Xúc động những tấm gương nghĩa hiệp giữa bão lũ

Giữa thiên tai khắc nghiệt, khốn khó chồng chất cũng hiện lên những nghĩa cử cao đẹp, những câu chuyện ấm áp tình người. Đó chính là truyền thống thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của người Việt.

Chủ tịch xã ngâm mình trong nước lũ giúp dân

Trong đợt lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 tại Quảng Bình, hình ảnh vị chủ tịch xã ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt để đưa hàng trăm người thoát khỏi dòng nước lũ khiến ai nấy đều xúc động. Đó là ông Lê Văn Quyết (48 tuổi), Chủ tịch xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.

Xã An Thủy là một trong 2 xã ngập sâu nhất của huyện Lệ Thủy trong đợt lũ cuối năm ngoái. Trong khi nhà mình nước ngập 2 - 3 m, đồ đạc chìm trong lũ... nhưng ông Lê Văn Quyết (48 tuổi) vẫn cùng đoàn cứu hộ dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày cứu hơn trăm người dân.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch Huyện Lệ Thủy cho biết, ông Quyết rất xông xáo, nhiệt tình, cũng là người có năng lực và trách nhiệm. “Hình ảnh Chủ tịch xã An Thủy bơi giữa nước lũ cứu dân cũng là hình ảnh tiêu biểu về cứu hộ, cứu nạn, gây xúc động thời gian qua”, ông Tình chia sẻ.

 Vị chủ tịch xã ngâm mình trong nước lũ cứu hàng trăm người dân.

Vị chủ tịch xã ngâm mình trong nước lũ cứu hàng trăm người dân.

Thế nhưng khi hỏi về những việc mà ông đã làm trong đợt lũ lịch sử vừa qua, ông Quyết chỉ cười xòa và nói: “Không riêng mình, mà tất cả anh em đều vất vả. Thậm chí, có những đồng chí như Phó Trưởng Công an xã đã ‘chiến đấu’ từ những ngày đầu tiên đến giờ. Mình còn có khi được ngồi ở ủy ban vì phải trực, đợi chỉ đạo của cấp trên”.

Ông Quyết chia sẻ, nước lũ năm 2020 so với mùa lũ lịch sử năm 2011 dâng cao hơn tới 1,8 mét, còn so với trận đại hồng thủy năm 1979, nước cũng phải cao hơn tới 1,5-1,8 mét. “Các cụ già 80-90 tuổi nói rằng, từ nhỏ tới lớn chưa thấy bao giờ”.

Trong những ngày nước lũ dâng cao nhất, xã An Thủy chỉ có duy nhất một chiếc thuyền nhỏ, bị thủng một miếng to bằng bàn tay. Thế nên, đội cứu hộ xã gồm 4-5 người chủ đạo phải vừa lái thuyền vừa tát nước. Suốt những ngày ấy, họ làm việc cả ngày lẫn đêm, điện thoại không kịp bỏ xuống bởi những cuộc gọi kêu cứu, hỏi thăm…

Ông Quyết bơi giữa dòng nước lũ cứu dân.

“Có nhiều người làm ăn xa quê, không liên lạc được với người thân, cũng gọi cho mình để hỏi thăm tình hình, kêu cứu cho người ở nhà. Rồi các đoàn cứu trợ, bà con cả nước hỏi thăm cũng gọi một số này nên tôi nghe điện thoại suốt ngày đêm. Cả mấy anh em nữa, chứ không riêng mình, nhiều khi phải ngủ ngồi. Có ngày mệt quá, tôi phải giao lại điện thoại cho đồng chí phó chủ tịch, nhờ trực giúp 1 ngày, chứ mình không nghe nổi luôn”.

Ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Quyết cũng là nơi trú ngụ tạm thời của 11 hộ gia đình gồm tổng thể 33 người ăn ngủ, sinh hoạt trong suốt 3-4 ngày nước dâng cao nhất. “Mình tận dụng tất cả các gian, từ phòng khách, phòng ngủ, phòng thờ, nằm đến khi nào chật thì thôi. Thời điểm ấy, bất tiện nhất vẫn là nước sinh hoạt, vấn đề vệ sinh…”, ông Quyết chia sẻ.

“Người hùng Nghệ an”

Là cái tên nhiều cư dân mạng đặt cho anh Nguyễn Văn Thanh (36 tuổi, ở Nghệ An) khi nhắc tới câu chuyện anh lăn lộn nhiều ngày cứu trợ và cứu người bị nạn khi đi cứu trợ...

Anh Thanh kể lại, chiều 28/10/2020 khi đang di chuyển trên địa bàn H.Bố Trạch (Quảng Bình), anh chứng kiến một xe chở hàng cứu trợ bị lật vì gió lớn. Tài xế văng ra 15m và mắc vào dải phân cách bên đường, bất tỉnh tại chỗ. Lập tức, anh cùng những người bạn của mình dừng mọi công việc, đưa tài xế đến Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Bình để điều trị.

Tại bệnh viện, nghe bác sĩ cho biết tài xế chỉ bị thương phần mềm và không nguy hiểm đến tính mạng, anh Thanh mới tiếp tục lên đường cứu trợ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Quảng Bình. Trước khi đi, anh đã nhờ những người bạn của mình ở TX Ba Đồn đến chăm sóc và gửi tài xế 5 triệu đồng để thanh toán viện phí. “Sau khi tỉnh lại, tài xế có gọi điện cho tôi để nói lời cảm ơn. Tôi thấy lòng vui lắm! Vui không phải vì mình nhận được lời cảm ơn mà là vì anh ấy đã khỏe lại”, anh Thanh kể thêm.

Anh Thanh tiếp tế thực phẩm cho một gia đình ở TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, anh Thanh đã rong ruổi gần 1 tháng khắp các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của lũ lụt để giúp đỡ bà con gồm: Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam. Những ngày qua, anh đã hỗ trợ cho bà con hơn 300 triệu đồng tiền mặt, 15.000 thùng mì, 30 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Toàn bộ số tiền mặt và hàng tiếp tế đó do anh tự vận động, quyên góp người thân và cộng đồng.

Chia sẻ về lý do thích làm thiện nguyện, "người hùng Nghệ An" - anh Thanh cho hay tuổi thơ nghèo khó đã giúp anh có sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Với anh, hạnh phúc của anh là thấy được nụ cười của những người mà mình đã giúp đỡ. Anh cho biết hành trình vẫn sẽ tiếp tục, đến khi nào hết bão, hết lũ thì anh sẽ trở về.

Cứu hàng trăm người dân trong “tâm lũ” Hà Tĩnh

Trong đợt mưa lũ thang 10/2020, một câu chuyện đẹp khác ở “tâm lũ” xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ, thán phục. Đó là trường hợp anh Lê Văn Thành (SN 1982, trú thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ) cứu hàng trăm người dân giữa luc dữ.

Vào khoảng 17h ngày 18/10, anh Thành đang đi đánh cá khu vực gần nhà, phát hiện nước lũ lên nhanh, anh tất tả chạy về cùng cả nhà với ý định kê cao đồ đạc, chuẩn bị thuyền cho vợ con phòng trường hợp nước lũ dâng cao. Lúc này, nước lũ từ hồ Kẻ Gỗ cuồn cuộn đổ về, chỉ trong thời gian ngắn toàn bộ 12 thôn thuộc xã Cẩm Duệ chìm trong biển nước. Tiếng mọi người gọi nhau chạy lũ, tiếng kêu cứu, la hét, của người dân làm vùng quê trở nên hỗn loạn chưa từng có.

Khi vợ con đã cơ bản an toàn, anh Thành gọi thêm 3 người khác là anh Lê Văn Công (em trai anh Thành), anh Phạm Văn Đồng và em Đậu Văn Hoàng chèo thuyền vượt dòng nước chảy xiết đến tận nhà người dân để đưa họ thoát khỏi cơn lũ.

Cứu được gia đình này thì gia đình khác kêu cứu, cứ thế, sau hơn 2 ngày “quên ăn”, nhóm của anh Lê Văn Thành đã cùng nhau đưa được hơn 300 người dân ở các thôn: Ái Quốc, Phú Thượng và Trần Phú tới khu vực an toàn.

Chiếc thuyền đánh cá và nhóm anh Thành đã cùng nhau đưa được hơn 300 người dân đến nơi an toàn. Ảnh Báo Hà Tĩnh.

Anh Thành cho biết: “Anh em chúng tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ là cố gắng cứu được nhiều người nhất thoát khỏi dòng nước đang chảy xiết”. Đối mặt với hiểm nguy, chịu nhiều mất mát, thậm chí có lúc lật thuyền, toàn bộ lưới đánh cá, ngư cụ là gia sản lớn của gia đình bị nước lũ cuốn trôi, thế nhưng, với tâm niệm “cứu được một người hơn xây 7 tòa tháp”, các anh lại cùng nhau ngược dòng nước xiết đưa người vượt lũ.

Bà Trần Thị Loan (63 tuổi), người được nhóm của anh Thành cứu sống nhớ lại khoảnh khắc chạy lũ kinh hoàng: “Vào khoảng 18h ngày 19/10, sau một ngày cả 4 người trong nhà dầm mình trong lũ, nước lại tiếp tục dâng, nhà tôi không còn chỗ để trú, lúc đó tôi đã kêu cứu. Thế nhưng, mãi vẫn không thấy ai đến. Một lát sau, chú Thành và nhóm người đến đưa cả gia đình tôi lên thuyền ra khỏi nước lũ. Khi đến đường lớn tôi mới bớt sợ hãi và biết mình vẫn còn sống sót. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn các chú ấy nữa...".

Ông Võ Tá Kỷ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: “Trong cơn lũ vừa qua, địa phương có nhiều tấm gương đáng được khen ngợi, trong đó, anh Lê Văn Thành là người được chính quyền địa phương và bà con rất ghi nhận. Anh đã không màng hiểm nguy, cứu được hàng trăm người dân trong lũ dữ. Chúng tôi sẽ kịp thời đề xuất, khen thưởng, động viên anh và nhóm người đi cùng đã không quản ngại hiểm nguy cứu người dân trong lũ”.

T.Quyên (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/xuc-dong-nhung-tam-guong-nghia-hiep-giua-bao-lu-571920.html