Xúc động học sinh vùng lũ đi khai giảng năm học mới

Gặp nhiều khó khăn do mưa lũ tàn phá nhưng học sinh các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La… vẫn có những lễ khai giảng đầy ý nghĩa.

Học sinh Lai Châu vượt suối dữ đến trường - Ảnh: TTXVN

Học sinh Lai Châu vượt suối dữ đến trường - Ảnh: TTXVN

Không có cầu, phà, bè, học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở bản Nà Ui, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu phải băng qua con suối Pá Đành chảy cuồn cuộn để tới trường kịp dự khai giảng năm học mới.

Bản Nà Ui có 74 học sinh, nhưng chỉ có 24 em lớp 1, lớp 2 được học tại điểm trường ở bản, còn lại 50 em từ lớp 3 đến lớp 5 phải về học tại điểm trường trung tâm. Do đang trong đỉnh điểm của mùa mưa lũ nên nước suối Pá Đành dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết, việc đi lại của học sinh phải có sự giúp sức của phụ huynh và giáo viên.

Để vượt dòng thác dữ về nhà cũng như đến trường, phụ huynh và giáo viên phải cho quần áo, sách vở vào túi ni lông buộc chặt. Sau đó, mỗi phụ huynh và giáo viên lần lượt cho từng em lên vai rồi liều mình bơi ra giữa dòng suối chảy xiết sang bờ bên kia. Mỗi lần chỉ một người đưa một em qua suối và phụ huynh phải chọn cách đi ngược lên phía thượng nguồn rồi thả mình lựa theo dòng suối bơi vào bờ. Nhiều phụ huynh, giáo viên kiệt sức do phải cõng học sinh và bị nước cuốn đi khá xa so với địa điểm an toàn.

Lễ khai giảng của các học sinh điểm trường Nậm Ngà diễn ra đơn giản trên bãi đất bên bờ suối.

Trong khi nhiều trường học trên cả nước rợp cờ hoa, bóng bay đủ sắc màu thì lễ khai giảng của các học sinh điểm trường Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) diễn ra đơn giản trên bãi đất bên bờ suối.

Báo Vietnamnet dẫn lời ông Lý Chùy Hừ, Chủ tịch UBND xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu) cho biết, những hình ảnh được ghi lại tại điểm trường Nậm Ngà cách trung tâm xã 50 km. Sáng nay, khoảng 600 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 cùng các thầy cô giáo đã dự khai giảng tại khu đất ven suối Nậm Ngà.

Theo ông Hử, do khuôn viên điểm trường không có sân nên chính quyền xã đã nhờ doanh nghiệp san phẳng một khu đất trống ven suối Nậm Ngà làm nơi tổ chức lễ khai giảng.

Vào những ngày mưa lớn và mùa mưa, khu vực làm sân cho lễ khai giảng hôm nay sẽ bị ngập hết bởi nước suối dâng cao.

Trên địa bàn xã Tà Tổng chỉ có điểm trường ở trung tâm xã là được xây dựng kiên cố, còn lại các điểm trường khác vẫn đang là nhà xây tạm cho các cháu học, chưa được xây kiên cố.

Lễ khai giảng tại liên Trường mầm non, Tiểu học và THCS xã Khun Há - Ảnh: VGP/Công Việt

Còn lễ khai giảng tại liên Trường mầm non, Tiểu học và THCS xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã diễn ra ngắn gọn với nghi thức đón học sinh đầu cấp vào trường, hát quốc ca; học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; hiệu trưởng các nhà trường đọc diễn văn khai giảng và đánh trống khai trường.

Ảnh: VGP/Công Việt

Sau phần lễ là phần hội với các tiết mục văn nghệ, thể thao sôi nổi, phù hợp với lứa tuổi học trò. Riêng cấp học mầm non, các đơn vị trường tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé”.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa nô nức đi khai giảng - Ảnh: TTXVN

Sáng 5/9, cùng với cả nước, các điểm trường nằm trong vùng lũ tại huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.

Tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân (huyện Quan Hóa), ngay từ sáng sớm, không khí khai giảng đã ngập tràn khắp mọi nẻo đường. Các em học sinh với cờ hoa và những trang phục dân tộc sặc sỡ, náo nức đến các điểm trường dự lễ khai giảng.

Ảnh: TTXVN

Thầy giáo Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân cho biết: Mới cách đây 2 ngày thôi, khu vực xã Thanh Xuân còn ngập chìm trong lũ. Toàn xã có 3 bản bị cô lập hoàn toàn. Trường tuy không thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất nhưng sau lũ, một khối lượng lớn đất đá đổ dồn về sân trường. Để kịp tổ chức lễ khai giảng cùng các hoạt động dạy và học, nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh và chính quyền tích cực khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với học sinh ở 3 bản bị cô lập, trường tổ chức cho các em sơ tán, ăn ở tại trường để bảo đảm an toàn. Đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh đã đến trường để bắt đầu học năm học mới.

Em Phạm Ngọc Ánh, học sinh lớp 9, Bản Sa Lắng là 1 trong 3 bản bị cô lập trong trận lũ vừa qua, cho biết: Ngôi nhà của gia đình em bị ngập và sạt lở đất hư hỏng nặng. Các thầy cô đã bố trí cho em ở tại trường gần 1 tuần nay và hỗ trợ em chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới. Nghệ An - những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 4 vừa qua đều đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ là trường dành cho học sinh 2 xã Mường Típ, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Chịu thiệt hại do cơn bão số 3 và số 4, hệ thống bờ rào lưới quanh trường, bể nhà vệ sinh khu nhà ở bán trú của học sinh bị cuốn trôi. Thầy Hoa Văn Ngành, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là trường không có điện, đường nước bị hư hỏng, đường giao thông bị chia cắt bởi khối lượng lớn đất đá trên núi đổ về chắn ngang con đường dẫn vào trường. Máy xúc không thể vào được đến nơi nên nhà trường và chính quyền địa phương cùng nỗ lực mở một lối đi nhỏ giúp các em thuận tiện tới trường.

Để đến được trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nậm Típ phải đi ô tô rồi di chuyển bằng xe máy và cuối cùng là đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Đường giao thông chia cắt bởi bùn và đất đá khiến việc vận chuyển lương thực, thực phẩm đến cho 380 em học sinh và giáo viên rất khó khăn.

Sau cơn bão, ngoài nỗ lực khắc phục mọi thiệt hại về cơ sở vật chất, nhà trường đã gửi văn bản và liên hệ bằng điện thoại với các trưởng bản thông báo lịch đến trường cho học sinh. Trường cũng giao trách nhiệm nắm bắt thông tin học sinh của từng bản cho các giáo viên phụ trách; nếu thiếu em nào thì phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao, do các em ốm đau, muốn nghỉ học hay đang bận đi rẫy cùng gia đình…

Không chỉ có huyện Kỳ Sơn tuy việc khắc phục hậu quả thiên tại còn nhiều khó khăn nhưng các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông của tỉnh Nghệ An vẫn đang nỗ lực để tất cả học sinh kịp ngày khai giảng theo đúng lịch.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Con Cuông là trường duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức khai giảng muộn một tuần so với kế hoạch. Sau trận bão số 4, trường ngập sâu đến gần 1m, bùn đất dày đặc ở các dãy phòng học tầng 1 và khu nhà ở nội trú của học sinh. Toàn bộ sách vở cùng với đồ dùng sinh hoạt của học sinh nội trú và 36 thầy cô giáo hư hỏng hoàn toàn và không thể sử dụng được. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng bộ đội, đoàn viên thanh niên, nhân dân cùng với thầy trò khắc phục hậu quả chuẩn bị cho năm học mới. Được biết, đây cũng là địa điểm mà trường mượn của xã Bồng Khê để tổ chức học tập cho các em. Tuy nhiên, những năm gần đây trường liên tục chịu nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất cũng như đe dọa đến an toàn của học sinh và giáo viên mỗi khi bão lũ về.

Học sinh tỉnh Đồng Tháp đi đò đến trường - Ảnh: TTXVN

Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay về sớm, mực nước tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức vượt báo động II, cường suất mỗi ngày lên 4 - 5cm. Mực nước năm nay so với cùng kỳ các năm trước cao hơn cả mét. Đến ngày khai giảng năm học mới, Đồng Tháp chưa có trường học nào bị ngập hoặc ảnh hưởng do lũ. Nhưng nước lũ dâng cao khiến nhiều địa bàn bị chia cắt nhất là đường đến điểm trường, điểm phụ trên địa bàn vùng thượng nguồn. Đường ngập khiến hành trình đi tìm con chữ của thầy trò nơi đây cũng vất vả hơn nhiều nơi khác.

Ấp Giồng Bàng, nơi cách trung tâm xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự hơn 5 km, hiện đang bị chia cắt. Mọi nhu cầu di chuyển, đi lại của 70 gia đình với hơn 170 nhân khẩu đều phụ thuộc vào đường thủy. Trên tuyến dân cư được xây dựng theo cao độ của đỉnh lũ năm 2000 hiện có trường mầm non và 1 điểm phụ của Trường Tiểu học Thường Phước 1 với gần 50 học sinh đang theo học.

Là giáo viên giảng dạy ở điểm phụ Giồng Bàng, Trường Tiểu học Thường Phước 1 gần 20 năm, thầy Nguyễn Văn Hợp chia sẻ: Khi con nước tràn đồng, giáo viên ở đây đã quá quen với việc đi đò để đến lớp, đến trường, chuẩn bị cơm nắm cho những ngày lên lớp 2 buổi. Thời gian đến trường bằng đường thủy dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thời gian đi xe vào mùa khô. Chưa kể nguy hiểm luôn rình rập, tâm lý các thầy cô, học sinh phần nào cũng ảnh hưởng do nước chảy siết, nhất là khi trời mưa bão.

Khó khăn là vậy nhưng thầy Nguyễn Văn Hợp và các giáo viên ở điểm trường này đều kiên quyết bám trường, bám lớp, lặn lội mang con chữ "gieo" đến nơi được xem là "ốc đảo vùng rốn lũ" với mong muốn các em được đến trường. Dù nước thì ngập trắng đồng thì việc học của học sinh vẫn được đảm bảo.

Nếu như các em nhỏ cấp tiểu học và mầm non được học tại chỗ thì hơn 20 học sinh ở Giồng Bàng đang theo học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông phải băng đồng đến trường vào mùa nước nổi. Em Đỗ Thị Trúc Linh, học sinh lớp 7A7, Trường Trung học cơ sở Thường Phước 1 chia sẻ: Năm nào nước cũng ngập nên em đã quen với nước. Em đã biết bơi nhưng nước ngập sâu thì chỉ có thể đi học bằng xuồng. Do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa em đi học hàng ngày. Thật may là có phương tiện đưa đón miễn phí nên em tiếp tục có điều kiện đến trường.

Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hồng Ngự cho biết: Là địa bàn đầu nguồn vùng lũ nên nhiều năm qua ngành giáo dục huyện cũng như chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan luôn có “kịch bản” ứng phó phù hợp với thực tiễn từng năm. Qua thống kê, năm 2018 toàn huyện có khoảng 26.000 học sinh đến trường. Do nước lũ dâng cao nên khu vực địa bàn ấp Giồng Bàng, xã Thường Phước 1 và ấp Giồng Duối xã Thường Thới Hậu A nước đã chia cắt hoàn toàn, có khoảng 45 học sinh học trung học cơ sở và trung học phổ thông cần được đưa đến trường. Công tác đưa đón học sinh đã được UBND xã, bộ đội biên phòng và người dân tổ chức 3 buổi/ngày.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm khẳng định: Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 210 học sinh phải đi học bằng phương tiện đường thủy. Ngoài huyện Hồng Ngự, tại huyện Tam Nông, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Thành B (điểm phụ ấp Phú Hòa) và Trường Tiểu học Hòa Bình A (điểm phụ kinh Kháng chiến) có hơn 150 em học sinh đi học bằng đường thủy. Riêng huyện biên giới Tân Hồng có 14 học sinh cần phải đưa đón qua sông... Vì vậy để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, chính quyền địa phương đã vận động người dân tổ chức đưa đón học sinh bằng xuồng máy và được trang bị áo phao. Một số học sinh được cha mẹ trực tiếp đưa đến trường. Hoạt động đưa đón này sẽ được thực hiện đến khi hết lũ.

Hòa chung không khí náo nức chào đón năm học mới trên cả nước, hàng nghìn học sinh các cấp trên địa bàn vừa bị ảnh hưởng của lũ quét tại tỉnh Sơn La cũng đã vui mừng, phấn khởi đón lễ khai giảng năm học mới.

Từ sớm, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt (huyện Mai Sơn) - một trong những trường chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề từ các trận lũ quét xảy ra vào cuối tháng 8/2018 - đã nô nức đến dự lễ khai giảng được tổ chức tại Nhà văn hóa xã Nà Ớt.

Đúng 8 giờ ngày 5/9, thầy Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt đã đánh hồi trống khai giảng năm học mới 2018-2019. Toàn trường đã lắng nghe Thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước. Năm học này, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, đơn giản song vẫn giữ được không khí trang trọng. Trên khuôn mặt các thầy cô giáo và các em học sinh đều rạng rỡ niềm vui, hi vọng một năm học diễn ra tốt đẹp.

Vũ Phong (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/xuc-dong-hoc-sinh-vung-lu-di-khai-giang-nam-hoc-moi/345693.vgp