Xúc động chương trình giao lưu nghệ thuật 'Đẹp nhất tên Người'

Chương trình giao lưu nghệ thuật do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức kể lại những câu chuyện xúc động, tự hào về Bác, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 17/5, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề "Đẹp nhất tên Người" tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội.

Đây là chương trình giao lưu nghệ thuật kể lại những câu chuyện xúc động, tự hào về Bác, vị Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Các vị đại biểu và quan khách chụp ảnh lưu niệm tại chương trình nghệ thuật "Đẹp nhất tên Người". (Ảnh: Minh Tuấn)

Các vị đại biểu và quan khách chụp ảnh lưu niệm tại chương trình nghệ thuật "Đẹp nhất tên Người". (Ảnh: Minh Tuấn)

Tham dự buổi giao lưu văn nghệ có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương. Ngoài ra còn có rất nhiều khán giả có mặt tại buổi biểu diễn và đông đảo bạn xem truyền hình trong và ngoài nước đón xem qua các kênh như VOVTV, VTC3, VTC9, VOV3, Truyenhinhvov.vn và các ứng dụng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chia sẻ cảm xúc tại chương trình nghệ thuật, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sợi chỉ đỏ xuyên suốt con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội và mưu cầu hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.

Có một chi tiết rất thú vị là năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã viết Bản án chế độ Thực dân Pháp. Và sau này các nhà nghiên cứu trên thế giới đều đi đến kết luận chung rằng, Hồ Chí Minh là người đầu tiên trên thế giới viết bản án chế độ thực dân và chính Người cùng với dân tộc Việt Nam thi hành bản án đó, xóa bỏ chế độ thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Đó là công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Theo Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, giáo dục và rèn luyện cán bộ là điều Bác Hồ đặc biệt chú ý.

Bác rèn cho cán bộ cái đức, và trong ứng xử với con người Bác rất đề cao việc dùng đức để trị. Song Bác là người biện chứng. Bên cạnh sự nhân văn, nâng niu từng con người như vậy, Bác cũng rất kiên quyết, trừng trị những kẻ thoái hóa, biến chất”, Tiến sỹ Chu Đức Tính nói.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (bên trái) và Tiến sỹ Chu Đức Tính giao lưu tại chương trình "Đẹp nhất tên Người". (Ảnh: Minh Tuấn)

Chương trình nghệ thuật “Đẹp nhất tên Người” có 3 phân đoạn, bao gồm “Dấu chân phía trước”, “Sáng mãi tên Người” và “Hồ Chí Minh – Đẹp nhất tên Người”.

Trong mỗi phần là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, chuyên môn cao do các nghệ sỹ Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng, thực hiện.

Xuyên suốt chương trình nghệ thuật là câu chuyện giản dị về Bác, từ khi Người sinh ra, lớn lên và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.

Sau đó là giai đoạn Bác thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trở về nước lãnh đạo dân tộc ta giành độc lập, tự do và thống nhất non sông đất nước.

Trong suốt hành trình vĩ đại đó luôn sáng ngời đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Người luôn giản dị, gần gũi với nhân dân, quan tâm, chăm lo tới đời sống nhân dân. Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng về phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc.

Chương trình nghệ thuật "Đẹp nhất tên Người" có nhiều tiết mục ấn tượng, mang ý nghĩa sâu sắc.

NSƯT Hồng Liên để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả với ca khúc "Bác Hồ một tình yêu bao la".

NSƯT Đăng Dương thể hiện ca khúc "Dấu chân phía trước".

Ca khúc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" với sự tham gia của các bạn học sinh Hà Nội.

Tiết mục "Thanh niên làm theo lời Bác".

Minh Tuấn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/doi-song/xuc-dong-chuong-trinh-giao-luu-nghe-thuat-dep-nhat-ten-nguoi-ar546523.html