Xứng đáng là nơi Bác Hồ cho dựng tượng khi Người còn sống

Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng trên vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc, do đó, huyện Cô Tô luôn xác định phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển của quốc gia. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cô Tô đã đoàn kết, năng động, sáng tạo xây dựng huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Bứt phá từ một huyện nghèo

Khi mới thành lập, huyện Cô Tô phải đối mặt với nhiều thách thức khi giao thông đi lại khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế. Mặc dù vậy, đươc sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, Cô Tô không ngừng vươn lên, trở thành một huyện đảo có nền kinh tế năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh, trở thành điểm tựa của ngành ngư nghiệp trên toàn vùng biển Đông Bắc.

Tượng Bác Hồ ở Cô Tô. Ảnh: Hùng Sơn

Tượng Bác Hồ ở Cô Tô. Ảnh: Hùng Sơn

Đặc biệt, năm 2012, Quảng Ninh đã đầu tư Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (khởi công vào tháng 11/2012), mang đến động lực phát triển mạnh mẽ cho huyện đảo. Dự án có tuyến đường dây nối từ Vân Đồn ra Cô Tô gần 60km, trong đó có 25km cáp ngầm 22kV xuyên biển, với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Trong đó, nguồn kinh phí của tỉnh Quảng Ninh và huy động xã hội hóa là hơn 880 tỷ đồng và Tổng công ty Điện lực miền Bắc là 280 tỷ đồng. Sau gần một năm thi công, dự án hoàn thành vào tháng 10/2013. Việc kéo điện thành công ra đảo Cô Tô đã tiếp thêm nguồn lực cho việc bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế của đất nước ở vùng biển Đông Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên hơn 5.000 dân trên đảo được sử dụng điện lưới quốc gia.

Nhờ đó, trong những năm gần đây, Cô Tô luôn đạt tốc độ tăng trưởng từ 15-16 %; kinh tế chuyển dịch tích cực đúng hướng, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm ưu thế. Chỉ tính riêng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện đã đạt 48 tỷ đồng, bằng 126,3% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Số khách du lịch đến Cô Tô năm 2019 đạt 288.000 khách, tăng 20% so với cùng kỳ (năm 2018 là 240.000 khách), trong đó khách quốc tế là 4.200 khách. Doanh thu du lịch đạt khoảng 699,8 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Diện mạo đô thị sinh thái biển Cô Tô đang dần hoàn thiện. Ảnh: Thành Chung

Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới, việc đảm bảo an sinh xã hội được huyện triển khai thực hiện tốt. Hiện toàn huyện không còn nhà tạm và hoàn thành việc xóa nghèo từ tháng 7/2019. Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, các tiêu chí y tế, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự, hệ thống chính trị..., đều đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 3.850 USD/năm. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được huyện tập trung giải quyết đồng bộ và đạt kết quả nổi trội. Chính vì thế, Cô Tô là địa phương thứ 2 của tỉnh được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và là huyện đảo đầu tiên trong số 12 huyện đảo trên toàn quốc cán đích nông thôn mới từ năm 2015. Các lĩnh vực văn hóa không ngừng được cải thiện, nâng cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được củng cố và đẩy mạnh. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng mới. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển cả về chất lượng và số lượng... Quốc phòng - an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố.

Thành công từ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh

Để có thành công như ngày hôm nay, Đảng bộ huyện Cô Tô đã luôn giữ vững khối đoàn kết nội bộ, phát huy hiệu quả sức mạnh trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên. Công tác lãnh đạo, điều hành từ huyện đến cơ sở có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, dân chủ, bám sát cơ sở, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở được quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Đội ngũ cán bộ được nâng cao về chất lượng, trình độ và kiến thức. Nhiều cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có phẩm chất, năng lực, tích cực tham gia các phong trào và từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới. Đây được coi là yếu tố tiên quyết, có ý nghĩa quyết định giúp Huyện ủy triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới và triển khai thắng lợi các Nghị quyết đề ra. Qua đó, nhận được sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Khu hậu cần nghề cá Cô Tô. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ huyện Cô Tô xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện tốt phương châm “sâu sát cơ sở, tập trung trong lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay tại cơ sở” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Do vậy, hệ thống chính trị ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn về tổ chức; năng lực chỉ đạo điều hành từng bước được nâng lên. Khối đại đoàn kết các dân tộc luôn được quan tâm chăm lo xây dựng, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Thanh Phong

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202002/xung-dang-la-noi-bac-ho-cho-dung-tuong-khi-nguoi-con-song-2469806/