Xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới (bài 2)

Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề và hết sức thiêng liêng. Để làm được điều này, việc xây dựng, phát triển đời sống mọi mặt ở khu vực biên giới đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, từ khi thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', không quản ngại khó khăn, gian khổ, góp phần cùng các lực lượng và chính quyền địa phương củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, từng bước chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân trên biên giới, biển, đảo...

Bài 1: Xây “cột mốc lòng dân” trên biên giới

Bài 2: Dựng “phên dậu” nơi đầu sóng, ngọn gió

Kế thừa truyền thống, kinh nghiệm quý báu “giữ nước phải luôn lo kế lâu dài” của ông cha ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước, hơn 61 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, BĐBP luôn xác định, để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, cùng với việc xây “cột mốc lòng dân” trên biên giới, cần phải tạo dựng “phên dậu” vững chắc từ ngoài biển khơi...

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra bảo vệ đảo Phú Quý, Bình Thuận. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra bảo vệ đảo Phú Quý, Bình Thuận. Ảnh: Đăng Bảy

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo

Nước ta có bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc vào Nam và khoảng trên 1 triệu km2 vùng biển (gấp 3 lần diện tích đất liền; chiếm gần 30% diện tích Biển Đông). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành phố ven biển. Từ bao đời nay, nhân dân ta đã bám biển, dựa vào biển, vừa khai thác tiềm năng to lớn từ biển, phục vụ cho “quốc kế, dân sinh”, vừa khẳng định chủ quyền và chống ngoại xâm từ hướng biển. Nhưng thời gian gần đây, đi liền với những thuận lợi, sự phát triển, là gia tăng các nguy cơ như hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt là những yếu tố làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự vùng biển, đảo trong khu vực đang có chiều hướng gia tăng, diễn ra rất đa dạng, phức tạp... Vấn đề bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo vì vậy càng phải đặc biệt được chú trọng.

Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, giữ gìn môi trường sinh thái trên vùng biển, đảo. Để xây dựng “phên dậu nơi biên giới”, bằng nhiều hình thức, phương pháp trực quan, sinh động, BĐBP đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về chủ quyền biển, đảo. Và thời gian gần đây là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia... “Mưa dầm thấm lâu”, bằng sự kiên trì và cả trái tim nhiệt huyết, BĐBP đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới, biển đảo.

Với phương châm “hướng về cơ sở, tôn trọng cơ sở”, nhờ chủ động, tích cực, BĐBP các tỉnh ven biển đã cùng với các ngành, các lực lượng, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở chính trị và đội ngũ cán bộ địa phương, giúp họ chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở... Theo đó, hàng ngàn các bộ, đảng viên đồn Biên phòng đã được tăng cường xuống làm cán bộ xã; tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương hoặc nhận đỡ đầu các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Cùng với đó, bám sát đặc điểm địa bàn, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an, Hải quan, Hải quân, Cảnh sát Biển trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển; quản lý phương tiện thủy nội địa, quản lý xuất nhập cảnh trên khu vực biên giới biển.

Thực tiễn cho thấy, việc BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở các xã biên giới, vùng biển. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân từng bước được nâng lên.

Hỗ trợ, khuyến khích ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn “bám dân, bám chính quyền”, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo phương châm “Ba bám, bốn cùng”. Bằng những cách làm hay, thiết thực, các đơn vị Biên phòng đã tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hay các mô hình như “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, khóm (ấp) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”; xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”... để giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cùng với đó, BĐBP đã chủ động tham gia thẩm định các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực cảng, cửa khẩu, như: Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu, tránh trú bão, công trình phòng thủ bờ biển, hệ thống kết cấu hạ tầng, đường giao thông ven biển. Đáng chú ý là, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng, doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Để dựng “phên dậu”, cần phải tập hợp và phát huy sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, không chỉ ở trên bờ, trong đất liền mà ngay từ ngoài biển, đảo khơi xa...

Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều cách làm sáng tạo như các mô hình “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự bến bãi”; “Thôn, xóm, khu phố, gia đình, dòng họ tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền vùng biển”... Từ đây, cả nước có 1.925 tổ tàu thuyền an toàn, 382 bến bãi an toàn; hàng ngàn tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển, đảo...

Thực hiện lời dạy “Vì nhân dân quên mình”, dù ngoài hải đảo xa xôi hay nơi ngàn trùng sóng vỗ, BĐBP luôn chủ động, sẵn sàng có mặt ở những nơi “đầu sóng, ngọn gió” để tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân...

Những việc làm trên của BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển không những tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối quan hệ máu thịt quân - dân, mà còn thiết thực củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở. Đó cũng là nhân tố cơ bản để BĐBP hoàn thành nhiệm vụ chính trị: Cùng toàn dân dựng “phên dậu”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc...

Bài 3: “Lá chắn thép” trên biên giới, biển đảo

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xung-dang-la-cho-dua-tin-cay-cua-cap-uy-chinh-quyen-va-nhan-dan-bien-gioi-bai-2-post434147.html