Xứng danh con cháu Bác Hồ

Cách đây 5 năm, trong chuyến lên công tác ở huyện miền núi biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi hỏi một nhà báo đàn anh người địa phương đi cùng đoàn: 'Lãnh đạo huyện A Lưới còn có bao nhiêu vị mang họ Hồ?'. Câu trả lời của nhà báo đàn anh người địa phương thật bất ngờ: 'Không thể kể hết. Đâu chỉ các đồng chí lãnh đạo, mà hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện ni đều mang họ Bác Hồ'.

Lễ đón bằng công nhận nghề dệt zèng ở A Lưới là sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phương Uyên

Tiếp thêm sức mạnh

Nghe nhà báo nói vậy, anh Hồ Viết Lương, “đương kim” Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, khi đó là Phó Bí thư Huyện đoàn A Lưới cười, tiếp ngay: Từ năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, đồng bào các dân tộc thiểu số ở nơi đây đã đồng loạt lấy họ Hồ của Bác làm họ cho chính mình. Ngày đó, vùng miền Tây Thừa Thiên Huế ai cũng xúc động khi “muối Cụ Hồ, rựa Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ” đến với đồng bào trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Cũng chính từ ngày có Bác Hồ giúp gạo, muối, áo quần, được cán bộ Cụ Hồ dạy cái chữ, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đã thoát u mê tăm tối. Vì vậy, đồng bào nguyện một lòng đi theo ánh sáng cách mạng, phục vụ chiến đấu. Nhiều gia đình cả vợ, chồng và các con đều bất chấp bom đạn của kẻ thù đi vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến đánh Mỹ như gia đình Hồ A Nun, Hồ Dục... đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đất nước thống nhất, hiện tính ra ở A Lưới có hơn 12 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số được mang họ Hồ…

Những ngày ở A Lưới, tôi được nghe nhiều người dân nơi vùng cao này kể lại câu chuyện đầy vinh dự, tự hào đó là được mang họ của vị Cha già dân tộc Hồ Chí Minh. Bằng hồi tưởng đầy xúc động của một chiến sĩ kiên trung, trong buổi “sinh hoạt truyền thống” diễn ra ngay tại nhà nữ anh hùng Kăn Lịch, năm nay đã 75 tuổi, ở thị trấn A Lưới bồi hồi nhớ lại: Năm 1967, bà đi bộ vượt dãy Trường Sơn suốt 6 tháng để vào Tây Ninh tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua các lực lượng giải phóng miền Nam lần thứ 2 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 25 tuổi, trở thành nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Cô. Năm 1968, lần đầu tiên bà được ra miền Bắc gặp Bác, được Bác tặng một cái ra-đi-ô và một cây bút. Trước khi trở về Thừa Thiên, Bác dặn Kăn Lịch: “Làm anh hùng đã khó nhưng giữ được danh hiệu anh hùng càng khó. Cháu phải luôn phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó và làm gương cho bà con các dân tộc noi theo…”.

Còn già làng Hồ Văn Rải, ở bản A Đeeng, xã Bắc Sơn, thì ngậm ngùi chia sẻ: Khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần vào năm 1969, với niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu - Người cha già dân tộc, rất nhiều gia đình các dân tộc Pa Cô, Cà Tu, Tà Ôi ở A Lưới đã tiến hành để tang, lập bàn thờ riêng. Đồng bào bảo nhau tổ chức lễ truy điệu Bác trong 7 ngày và cũng từ thời điểm đó, đồng bào lấy họ Hồ của Bác làm họ của chính mình. “Cảm động lắm, được mang họ Bác Hồ, đồng bào cả vùng căn cứ cách mạng A Lưới càng quyết tâm đánh giặc, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước, hoàn thành nguyện ước của Người. Được mang họ Bác Hồ, đồng bào A Lưới như được tiếp thêm sức mạnh từ Đảng, từ Người...” - Già Hồ Văn Rải rưng rưng.

Du lịch, thương mại phát triển, bộ mặt thị trấn A Lưới ngày càng khởi sắc. Ảnh: Phương Uyên

Trân trọng về những gì có được hôm nay

Từ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung Hồ Thị Muôn hay đoàn viên trẻ Hồ Viết Luân, ở bản Căn Tôm, xã Hồng Thượng cho đến các bậc tiền bối như ông Hồ Pàng, nguyên Tư lệnh miền Tây Thừa Thiên Huế, nguyên Bí thư Huyện ủy A Lưới, các vị anh hùng lực lượng vũ trang nổi tiếng của huyện A Lưới như: Hồ Vai, Hồ Căn Lịch, Hồ A Nun, Hồ Dục, Hồ Đơm, Hồ A Vầu, Hồ Căn Tréc, Hồ Cu Tríp cùng hàng trăm cán bộ xã, cán bộ thôn ở A Lưới là thế hệ thứ hai, thứ ba vinh dự, tự hào được “thừa hưởng” họ Bác Hồ trong hòa bình.

Trên đại ngàn Trường Sơn, cha ông họ trước đây chỉ biết lên nương, rẫy chọc lỗ, tra hạt, thì hôm nay họ được học hành đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Những cử nhân đại học, kỹ sư nông nghiệp người Pa Cô, Tà Ôi, Cà Tu… hiện không còn là chuyện hiếm. Anh hùng Kăn Lịch tỏ ra tự hào về sự tiến bộ của thế hệ trẻ A Lưới hôm nay chia sẻ: “Con chim Akê là một trong những biểu tượng cho tinh thần bất khuất của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cà Tu. Bọn trẻ phải như con chim Akê trên đỉnh ngọn nêu trước ngôi nhà gươl của làng, phải luôn ghi nhớ ước nguyện mang theo trong họ Hồ của mình…”.

Lời của nữ anh hùng Kăn Lịch theo chúng tôi suốt dọc đường khám phá vùng đất A Lưới, xuyên qua những bạt ngàn rừng keo lá tràm, keo lai, quế, cà phê... xanh ngút ngàn được điểm xuyết bởi các công trình hạ tầng, dân sinh đầu tư xây dựng rất bài bản, quy mô. Những hình ảnh này là “bằng chứng” sống động thuyết phục nhất “chứng minh” bản báo cáo kết quả công tác phát triển kinh tế - xã hội những năm qua của A Lưới mà chúng tôi có trong tay. Trong đó, điểm nhấn phải kể đến là cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự thay đổi theo hướng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2016 đạt 13,2%/năm, riêng năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 14,1%.

Cho đến nay, vùng đất biên giới này đã thu hút nhiều công trình, dự án quan trọng đi vào hoạt động đang mang lại hiệu quả như các công trình thủy điện A Lưới (công suất 170MW), A Roàng (công suất 7,2MW), nhà máy gạch tuynel (công suất 10 triệu viên/năm). Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, lãnh đạo huyện A Lưới đã tiến hành trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy tinh bột sắn A Lưới tại thôn Tà Ay, xã Hồng Trung với tổng vốn đầu tư 92 tỷ đồng, đồng thời trao văn bản chấp thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư cho các dự án: Khu du lịch sinh thái suối Parle, trồng cây dược liệu, nhà máy sản xuất dăm gỗ, trang trại chăn nuôi gia súc công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, A Lưới còn là nơi hội tụ những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Vân Kiều và Kinh, tạo cho mảnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa quý báu. Đó chính là những tập tục sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ, các làng nghề truyền thống, các món ăn dân gian và nguồn văn hóa vật thể vô cùng phong phú, đa dạng…

…Trước khi chia tay, anh hùng Hồ Kan Lịch hát tặng chúng tôi bài hát Cô gái Pa Cô của nhạc sĩ Huy Thục: “...Ơ, người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ, dù gian khổ vượt núi băng rừng. Dù mưa bom em không ngần ngại chi…”. Bài hát đã kết thúc từ lâu, nhưng lời của nó cứ rạo rực mãi trong mỗi bước đường chúng tôi đi qua những địa danh chiến tranh khốc liệt năm xưa như đồi Thịt Băm, dốc Mạ Ơi, suối Máu… để trở về đồng bằng. Nó cũng như một lời nhắc nhở về cái giá đắt phải trả cho hòa bình và sự trân trọng về những gì mà A Lưới có được hôm nay...

Hoàng Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xung-danh-con-chau-bac-ho/