Xúc động chuyện dạy – học của thầy trò vùng lũ

Miền Trung vừa trải qua hơn một tháng liên tiếp hứng chịu thiên tai. Rất nhiều ngôi trường đã đổ sập, tốc mái, bị bùn đất vùi lấp… Nhưng việc dạy – học của thầy trò ở những nơi ấy không gián đoạn quá lâu.

Chỉ ít ngày sau khi bão tan, lũ rút, nhiều trường học đã lại đón học trò, tiếng giảng bài của các thầy cô giáo lại vang vọng giữa rừng xanh núi đỏ…

Xúc động chuyện dạy – học của thầy trò vùng lũ

Xúc động chuyện dạy – học của thầy trò vùng lũ

Đang tháng Mười Âm lịch – thời điểm mà lũ lụt vẫn đe dọa dải đất miền Trung từng ngày, từng giờ, nhưng hàng trăm, hàng nghìn thầy cô giáo vẫn vượt qua hiểm nguy, băng qua những đoạn đường còn lầy lội bùn đất, vượt qua những cánh rừng còn tiềm ẩn bao mối nguy, để đến những điểm trường ở bao vùng hẻo lánh. Những thầy cô giáo ấy tự tay dọn dẹp trường lớp, lợp lại mái nhà, dựng lại những bức vách bị ngã đổ, xúc bùn đất, phơi sách vở bị ướt… để có thể đón học trò trong điều kiện tốt nhất có thể. Công việc đó đòi hỏi tốn nhiều sức lực, và cả lòng dũng cảm, đức hy sinh. Họ được tiếp thêm nguồn sức mạnh từ lòng yêu nghề, yêu trẻ mãnh liệt.

Và cũng ở những nơi đó, rất nhiều học trò đã sớm trở lại trường sau những ngày cùng gia đình chống chọi với thiên tai. Các em cũng phải vượt qua rất nhiều gian khó để có thể tiếp tục hành trình "đi tìm con chữ" vốn đã đầy gian nan của mình.

Cách đây nhiều năm, tôi có đọc một truyện ngắn rất nổi tiếng của nhà văn Aimatov – "Người thầy đầu tiên". Tình yêu người, yêu nghề mãnh liệt của người thầy ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi, và trong biết bao người khác, để mặc dù không được trở thành một người thầy đúng nghĩa, vẫn có thể sống tốt, sống một cách chuẩn mực bất chấp những ngả nghiêng của thế cuộc.

Giờ đây, những "người thầy đầu tiên ấy" đang hiện hữu bằng xương bằng thịt, ở khắp mọi miền đất nước. Tiêu biểu nhất là những người đang sống và làm việc ở vùng thiên tai bão lũ. Ở họ không chỉ có trách nhiệm của người làm thầy, mà còn chứa đựng cả biết bao tình cảm chân thành, thiết tha của thế hệ người đi trước – người đưa đò cho biết bao thế hệ học trò trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội.

Những ngày này, nhiều ngôi trường ở miền Trung tiếp tục mở cửa trở lại đón học trò. Có những trường kịp mở cửa đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, có những trường không kịp. Nhưng dẫu sao, tấm lòng của những thầy cô giáo ở những nơi ấy vẫn được xã hội ghi nhận, như những bông hoa đẹp rộ nở giữa cuộc sống đầy phong ba bão táp, những tấm lòng cao cả đã nỗ lực vượt qua biết bao hy sinh gian khổ để dâng mật ngọt cho đời…

Xin dành tặng cho tất cả các thầy cô vùng bão lũ những bó hoa tươi thắm, như một lời tri ân!

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/xuc-dong-chuyen-day-hoc-cua-thay-tro-vung-lu-20201120173551255.htm