Xúc phạm thần tượng bị phạt: Hành xử phản giáo dục khác...

TS Quý cho rằng, việc phát tán video kỷ luật học sinh lên mạng chẳng khác nào nhà trường đang lặp lại lỗi sai của phía nam sinh.

Vụ phát tán video quay cảnh nam lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, TP.HCM đọc bản kiểm điểm về hành vi xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trước toàn trường đang gây xôn xao dư luận.

Bình luận về việc này, sáng ngày 8/11, trao đổi với báo Đất Việt, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý, giảng viên Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội I cho rằng, cách hành xử của phía nhà trường chằng khác nào đang lặp lại cái sai của phía nam sinh khi em này có những lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS trên mạng xã hội.

"Nhà trường tung video kỷ luật học sinh như vậy là cách làm không đúng với tâm lý của học trò bởi các em đang ở tuổi phát triển, thể hiện tính cách cá nhân nên rất dễ bị tổn thương về lòng tự trọng. Lòng tự ái ở các em rất cao, cái Tôi rất lớn, nếu không có cách ứng xử khéo léo thì sợ rằng sẽ dẫn đến sự chống đối quyết liệt hơn.

Lẽ ra, khi xảy ra sự việc này, nhà trường phải giúp cho nam sinh nhận ra cái sai của mình để em này tự nhìn nhận thấy cái sai và tự lên tiếng xin lỗi nhóm nhạc BTS về những lời lẽ xúc phạm trước đó thì sẽ hay hơn là bắt em đọc bản kiểm điểm trước toàn trường rồi tung video buổi kỷ luật này để làm xoa dịu sự giận dữ của fan hâm mộ", TS Nguyễn Kim quý phân tích.

Theo TS Quý, nhà trường phát tán video kỷ luật nam sinh đó đã vô tình hạ nhục em trước toàn trường và trước cộng đồng mạng. Phía nhà trường tưởng việc làm này sẽ đem lại hiệu quả nhưng thực tế lại phản tác dụng đối với tâm lý học sinh.

TS Quý nói: "Người lớn đã không dạy nam sinh đó về cách ứng xử như nào cho hợp lý, thậm chí còn có hành động như cách nam sinh này đã làm là không được. Bên cạnh đó, việc phát tán video kỷ luật nam sinh này lên mạng như vậy cũng là vi phạm quyền của trẻ em.

Rõ ràng làm như thế là không ổn, trước khi tung video về ai thì phải xin ý kiến của người đó, chưa kể ai cho phép quay video về người khác như thế. Bởi vậy, tôi nghĩ, việc này nhà trường cần phải lên tiếng xin lỗi nam sinh đó bởi sự việc vô tình đã đẩy sang một trạng thái khác.

Ở đây, nhà trường không khác gì nam sinh này. Trước đây nam sinh có lời lẽ xúc phạm đến thần tượng của nhiều người thì giờ đến lượt nhà trường xúc phạm lại nam sinh đó. Vấn đề chính ở đây là nhà trường muốn sửa cái sai đó thì lại đang lặp lại chính cái sai đó", TS Quý cho biết thêm.

Nam sinh lớp 8 đọc kiểm điểm trước trường ngày 5/11 - Ảnh: Cắt từ clip

Nam sinh lớp 8 đọc kiểm điểm trước trường ngày 5/11 - Ảnh: Cắt từ clip

Bình luận về cách thể hiện tình cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay với thần tượng của mình, vị TS này cho rằng, việc giới trẻ có thần tượng là chuyện hết sức bình thường. Đây mới đúng là giới trẻ, tuy nhiên nhà trường và gia đình cần phải định hướng cho giới trẻ về cách thể hiện tình cảm của mình với các thần tượng thế nào là lịch sự, tôn trọng họ và tôn trọng chính bản thân mình.

"Việc này nhà trường không dạy, gia đình cũng vậy nên có thể dẫn đến cách thể hiện tình cảm với thần tượng của một bộ phận giới trẻ là thái quá, là vô lối. Nhiều em muốn thể hiện tình cảm với thần tượng một cách khác người để câu like. Bởi vậy, nếu người lớn hiểu thì có thể định hướng cho con em, học sinh của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì sẽ tốt hơn", TS Quý nói.

Trở lại với trường hợp của nam sinh có những lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, vị TS trên nói, đối với một sự việc xảy ra trong học đường, nếu là lần đầu mắc lỗi, giáo viên hoặc nhà trường có thể gặp riêng học sinh để phân tích, trao đổi với em về cách hành xử đó.

Mục đích chính ở đây là để cho em nam sinh đó nhận thấy cái sai của mình, biết cái sai mà sửa mới là quan trọng. Không nên thấy một cái sai mà đánh giá toàn bộ nhân cách của một người, nhất là đối với các em học sinh đang ở lứa tuổi bộc lộ tính cách.

"Vì một hành động mà đánh giá toàn bộ nhân cách của một đứa trẻ là sai lầm. Về phía nhà trường, sau khi nhận được phản ánh của fan hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc thì đại diện trường cũng nên có những lời phúc đáp gửi tới những người này.

Qua việc này, nhà trường cũng phải lưu ý đến vấn đề giáo dục, định hướng giá trị sống cho học sinh trong toàn trường, trong cách ứng xử thế nào cho tốt thay vì phát tán video lên mạng như thế. Làm như vậy, vừa nhẹ nhàng, vừa có tính giáo dục mà lại răn đe được những hành động chưa đúng mực của học sinh", vị TS trên chia sẻ thêm.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho biết, video được phát tán trên mạng là do nhà trường ghi lại, sau đó chuyển cho người điều hành fanpage Trường THCS Ngô Quyền (do cựu học sinh của trường lập) để đăng tải.

"Mục đích của tôi khi làm việc này là xoa dịu sự phẫn nộ của cộng đồng fan BTS để bảo vệ cho học trò của mình. Nhưng tôi không thể ngờ cộng đồng mạng lại share và sử dụng nó với nhiều mục đích khác nhau. Đúng là tôi không có kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề về truyền thông. Tôi đã sai và nếu được làm lại, tôi sẽ không làm như vậy", ông Thụ nói.

Được biết, ngày 5/11, Trường THCS Ngô Quyền thông báo hình thức kỷ luật N.H.M.Q. - nam sinh lớp 8/4 bằng việc cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập trong 4 buổi (từ ngày 6 đến ngày 9/11/2019, Q. vẫn đến trường nhưng không được vào lớp mà ngồi ở phòng giám thị và phải mượn tập của bạn để chép bài đầy đủ), hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ 1 năm học 2019-2020.

Nguyên nhân của hình thức kỷ luật trên: M.Q. đã lập một fanpage có tên "Anti BTS in VietNam", sau đó đăng một loạt bài có nhiều lời lẽ, hình ảnh rất thô tục và bậy bạ, xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, cộng đồng fan của BTS (ARMY).

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/xuc-pham-than-tuong-bi-phat-hanh-xu-phan-giao-duc-khac-3391041/