Xúm vào xem kẻ 'ôm lựu đạn': Sự hiếu kì lạ lùng!

Điều kỳ lạ là có những vụ việc nguy hiểm như đánh nhau, cháy nhà, thậm chí là rà phá bom mìn…, vẫn có rất nhiều người dân xúm vào để xem. Chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm (Bộ Công an) - Trung tá Đào Trung Hiếu đã có những lý giải về dạng 'tâm lý đám đông' này.

Ảnh minh họa

Đánh nhầm cảnh sát

Ngày 1.10, hàng trăm người dân hiếu kì tập trung tại đường Hồng Bàng (TP. Vinh, Nghệ An), mặc cho cơ quan chức năng cảnh báo đối tượng nghi cầm súng và ôm lựu đạn. Trước đó, vào tháng 11.2017, người dân “hồn nhiên” rủ nhau lên cầu Long Biên (Hà Nội) để xem lực lượng công binh gỡ bom.

Bình luận về hiện tượng này, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng trước hết hành vi đó do tâm lý hiếu kỳ, được cộng hưởng bởi tâm lý đám đông. Phản ứng tâm lý tò mò là tâm lý chung của con người.

Về căn nguyên hành vi này, Trung tá Hiếu phân tích: “Cốt lõi ở hai phần nhận thức và ý thức. Nhận thức kém ở chỗ người ta quá coi thường, chủ quan và tặc lưỡi trước an nguy của mình.

Ví dụ như vụ việc hung thủ ôm lựu đạn cố thủ, những người không liên quan cố tình xông vào “cấm địa” để livestream, bất chấp thương vong có thể xảy ra.

Thứ hai là ý thức, mặc dù lực lượng cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường, người dân cố tình xúm vào để xem. Trong lúc họ thỏa mãn cái tôi nhận thức cá nhân, họ đã bước qua những ràng buộc khác thuộc về trách nhiệm của mình như trách nhiệm tham gia giao thông, họ sẵn sàng để đường phố tắc nghẽn. Đôi khi hậu quả đến từ chính đến đám đông, chắn hết lối không thể đưa người bị nạn đi cấp cứu, xe cứu hỏa không thể vào dập cháy được vì “tắc đường”… chẳng hạn.

Có nhiều năm công tác trong lực lượng cảnh sát điều tra, Trung tá Hiếu thuật lại sự cố “dở khóc dở cười” do hiệu ứng đám đông gây ra:

“Vào năm 2003, khi vây bắt tội phạm bắt cóc trẻ con, đồng chí đầu tiên xông vào bị đối tượng dùng súng chọc rách mặt. Tất cả lực lượng còn lại khi đó tập trung vào ki-ốt vây bắt đối tượng, người dân túa vào xem. Họ quá căm phẫn, kích động vì cháu bé 22 tháng tuổi bị kẻ bắt cóc kề dao vào cổ cả ngày liền. Vì thế khi đồng chí đầu tiên chạy ra bị dân lao vào đánh tới tấp vì hiểu nhầm là tội phạm. Chỉ đến khi chúng tôi phát hiện tuýt còi thì người dân mới giãn ra”.

Tác động từ mạng xã hội

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam bày tỏ quan điểm, hiện tượng tâm lý đám đông càng có điều kiện bùng phát khi mạng xã hội lên ngôi. Đám đông xúm đông xúm đỏ để livestream cũng một phần thể hiện mình là “người đưa tin” thần tốc, cập nhật liên tục thông tin trên mạng xã hội. Càng những sự kiện sốc, nóng càng gây hứng thú, hút like và chia sẻ. Lúc đó tư duy cảm xúc hoàn toàn đánh gục tư duy logic.

Lý giải thêm về hành vi cố hữu này, Trung tá Hiếu nói: “Trong mỗi con người đều có một vị luật sư tự biện hộ và bào chữa cho hành vi của mình. Đối với những người tụ tập livestream thì “vị luật sư” đó tự bào chữa cho hành vi của họ là “cả làng đều xem, không chết ai”.

Một người xem là xấu nhưng khi nhiều người xem thì họ cho rằng điều đó được cộng đồng chấp nhận. Tuy nhiên, không thể đánh tráo khái niệm, bản chất hành vi xấu vẫn là xấu dù nhiều người làm".

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/xum-vao-xem-ke-om-luu-dan-su-hieu-ki-la-lung-634040.ldo