Xúc cảm của học sinh và giáo viên trong những tiết học đầu tiên theo chương trình mới

Năm học mới vừa bắt đầu. Đối với thầy và trò ba khối lớp 3, 7 và 10, năm học này thực sự đặc biệt, vì đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới. Các nhà trường, giáo viên đã có sự chuẩn bị như thế nào, học sinh đón nhận sự đổi mới ra sao?

Đây là một giờ học của thầy và trò lớp 7H, trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 7 không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên.

Học sinh ĐÀO DUY KHOA, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội: “Cháu rất hào hứng về tiết học. Thầy dạy rất hay, SGK thì bắt mắt, dễ hiểu.”

Thầy giáo BÙI MẠNH TÙNG, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội: “Chương trình GDPT 2018 đem đến nhiều thay đổi nên trước năm học, chúng tôi đã họp tổ chuyên môn trao đổi rất kỹ để bàn phương pháp tiếp cận, dạy học. Có sự tự chủ, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp nên thầy trò cảm thấy khá hồi hộp, háo hức và rất sẵn sàng.”

Đặc biệt, năm học này là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp Trung học Phổ thông, với lớp 10. Chương trình có sự thay đổi rõ rệt theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.

Em NGUYỄN TRÀ GIANG, Trường THPT Bất Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội: "Em cảm thấy rất hào hứng do chương trình học năm nay có thay đổi so với năm học trước kia. Em cảm thấy khá may mắn về điều này".

Mới với trò thì cũng là mới với giáo viên. Để soạn được bài giảng theo chương trình mới thì thầy cô cũng phải đầu tư nhiều thời gian, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiết dạy đạt hiệu quả hơn.

Thầy giáo NGUYỄN VIẾT QUỲNH, Trường THPT Bất Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội:"Ban đầu chúng tôi có chút lo lắng, trò mới, thầy mới, nhưng bên cạnh đó là sự thay đổi, không chỉ Lịch sử mà là giáo dục nói chung. Tiết đầu tiên các em rất háo hức".

Bên cạnh sự háo hức là những nỗi lo, bởi việc triển khai chương trình mới trong điều kiện cơ sở vật chất cũ là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nơi. Tiết thực hành vốn phải được dạy trong phòng thí nghiệm thì giờ thầy Quý phải dạy qua thí nghiệm mô phỏng nên hiệu quả tiếp thu kiến thức cũng giảm đi 1 nửa.

Thầy giáo VŨ XUÂN QUÝ Trường THCS Thuần Mỹ, Hà Nội: "Dạy chay như này mình là giáo viên mình cũng cảm thấy khó với học sinh, sưu tầm trên mạng nhiều cái không đảm bảo, nên rất khó khăn, mô tả thí nghiệm khó hơn so với tự làm rất nhiều".

Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã sắp bước sang năm thứ 10, để đạt mục tiêu thì chương trình mới chỉ là điều kiện cần, còn đủ thì phải kèm theo cả điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ. Có như vậy niềm hào hứng với chương trình mới của cả thầy trò mới thực sự hiệu quả và trọn vẹn.

Thực hiện : Phan Hằng Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/xuc-cam-cua-hoc-sinh-va-giao-vien-trong-nhung-tiet-hoc-dau-tien-theo-chuong-trinh-moi