Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia: Mong manh triển vọng hòa bình

Bất chấp các thỏa thuận ngừng bắn vì lý do nhân đạo, Azerbaijan và Armenia vẫn tiếp tục giao tranh ác liệt tại khu vực Nagorno - Karabakh. Những mâu thuẫn tồn tại dai dẳng ở khu vực này đang cho thấy triển vọng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình rất mong manh.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno - Karabakh vẫn tiếp diễn khiến nhiều nhà cửa ở khu vực này hư hại.

Ngày 23-10, các bên tham chiến cáo buộc nhau tấn công vào khu dân cư. Armenia cho biết, thị trấn Martakert và một số ngôi làng trong vùng Martuni thuộc khu vực Nagorno - Karabakh đã bị trúng tên lửa của Azerbaijan. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác tuyên bố trên, cáo buộc các lực lượng Armenia nhắm mục tiêu vào các vùng Terter, Agdam và Agjabedi của nước này trong đêm bằng pháo và tên lửa. Chính quyền Armenia phủ nhận điều này.

Gần 4 tuần từ khi giao tranh nổ ra (từ ngày 27-9), Nga đã thúc đẩy các nỗ lực giải quyết xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno - Karabakh. Thế nhưng, hai thỏa thuận ngừng bắn do Mátxcơva làm trung gian đã không ngăn được giao tranh tiếp diễn giữa hai nước. Cuộc tấn công tại Nagorno - Karabakh của cả Azerbaijan và Armenia hôm 23-10 diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đang có mặt ở Mỹ để tìm kiếm giải pháp giải quyết xung đột. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có hai cuộc gặp riêng với những người đồng cấp Azerbaijan và Armenia với hy vọng sẽ tìm ra giải pháp ngoại giao cho một "con đường đúng đắn phía trước". Dù vậy, các nhà phân tích nhận định rằng khả năng để tạo nên đột phá giữa hai bên vẫn rất thấp.

Theo các nhà phân tích, trở ngại lớn nhất hiện nay trong các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột ở Nagorno - Karabakh vẫn liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực này. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, nước này sẵn sàng dừng tất cả hành động quân sự ở Nagorno - Karabakh nếu phía Armenia có bước đi xây dựng trong các cuộc đối thoại và dừng chiếm đóng lãnh thổ của Azerbaijan. Ông cũng tái khẳng định Nagorno - Karabakh phải được Armenia trao trả cho Azerbaijan.

Trong khoảng 20 năm qua, Azerbaijan đã có những sự chuẩn bị như tăng cường xây dựng quân đội, đầu tư mạnh cho vũ khí khí tài (đặc biệt là các trang thiết bị mua từ Nga, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ), đẩy mạnh tuyên truyền trên các diễn đàn quốc tế về vấn đề Nagorno - Karabakh theo hướng có lợi cho họ.

Còn Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận hòa bình với phía Azerbaijan, song một vấn đề mang tính nguyên tắc là cần xác định tình trạng của vùng lãnh thổ Nagorno - Karabakh.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán chính là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích cho rằng, mối quan hệ mật thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã tồn tại lâu nay. Cả hai có cùng lợi ích kinh tế, trong đó có hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Azerbaijan xuất khẩu sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2020 này, khi đụng độ dữ dội giữa Azerbaijan và phe Armenia nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai thể hiện sự ủng hộ của mình cho Azerbaijan, đồng tình với việc Azerbaijan dùng giải pháp quân sự để thay đổi hiện trạng tại Nagorno - Karabakh và 7 vùng kề cận.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều nhiều lần khẳng định chỉ có giải pháp ngoại giao mới được chấp nhận để giải quyết cuộc xung đột này, đồng thời cảnh báo nguy cơ một cuộc xung đột diện rộng có thể kéo theo Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan và Nga - quốc gia đã ký hiệp ước phòng vệ tập thể với Armenia. Khi đó, tình hình tại Nagorno - Karabakh (khu vực thuộc chủ quyền của Azerbaijan) càng khó kiểm soát. Và nguy cơ thương vong sẽ tăng lên tại điểm nóng căng thẳng giữa hai quốc gia này, không chỉ dừng lại ở con số hàng trăm người ở cả hai bên bị thiệt mạng như vừa qua.

Với những diễn biến hiện nay, nỗ lực kêu gọi Armenia và Azerbaijan thay đối đầu bằng đối thoại là chưa đủ, mà quan trọng hơn là chính hai bên cần thật sự bày tỏ thiện chí để các cuộc đàm phán tới đây sẽ mang lại kết quả thực chất.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/981891/xung-dot-giua-azerbaijan-va-armenia-mong-manh-trien-vong-hoa-binh