Xúc tiến du lịch tại hội chợ quốc tế - Cần chuyên nghiệp hơn

Hội chợ du lịch quốc tế là kênh xúc tiến quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Ông Lê Tuấn Anh- Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) đã có cuộc trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.

Ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch)

Ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch)

Tham gia xúc tiến tại Hội chợ quốc tế du lịch, Việt Nam sẽ được gì, thưa ông?

Vì quy mô xúc tiến của du lịch Việt Nam còn thấp, nên hội chợ chính là kênh để đẩy cao hơn hoạt động này. Mặt khác, tham gia hội chợ sẽ góp phần nâng cao nhận biết về hình ảnh, định vị và thông điệp của du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm theo từng giai đoạn. Đồng thời, cập nhật các chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới; xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) du lịch tiếp cận, mở rộng thị trường, thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Hiện thương hiệu du lịch quốc gia được quảng bá như thế nào tại hội chợ quốc tế?

Thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch (TCDL) định vị thương hiệu Việt Nam dựa vào sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử, tham quan thành phố. Và việc quảng bá, nhận dạng thương hiệu thông qua nhận biết logo chính và logo phụ cho 4 dòng sản phẩm đó. Chủ đạo của du lịch Việt Nam sẽ được tập trung quảng bá mạnh như: Hà Nội, Hạ Long, Hội An. Sau đó là giới thiệu điểm đến phụ cận, vệ tinh tới các thị trường truyền thống, để đối tác kết nối, khai thác, mở thêm tour mới.

Quảng bá du lịch với khách nước ngoài

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các đợt tham gia hội chợ quốc tế của du lịch Việt Nam?

Đánh giá một cách công bằng thì hiệu quả chưa như mong muốn, bởi nguồn lực của chúng ta quá hạn chế. Như kinh phí cho xúc tiến hội chợ chỉ chiếm phần ít trong kinh phí xúc tiến du lịch quốc gia (1-1,5 triệu USD/năm). Vì thế, quy mô và chất lượng các gian hàng, nội dung và hình thức các ấn phẩm, vật phẩm du lịch chưa thực sự ấn tượng, hấp dẫn. Ngoài ra, công tác tổ chức các hội chợ còn thiếu tính chuyên nghiệp; hợp tác tổ chức xây dựng gian hàng chung với các bên liên quan thiếu tính ổn định và kế hoạch dài hạn. Chưa có văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài; thiếu cán bộ xúc tiến thành thạo ngôn ngữ ở các thị trường trọng điểm… Chỉ một số DN lớn có tầm nhìn, luôn có sản phẩm mới để xúc tiến, quảng bá; có chiến lược tiếp thị chuyên nghiệp khi tham gia hội chợ. Họ biết cách để có các cuộc gặp với đối tác tiềm năng, biết đầu tư gian hàng cho ấn tượng, mua thẻ thành viên chính thức để truy cập vào dữ liệu vào khách mua, rồi đặt lịch hẹn và giao dịch rất hiệu quả. Tiếc là nhiều DN nhỏ chỉ tìm đối tác ngẫu nhiên, thiếu chuyên nghiệp nên hiệu quả xúc tiến rất ít.

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, công tác xúc tiến cần thay đổi gì để tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam?

Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, nếu không khắc phục điểm yếu thì sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã yếu có thể sẽ bị tụt hậu. Camphuchia, Lào, Myamar… có thể sẽ vượt Việt Nam vì cách làm chuyên nghiệp, chắc chắc hơn. Vì thế, khi nguồn lực cho hoạt động xúc tiến không thể thay đổi bắt buộc chúng ta phải từng bước thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; thể hiện rõ mô hình công – tư kết hợp, bám sát các nội dung của các đề án thu hút khách du lịch ở các thị trường trọng điểm; đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại hội chợ. Thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ kết nối với các bên liên quan, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp đê tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-du-lich-tai-hoi-cho-quoc-te-can-chuyen-nghiep-hon-49719.html