Xuất nhập khẩu Việt Nam ngày 8-11/9: 'Đũa thần' EVFTA chạm vào nông sản, giá tôm hùm chạm đáy, dệt may 'đói' đơn hàng

Tình hình xuất khẩu nông sản xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, giá tôm hùm giảm mạnh, dệt may, da giày thiếu đơn hàng là những thông tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu từ 8-11/9.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá tôm hùm tại Việt Nam thấp nhất từ trước đến nay. (Nguồn: vietfishmagazine)

Xuất khẩu thủy sản tăng

Sau hơn 1 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU, điển hình như đơn hàng xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 10% so với tháng 7.

Hôm nay (11/9), tại Ninh Thuận sẽ diễn ra Lễ xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Theo đó, những lô tôm xuất khẩu đầu tiên được hưởng ưu đãi thuế sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ bay sang EU, mở ra triển vọng xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Đại điện Bộ Nông nghiệp & Nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong tháng 8, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng, tập trung nhiều vào tôm (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019).

Một số mặt hàng tôm xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế suất 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.

Theo dự đoán, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 có thể đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.

Gạo tiên phong vào EU

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, sau khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1/8), ông đã ký được hợp đồng với 3 đối tác ở EU để xuất 3.000 tấn gạo ST20 và Jasmine 85.

Được biết, công ty Trung An đã xuất được 150 tấn, số còn lại sẽ tiếp tục giao cho khách theo lịch của họ. Gạo ST20 xuất khẩu có giá trên 1.000 USD/tấn, cao hơn trước khoảng 200 USD/tấn, gạo Jasmine giá trên 600 USD/tấn, cao hơn trước gần 100 USD/tấn. Theo thông tin từ đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Trung An là một trong 3 doanh nghiệp gửi hồ sơ về Cục, đăng ký xuất khẩu đi EU hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA.

Theo Quy định tại EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan, bao gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm.

Dệt may, da giày ‘đói’ đơn hàng

Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.

Theo thông lệ hằng năm, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện chưa thể đưa ra các dự đoán dài hạn nhưng tập đoàn đã tính tới kịch bản có thể giảm 20% doanh thu năm nay. Được biết, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, trong khi đơn hàng khẩu trang đã giảm nhiều về số lượng và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6%; vải mạnh, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn đối với ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, xuất khẩu tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2020 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày, dệt may sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu. Động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định EVFTA.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong vòng một tháng kể từ ngày 1-31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Đây là dấu hiệu tích cực, có thể giúp ngành dệt may, da giày xuất khẩu tốt hơn nhờ tận dụng các ưu đãi từ EVFTA trong thời gian tới.

Giá tôm hùm chạm đáy

Việc xuất khẩu tôm hùm gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến giá loại hải sản cao cấp này đang chạm đáy, không còn là món ăn xa xỉ chỉ dành cho giới nhà giàu như trước.

Tại chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang, Khánh Hòa), giá tôm hùm xanh tươi sống loại 3 con/kg là 520.000 đồng; loại 4-5 con/kg 450.000 đồng; tôm hùm bông loại 2 con/1,5kg là 750.000 đồng, loại 1 con/kg giá 1,1 triệu đồng. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, lượng tôm xuất khẩu ngày càng giảm nên phải đẩy mạnh thị trường nội địa với giá vừa phải.

Tại Cam Ranh, địa phương có sản lượng tôm hùm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, giá tôm hùm đang giảm mạnh do xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch rất khó khăn. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch ở Khánh Hòa sụt giảm cũng khiến giá tôm xuống thấp. Đây vừa là thách thức và là cơ hội để thị trường nội địa phát triển. Hiện tôm hùm được các thương lái thu mua bán cho thị trường Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm hùm là một trong những mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Thị trường chính của tôm hùm Việt Nam là Trung Quốc nên bị ảnh hưởng từ sớm. Ngoài ra, còn có lý do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên tôm hùm chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch. Việc hồi phục của thị trường tôm hùm phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-nhap-khau-viet-nam-ngay-8-119-dua-than-evfta-cham-vao-nong-san-gia-tom-hum-cham-day-det-may-doi-don-hang-123520.html