Xúc động với tuổi thơ nghèo khó, hàn vi của ca sĩ Vũ Thắng Lợi

Chia sẻ về tuổi thơ nghèo khó, kiếm tiền ngày hôm nay chưa biết đến ngày mai, ca sĩ Vũ Thắng Lợi xúc động cho hay: 'Tôi còn nhớ như in hình ảnh đầu bố bê bết máu hay bố phải đi chân trần lội xuống bể phốt để thông cống'.

Xin chào Vũ Thắng Lợi, nhìn lại con đường 10 năm hát nhạc đỏ, nhiều người nói Vũ Thắng Lợi bị ảnh hưởng từ ca sĩ Trọng Tấn rất nhiều, từ con đường âm nhạc tới cách thể hiện, phong thái, vì vậy mà không có nét riêng. Thắng Lợi nghĩ sao về nhận xét này?

- Tôi nghĩ đó là điều tốt, vì không chỉ riêng tôi, các ca sĩ nhạc nhẹ thường bắt đầu con đường âm nhạc của mình bằng một thần tượng nào đó. Tôi không phủ nhận điều đó.

Ca sĩ Trọng Tấn “rơi” đúng vào thời điểm hoàng kim của nhạc đỏ, khi nhạc đỏ sống lại cách đây hơn một thập kỷ. Anh Trọng Tấn “tung hoành” trên khắp các sân khấu cũng như ra rất nhiều album nhạc đỏ. Chính điều đó đã làm nhạc đỏ sống lại, đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những khán giả trẻ. Những khán giả đã sẵn có trong mình những hoài ức, kỷ niệm để rồi họ được sống lại thời thanh xuân. Vì vậy khi được nhận xét như vậy, tôi nghĩ đó là thành công của tôi.

Tuy nhiên đó là trước đây, còn bây giờ từ khuôn mẫu, chuẩn mực, sức ảnh hưởng đã được tôi tách ra con đường đi của riêng mình thông qua những bản phối khí của nhạc sĩ Hồng Kiên. Chính nhạc sĩ Hồng Kiên đã định hướng, khai phá, mở lối đi riêng cho tôi hát nhạc đỏ nhưng không theo lối nhạc đỏ, những bản phối khí theo cách mềm mại, nhẹ nhàng và rất đời.

Bây giờ chúng ta đang sống ở thời bình của thế hệ trẻ, nên tôi nghĩ tôi sẽ hát bằng cả tâm hồn, trái tim, cách cảm nhận của thế hệ trẻ. Đó là điểm đi khác biệt riêng của tôi khi thể hiện các ca khúc nhạc đỏ.

Có khi nào Vũ Thắng Lợi thấy chạnh lòng hay thiệt thòi khi nhìn ra bên ngoài, những ca sĩ bằng lứa, đàn em, thậm chí những ca sĩ trẻ mới vào nghề nhưng đã nổi tiếng, cát xê cao hơn?

- Tôi bằng lòng với cuộc sống mình đang có. Tôi tự chọn cuộc sống này và tôi thấy bình yên. Một người nghệ sĩ thực thụ muốn có cảm xúc thực sự thì nên chọn con đường đi như vậy.

Có thể cuộc sống của tôi không được hào nhoáng, không được nhiều show, tiền cát xê cao, nhưng đó là cuộc sống tôi đã chọn, nhất là bây giờ tôi còn theo nghiệp giảng dạy nữa.

Còn hỏi tôi có thấy thiệt thòi hay không? Tôi không quan trọng chuyện cát xê được nhiều hay ít, bởi tôi là người trong quân ngũ. Nếu như các ca sĩ ở ngoài có thể họ sẽ đòi giá cỡ vài chục triệu đến cả trăm triệu họ mới đến hát, nhưng với tôi, tôi tự hào là có chỗ hát không cát xê tôi vẫn hát, hát một cách say sưa. Bởi tôi là người lính, tôi thấy đó là niềm khao khát, được cống hiến. Một năm tôi vẫn đi hát phục vụ cho đồng bào ở biển, hải đảo, ra Trường Sa hát tôi vẫn vui.

Vậy một năm, Vũ Thắng Lợi đi hát show bên ngoài có nhiều?

- Cũng vừa phải thôi. Tôi đi hát đủ tiền để làm show.

Nhiều người cho rằng với những người trải qua nhiều sóng gió, nhiều thăng trầm thì sẽ có cảm xúc để hát thăng hoa trên sân khấu hơn những người có cuộc sống bình lặng, thậm chí có phần hơi nhàm chán?

- Đúng như vậy, nếu một người trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm thì khi lên sân khấu hát sẽ cảm xúc hơn rất nhiều. Bản thân Vũ Thắng Lợi cuộc sống hiện tại không có gì gọi là sóng gió. Nhưng điều cho Thắng Lợi nhiều cảm xúc nhất khi lên sân khấu nhất đó là tuổi thơ hàn vi của mình. Tôi xuất thân trong gia đình không có ai theo nghệ thuật. Bố mẹ tôi là những công nhân bình thường, những người kiếm từng đồng sống qua ngày, kiếm ngày nay chưa biết tới ngày mai.

Tôi là người sống thiên về ký ức, hay ngồi nghĩ và nhớ lại những gì khó khăn mình đã trải qua và nó cho tôi động lực.

Tôi có niềm đam mê âm nhạc như ngày hôm nay là nhờ bố. Mặc dù không đi theo nghệ thuật nhưng ông lại là người rất yêu nghệ thuật, đam mê chụp ảnh. Bên cạnh công việc làm bảo vệ, bố tôi còn đi chụp ảnh kiếm tiền thêm. Đây cũng là khoản thu nhập chính nuôi sống gia đình tôi. Ngày đó, nếu ai sở hữu một chiếc máy ảnh là rất oách và nếu có được tấm ảnh đen trắng thì sung sướng lắm, thậm chí có những người đến chết mới có được tấm ảnh.

Có thời điểm bố tôi làm bảo vệ cho đoàn cải lương, khi đó ông đưa tôi đi cùng và tôi hay lén vào hậu trường xem các bác, các cô chú tập luyện vở diễn. Tôi xem say mê và còn thuộc hết cả vở diễn mặc dù lúc đó mới 3 tuổi. Giờ nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ có những lúc lại thấy mắt cay cay.

Vũ Thắng Lợi có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tuổi thơ nghèo khó của mình?

- Tôi còn nhớ như in hình ảnh đầu bố bê bết máu hay hình ảnh bố phải đi chân trần lội xuống bể phốt để thông cống. Ngày đó gia đình tôi không có nhà ổn định như nhiều gia đình khác, mà cứ bố đi làm bảo vệ ở đâu thì đó là nhà của chúng tôi. Tôi còn nhớ nơi chúng tôi ở, ra vào công ty là hai cánh cổng sắt rất to, để đảm bảo an ninh, chống kẻ trộm lẻn ban đêm, bố tôi đã tự làm bẫy bằng cách treo lên trên đó chiếc đèn bằng gang.

Một lần tôi đi học về, thấy bố đang ôm đầu bê bết máu, tôi sợ hãi chạy lại hỏi thì bố tôi bảo: “Chút xíu thì bố chết, vì cái đèn gang rơi vào đầu”. Hóa ra, vì chờ tôi về, bố mở cửa và đã bị đèn rơi trúng đầu.

Một hình ảnh khác cũng khiến tôi ứa nước mắt vì thương bố, và cũng không tưởng tượng được bố tôi đã làm được việc như vậy. Bố tôi làm bảo vệ nên gần như những việc vặt vặt cũng đều đến tay bố tôi. Ví dụ như điện hỏng ở đâu, nước bị rò rỉ, thậm chí tắc cống toa lét, bể phốt bố tôi cũng phải làm hết.

Ngày đó bể phốt bị tắc, họ cũng gọi đến bố tôi mà ngày đó chưa có nhiều máy móc, công nghệ thông tắc hiện đại như bây giờ. Bố tôi đã phải bậy tất cả các hố bể phốt, sau đó ông đi chân trần lội xuống để tìm bể nào tắc, sau đó thì tay không thông bể…Đó là những hình ảnh những ký ức mà tôi không bao giờ quên.

Vũ Thắng Lợi và ca sĩ Uyên Linh

Với một người có lối sống bình yên và chỉn chu như vậy, Vũ Thắng Lợi nghĩ thế nào về những bạn trẻ bây giờ muốn nổi tiếng, muốn tạo tên tuổi bằng những chiêu trò PR về tình cảm?

- Tôi nghĩ đó là con đường không lâu dài. Chiêu trò mãi cũng hết, dần cũng sẽ bị lộ chân tướng. khán giả giờ rất tinh, họ không dễ gì mắc bẫy. Có thể họ tò mò muốn đến xem cô này hát chỉ để xem cô này xinh vì làm ngực, bơm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ mũi, gọt cằm thành V-line, cắt mí, xăm môi…, nhưng sau đó họ cũng sẽ không quan tâm nữa, nếu như thực sự không có thực lực, có giọng hát.

Khán giả dòng nhạc của tôi còn khác hơn nữa, họ có chiều sâu, họ đến sân khấu là để nghe nhạc. Họ là những khán giả tri thức, họ nghe bằng trái tim, bằng cảm xúc thực sự. Thậm chí trong liveshow tới đây của tôi còn có những khán giả có vị trí nhất định nào đó trong xã hội đến nghe.

Theo Vũ Thắng Lợi, điều gì khiến một số bạn trẻ lại phải dùng tới chiêu trò “bẩn” đó, khi mà họ cũng đã từng được ghi nhận là có giọng hát, thậm chí khi tham gia một vài cuộc thi truyền hình thự tế cũng được đánh giá tốt?

- Tôi nghĩ chắc các bạn ấy hơi sốt ruột khi mà bạn trẻ ấy ở trong môi trường rất nhiều ca sĩ, gameshow, cuộc thi hát, sự cạnh tranh để nổi tiếng, được biết đến. Các bạn ấy đã không có được định hướng tốt. Tôi rất may đã có một ê kíp định hướng cho mình.

Cám ơn Vũ Thắng Lợi!

Ngày 21.12, ca sĩ Vũ Thắng Lợi sẽ thực hiện đêm nhạc “Khát vọng”, live concert lớn nhất trong sự nghiệp 10 năm ca hát của mình. Chương trình diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với các ca sĩ khách mời: Trọng Tấn, Lan Anh, Uyên Linh, chỉ đạo nghệ thuật - nhạc sĩ Hồng Kiên và tổng đạo diễn Hoàng Công Cường.

Thanh Hà (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/xuc-dong-voi-tuoi-tho-ngheo-kho-han-vi-cua-ca-si-vu-thang-loi-935515.html