Xúc động bài viết tri ân lực lượng chống dịch tuyến đầu của nữ sinh trường ĐH Đà Lạt

Bạch Thị Tuyết Nga (lớp Giáo dục Tiểu học, khoa Sư Phạm, trường ĐH Đà Lạt) mới đây có bài viết cảm động về các lực lượng, bác sĩ áo trắng trong tuyến đầu chống dịch. Bài viết đoạt giải Nhất cuộc thi 'Viết và thiết kế ấn phẩm truyền thông phòng, chống COVID-19' do Đoàn Thanh niên trường ĐH Đà Lạt tổ chức.

Gửi những người hùng của Tổ quốc thân yêu!

Sinh ra và lớn lên trong thời bình, nơi mảnh đất cao nguyên bình dị, sống trong vòng tay ba mẹ suốt 19 năm như một lẽ hiển nhiên, sự đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần làm con quên đi bao thứ đáng ra con phải suy nghĩ đến. Cho đến ngày hôm nay, khi mà cả đất nước gồng mình lên chống dịch, cơn đại dịch mà toàn cầu phải khiếp sợ, tỉ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng lên đến mức chóng mặt, cả thế giới dường như rối ren không nút gỡ, cảnh người người lâm li tử biệt xuất hiện từ các trang báo đến các kênh truyền hình rồi phủ sóng tất cả các trang mạng xã hội. Sức tàn phá của đại dịch này quá lớn khiến không một ai trong chúng ta thôi ngừng nghĩ tới.

Hổ thẹn thay, khi bản thân đang ngủ trong chăn ấm nệm êm, ăn uống ngon lành, coi việc cách ly phòng, chống dịch như một kì nghỉ dưỡng dài hạn thì những người bạn, những người anh, người chị, bác sĩ, các lượng lượng bộ đội đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, co ro trong túp lều dựng vội nơi rừng sâu lạnh lẽo, ăn vội bữa cơm mùa dịch hay nấu vội nồi cháo dã chiến khuya, “ăn rừng, ngủ núi” để nhường chỗ cho những người con đất mẹ đang nơi đất khách quê người trở về quê hương tránh dịch.

Bạch Thị Tuyết Nga. (Ảnh: NVCC)

Bạch Thị Tuyết Nga. (Ảnh: NVCC)

Hổ thẹn thay, khi 19 tuổi mộng mơ, chỉ luẩn quẩn trong cái vòng thất tình bỏ ăn bỏ ngủ, ôm gối khóc lóc, bi lụy sầu não. Hổ thẹn thay khi cuộc sống của tuổi 19 hững hờ chỉ có “hôm nay ăn gì?”, “Shopee đang sale”, “không có gì để mặc!”… thì những người chiến sĩ dũng cảm ấy đã mang trên vai trọng trách nước nhà, tinh thần nhiệt huyết đầy trách nhiệm cùng khát vọng dập dịch đến tột cùng. Tuổi trẻ của các bạn ấy, các anh, các chị ấy có Đảng, có nhà nước, có nhân dân, có trong tim dải đất xinh tươi hình chữ S. Tuổi trẻ ấy có niềm tin và hi vọng vì nụ cười trên môi mỗi con người máu đỏ da vàng đất Việt với quyết tâm “Việt Nam quyết thắng đại dịch COVID-19”.

Nga là thành viên của CLB Nhịp sống giảng đường, tham gia tích cực trong các hoạt động hướng dẫn các bạn sinh viên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn đúng cách để phòng chống COVID-19. (Ảnh: NVCC)

Có những giây phút mà bản thân như chết lặng vì những hy sinh quá đỗi lớn lao, những đánh đổi hết sức thầm lặng đôi khi cuộc sống khiến con đi nhanh hơn, khiến con vô tình bỏ qua những khoảng lặng. Lặng người, lưng tròng vì hình ảnh những em bé nhỏ đang sống cùng ông bà, ngây ngô gọi cho ba mẹ là những cô chú điều dưỡng, y tá, bác sĩ với câu hỏi thường trực: “Mẹ ơi, bao giờ mẹ về nhà?”. Một câu hỏi khó trả lời, ngậm ngùi đến xúc động bởi lẽ những “chiến sĩ áo trắng” không biết bao giờ mới được rời khỏi “chiến trường” sinh tử kia, cũng chẳng dám hứa vì sợ không thực hiện được, có phải đây là lúc yếu lòng nhất hay không? Phải có một tinh thần trách nhiệm, một tấm lòng quả cảm, một trái tim đầy trắc ẩn thì mới dũng cảm bước chân vào cánh cửa phòng bệnh nhân, phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ mất mạng khi trực tiếp chăm sóc cho những ca dương tính. Đó có thể được coi là nghề nghiệp, là điều mà “chiến sĩ không súng” đã lựa chọn và theo đuổi, dẫu sao thì cũng không khó khăn bằng việc đối mặt với câu hỏi của con “Bao giờ mẹ về nhà?”.

Hình ảnh những cô y tá, những nữ bác sĩ cắt đi mái tóc của mình, những khuôn mặt biến dạng đi vì vết hằn được tạo bởi khẩu trang và đồ bảo hộ mang theo suốt cả ngày dài, hình ảnh những “chiến sĩ thầm lặng” nằm la liệt trên sàn nhà, góc khuất, vì áp lực về tinh thần lẫn vật chất… Câu chuyện về những y bác sĩ đã về hưu nhưng xin đi cống hiến sức mình chống dịch, câu chuyện về nỗi ám ảnh của chiếc máy thở báo động rúng mình, câu chuyện về giấc ngủ không ngon chưa đầy ba tiếng, câu chuyện về chấp nhận mặc bỉm và uống ít nước hơn để đi vệ sinh ít hơn, có thể dành thời gian hết cỡ cho bệnh nhân,… Bao nhiêu đó thôi đủ để thắt lòng ngẫm nghĩ, bao nhiêu tiếng cảm ơn mới lấp đầy sự hy sinh không toan tính đó!

Nga làm MC trong chương trình "Liên hoa Tuyên truyền ca khúc cách mạng năm 2020" do Đoàn Thanh niên trường ĐH Đà Lạt tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc đang diễn ra trong tâm can này nữa? Vui có, buồn có, tự hào có, kính trọng có, xúc động có, hổ thẹn có… bao nhiêu con chữ mới trải hết nỗi lòng đây? Có lẽ, phải dùng chính những con chữ khô khan này gửi đến những người hùng của Tổ quốc lời tri ân vụng về. Rồi sẽ đến ngày đất nước ăn mừng thắng lợi, rồi sẽ đến ngày câu hỏi “Bao giờ mẹ về nhà” có câu trả lời, rồi sẽ có ngày vết hằn trên khuôn mặt cao thượng kia sẽ chẳng còn… Con tin tưởng những “Chiến sĩ áo trắng, tay không cầm tấc sắt” kia chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch. Đồng bào luôn bên cạnh, Tổ quốc luôn vững tin…

Hà Chi (ghi lại)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-doan-hoi/xuc-dong-bai-viet-tri-an-luc-luong-chong-dich-tuyen-dau-cua-nu-sinh-truong-dh-da-lat-1705257.tpo