Xung đột Armenia-Azerbaijan: Có một thứ 'bất khả xâm phạm' ở vùng Nagorno-Karabakh?

Ít ai có thể ngờ rằng, nằm giữa đống đổ nát, trong bối cảnh xung đột Armenia-Azerbaijan và đại dịch Covid-19 còn dai dẳng tiếp diễn, vùng Nagorno-Karabakh vẫn đạt được những thành tựu kinh tế bất ngờ.

Dù tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia-Azerbaijan bắt đầu nổ ra từ cuối những năm 1980, nhưng từ tâm của cuộc chiến, vùng Nagorno-Karabakh vẫn được ca ngợi là “một chú hổ nhỏ” về phát triển kinh tế, sau một thập kỷ tăng trưởng 9-10%.

Trong khi đó, cả Azerbaijan và Armenia dường như đều đang sử dụng xung đột như một "cơ hội" để đánh lạc hướng khỏi những khó khăn về kinh tế và khủng hoảng trong nội tại.

Một căn nhà bị hư hại sau vụ pháo kích trong cuộc chiến giành giật khu vực ly khai Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. (Nguồn: AP)

Một căn nhà bị hư hại sau vụ pháo kích trong cuộc chiến giành giật khu vực ly khai Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. (Nguồn: AP)

Theo dữ liệu của DW, nếu được quốc tế công nhận là một quốc gia, Nagorno-Karabakh sẽ là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất trên thế giới. Với GDP chỉ ở ở mức 713 triệu USD (khoảng 603 triệu Euro) vào năm 2019, nơi đây chỉ được xếp vào hạng thấp hơn hầu hết các đảo ở Caribe và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, GDP tính theo USD chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Khu vực tự trị trước đây của Azerbaijan, hiện do người Armenia sinh sống và kiểm soát, đã duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 10% trong thập kỷ qua - và hơn 17% vào năm 2017, theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương, được Bộ phận kinh tế của đài RBC (Nga) trích dẫn.

Những thành tựu kinh tế đó được cảnh báo sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu lệnh ngừng bắn tạm thời không được duy trì và cuộc giao tranh tái diễn trong hai tuần qua vẫn tiếp tục. Và thật đáng buồn, thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Moscow sớm vô tác dụng với cả hai bên chiến tuyến, khi cả Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau vi phạm. Kết cục là hơn 400 người đã thiệt mạng ở Karabakh kể từ ngày 27/9.

Theo các chuyên gia khu vực, mặc dù bạo lực chủ yếu nảy sinh từ xung đột về tranh chấp sắc tộc và lãnh thổ, xảy ra từ trước khi Liên Xô sụp đổ, nhưng những tai ương về kinh tế có thể đã ảnh hưởng tới các bên tham chiến và đã thúc đẩy sự thù địch quay trở lại.

Khó khăn và túng quẫn

Nhà báo kiêm chuyên gia về Nam Caucasus Silvia Stöber nói với DW, vốn là nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ, sự sụp đổ của giá dầu trong thời gian qua đã nhanh chóng đẩy nền kinh tế Azerbaijan điêu đứng, ngay khi nước này đang thực hiện những cải cách quan trọng.

Bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa, lĩnh vực dầu khí vẫn chiếm khoảng 40% GDP của Azerbaijan và chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu. Từ tháng 1 đến tháng 4, xuất khẩu của quốc gia này đã giảm 1/4, theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD). Cơ quan này cũng dự đoán, GDP của Azerbaijan sẽ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. EBRD còn lưu ý rằng, các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt được áp dụng vào đầu năm nay để phòng chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực tài chính.

Armenia cũng vậy, năm ngoái nước này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007 ở mức 7,6%, nhưng dự báo sẽ giảm tới 3,5% vào năm 2020, theo EBRD. Chuyên gia Stöber cho biết, Armenia vừa mới bắt đầu tiến hành các cải cách để giải quyết nạn tham nhũng vốn đã kéo dài hàng thập kỷ qua tại đất nước này.

Nhưng bắt đầu xảy ra từ tháng 3, tình trạng khẩn cấp về y tê do dịch bệnh đã khiến quốc gia vốn phụ thuộc vào hàng trăm triệu USD ngoại tệ được gửi về từ cộng đồng 11 triệu kiều bào ở nước ngoài, đã phải chứng kiến nguồn thu dần cạn kiệt. Vào đỉnh điểm của làn sóng đại dịch Covid-19 đầu tiên, số tiền chuyển về từ nước ngoài đã giảm gần 40%, theo số liệu của EBRD.

Phân tích với DW, chuyên gia Stöber cho rằng: “Xung đột khiến người ta sao lãng khỏi tình hình kinh tế và xã hội thực tại. Nó khuyến khích mọi người - ngay cả những người vẫn thường chỉ trích chính phủ - tập hợp xung quanh một lá cờ có tên gọi sắc tộc."

Một cuộc xung đột kéo dài sẽ có khả năng gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể trong khu vực. Và cơ sở hạ tầng năng lượng của cả hai bên đều có thể trở thành mục tiêu. Azerbaijan đã từng phàn nàn rằng, đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan bị tấn công bởi tên lửa Armenia, trong khi Yerevan khẳng định cáo buộc này là "hoàn toàn dối trá."

Các đường ống dẫn dầu và khí đốt chính của Azerbaijan, hướng tới thị trường châu Âu, đi qua Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, năng lượng của Armenia được cung cấp bởi các đường ống từ Nga và Iran. Một cuộc chiến kéo dài có nguy cơ kéo theo sự tham gia của các cường quốc trong khu vực: Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan và Nga - có quan hệ thân thiện với cả hai bên và có hiệp ước quốc phòng với Armenia.

Karabakh tự bùng nổ

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, vùng Nagorno-Karabakh có một nền kinh tế riêng, dù nhỏ nhưng đa dạng và mạnh mẽ, phụ thuộc nhiều vào việc khai thác khoáng sản, đá quý và kim loại, bao gồm đá quý, vàng, đồng và vật liệu xây dựng.

Theo RBC, 3/4 hàng hóa xuất khẩu của Karabakh được gửi đến nước láng giềng - nơi chúng có thể được gắn lại nhãn "Sản xuất tại Armenia", phần còn lại sẽ đến Nga. Khu vực tranh chấp tự cung tự cấp điện, hệ thống thủy điện mạnh khiến họ có thừa năng lượng để xuất khẩu sang Armenia.

Tuy nhiên, các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt do hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng địa phương, khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Karabakh bị mắc kẹt tại Armenia. Nền kinh tế này đã giảm 1,5% trong năm nay và có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh do xung đột Armenia-Azerbaijan.

Sự bùng nổ về xây dựng vốn được tài trợ từ Chính phủ Armenia và được đẩy mạnh nhờ dòng kiều hối từ cộng đồng ở nước ngoài đã không thể tiếp tục. Cho đến gần đây, việc thành lập các ngôi làng và thị trấn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người Armenia thiểu số tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo phân tích của Ben Aris, Tổng Biên tập của BNE Intellinews có trụ sở tại Berlin, tình hình ở đây đang giống như việc Israel đưa người định cư vào Cao nguyên Golan”.

Trước khi xung đột bùng phát trở lại khu vực này, thu nhập trung bình ở Karabakh cao hơn so với Armenia. Chuyên gia Ben Aris cho biết thêm, các hoạt động kinh doanh, xây dựng, khai thác và sản xuất, đã khiến "cuộc sống ở khu vực ly khai tương đối tốt."

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-armenia-azerbaijan-co-mot-thu-bat-kha-xam-pham-o-vung-nagorno-karabakh-126498.html