tôi sẽ ủng hộ".

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ khẳnng định, hiện tại, Mỹ "đang rất tập trung vào nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ với mục tiêu chấm dứt tình trạng bạo lực… Mục tiêu của chúng tôi vẫn là chấm dứt vòng xoáy bạo lực hiện nay một cách sớm nhất có thể".

Tại cuộc họp kín của HĐBA diễn ra sau đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tiếp tục nhắc lại lời của ông Blinken rằng, theo Washington, một tuyên bố công khai của HĐBA sẽ không giúp xoa dịu căng thẳng giữa Israel và Palestine.

Đại sứ Thomas-Greenfield nêu rõ: “Chúng tôi không im lặng và các vị cũng vậy. Sự chú trọng của chúng tôi đã và sẽ là tiếp tục can dự ngoại giao một cách mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay”.

Cũng theo bà Thomas-Greenfield, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh ngừng bắn.

Trong diễn biến liên quan xung đột tại Trung Đông, cùng ngày, tờ Times of Israel dẫn lời quan chức cấp cao của Hamas Moussa Abu Marzouk cho biết, phong trào này đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn, song "Israel đòi Hamas phải đơn phương ngừng hoạt động tấn công bằng rocket trong 2-3 giờ trước khi phía Israel cân nhắc xem có thực hiện đề nghị đó hay không".

Theo ông Marzouk, Hamas sẽ đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn "đồng thời và từ cả hai phía".

Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ thông tin trên và khẳng định, hai bên chưa tổ chức bất cứ cuộc đàm phán nào.

Trong khi đó, kênh truyền hình 12 cho hay, các quan chức hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang thúc giục chính phủ nước này thông qua kế hoạch sát hại các thành viên cấp cao nhất của Hamas, trong đó có ông Muhammad Deif - Tham mưu trưởng.

IDF cho rằng, thời gian hiện nay là cơ hội tốt để thực hiện các cuộc ám sát trên.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-israel-palestine-my-thanh-minh-truoc-loi-to-cua-trung-quoc-hamas-ra-dieu-kien-ngung-ban-145607.html